Trước tình hình kinh doanh ảm đảm, trượt dài với những khoản nợ nghìn tỷ, việc đại gia Lê Thành mua lại hơn 55 triệu cổ phần của Tân Mai Group, trở thành cổ đông lớn nhất của Tân Mai Group gây xôn xao dư luận.
Đại gia Lê Thành tại một cuộc họp. Ảnh: daklak.gov.vn |
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group) bị Cục Thuế tỉnh Đồng Nai "bêu" tên vì nợ hơn 30 tỷ tiền thuế. Thông tin này khiến không ít người bất ngờ khi mà doanh nghiệp này nổi tiếng sở hữu quỹ đất không nhỏ tại nhiều tỉnh thành.
Nói đến Tân Mai Group, doanh nghiệp này được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công ty cổ phần Giấy Tân Mai và Công ty cổ phần Giấy Đồng Nai, với vốn điều lệ hơn 890,9 tỷ đồng vào tháng 12/2008.
Tân Mai từng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành sản xuất giấy Việt Nam với quỹ đất rừng hàng nghìn héc ta. Doanh nghiệp đang sở hữu và quản lý 30.846,22 ha đất rừng ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và hàng triệu m2 đất nhà máy giấy ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương.
Mấy năm gần đây, tình hình kinh doanh của Tân Mai không mấy khả quan khi liên tiếp thua lỗ. Năm 2018, Tân Mai Group lỗ gần 12 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng vào cuối năm 2018.
Khoản lỗ lũy kế giảm đáng kể khi trong năm 2017 doanh nghiệp này ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường hơn 400 tỷ đồng từ việc miễn giảm lãi vay và chuyển nhượng dự án bất động sản.
Trong năm 2019, Tân Mai Group lỗ trước thuế hơn 15 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 12,5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2019, Tân Mai Group nợ hơn 7.840 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 890 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có 8 khoản vay quá hạn với tổng nợ gốc hơn 2.000 tỷ đồng, tiền lãi hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi tiền mặt và khoản tương đương tiền chỉ hơn 43,1 tỷ đồng.
Trước tình hình kinh doanh ảm đạm, trượt dài với những khoản nợ nghìn tỷ, việc đại gia Lê Thành mua lại hơn 55 triệu cổ phần của Tân Mai Group, trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 61,47% của Tân Mai Group vào tháng 12/2019 gây xôn xao một thời gian. Số cổ phần còn lại do Tổng Công ty Giấy Việt Nam nắm giữ 22,73%; Nhà xuất bản Giáo dục nắm giữ 8,1% và cổ đông khác nắm giữ 7,43%.
Tháng 1/2020, đại gia Lê Thành được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT thay ông Trần Đức Thịnh. Sau khi ngồi "ghế nóng", ông Lê Thành cũng lần lượt giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật tại loạt công ty con thuộc "hệ sinh thái" của Tân Mai Group, gồm: CTCP Tân Mai miền Trung, CTCP Tân Mai Lâm Đồng, CTCP Tân Mai Tây Nguyên và CTCP Tân Mai miền Đông.
Thâu tóm Tân Mai Group trong vòng "một nốt nhạc" khiến nhiều người không khỏi tò mò về tiềm lực kinh tế của vị đại gia sinh năm 1974 này.
Trong bản cung cấp thông tin gửi UBCK Nhà nước, ông Lê Thành chỉ cho biết đang nắm giữ "ghế" Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, "hệ sinh thái" của vị đại gia này còn bao gồm loạt pháp nhân tên tuổi khác như: CTCP Codona Thế kỷ 21; Công ty TNHH Organic Life; CTCP Đầu tư Nông Trường Xanh; CTCP Đầu tư Kết nối xanh (Green Connection Invest) và CTCP Đầu tư Nhà quản lý (Manager Invest).
Ngoài ra, ông Thành cũng tham gia vào ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn như Lavifood, Đầu tư Tân Thành Long An (KCN Việt Phát).
Trong số những doanh nghiệp trên, phải kể đến Green Connection Invest được thành lập từ tháng 1/2017, với quy mô vốn điều lệ 50 tỷ đồng, với sự góp vốn của các cổ đông: ông Lê Thành sở hữu 35% vốn điều lệ, ông Tô Dũng sở hữu 35% vốn điều lệ và ông Phạm Ngô Quốc Thắng nắm giữ 30%.
Trở lại với Tân Mai Group, với việc sở hữu nhiều doanh nghiệp khủng cùng hệ sinh thái đa dạng, đại gia Lê Thành được kì vọng sẽ đưa Tân Mai thoát khỏi tình trạng kinh doanh trượt dài, thua lỗ triền miên trong suốt mấy năm qua.
Bạch Hiền