Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đại diện Central Group lên tiếng về nguyên nhân Big C ngưng nhập hàng dệt may Việt Nam

(DS&PL) -

Phía Central Group cho biết, việc tạm ngừng đặt hàng dệt may Việt Nam là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc của Tập đoàn Central.

Phía Central Group cho biết, việc tạm ngừng đặt hàng dệt may Việt Nam là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan.

Nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc bị ngưng hợp tác đã kéo đến tập đoàn sở hữu siêu thị Big C để phản đối. Ảnh: Người Đưa Tin

Liên quan đến việc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, tập đoàn Central tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019, phía Central Group đã có buổi làm việc với đại diện các doanh nghiệp vào chiều ngày 3/7.

Central Group Việt Nam khẳng định quyết định dừng nhập hàng may mặc này "chỉ là tạm thời, không phải là chấm dứt hợp đồng".

Đồng thời, đại diện truyền thông của BigC tại Việt Nam cho biết, BigC chỉ tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc đối với một số nhà cung cấp nhỏ lẻ tại Việt Nam chứ không phải từ tất cả các nhà cung cấp. BigC tại Việt Nam sẽ có thông báo chính thức, giải thích rõ hơn về việc này.

“Chúng tôi có hàng ngàn nhà cung cấp tại Việt Nam. Công văn chỉ gửi cho vài chục đơn vị để thay thế hàng chứ không phải là ngừng hoàn toàn việc nhập hàng may mặc của Việt Nam”.

“Việc tạm dừng nhập hàng này sẽ kéo dài lâu nhất là 2 tuần. Trong thời gian đó, doanh nghiệp sẽ đánh giá lại chiến lược, xem xét việc hàng tồn kho... và đưa ra chiến lược mới”, Người Đưa Tin dẫn lời vị đại diện của Central Group.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc làm này của Big C là không thể chấp nhận được.

An ninh thủ đô đưa tin, trao đổi với báo chí, đại diện công ty TNHH Thương mại Hiền Trúc, đối tác đã làm ăn với Big C 20 năm nay cho biết: “8h tối 2/7, chúng tôi nhận được email của Central Group rất đột ngột. Chúng tôi rất bức xúc vì họ đường đột ngưng nhập hàng. Tất cả đơn hàng đã đặt và sản xuất theo cam kết, hàng vạn công nhân lao động cũng trông chờ vào công việc này nên việc ngừng đột ngột gây tổn thất cho chúng tôi. Họ phải có thông báo về thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị, chứ tối hôm trước gửi email, sáng hôm sau đã chấm dứt là không được”.

Việc tạm ngừng đặt hàng nói trên được lý giải là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan.

"Kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, chúng tôi sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam", thông báo của Central nêu rõ.

Cũng theo nội dung thông báo này, tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7/2019 sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại.

Trong một diễn biến khác, VTC News thông tin, bà Nguyễn Thị Hồng Thu – Trưởng ban Tổng hợp, Thông tin và truyền thông (Hiệp hội Dệt may Việt Nam) cho biết, phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam chưa nhận được bất cứ thông báo nào liên quan đến việc các doanh nghiệp dệt may phản ứng vì bị Big C Việt Nam ngừng nhập mặt hàng này.

Cũng theo bà Thu, mặc dù báo chí đưa tin các doanh nghiệp này kéo đến văn phòng Central Group tại TP.HCM để phản ứng về việc Big C tạm ngưng nhập hàng dệt may Việt nhưng lại không trao đổi với Hiệp hội.

Vị đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng thông tin thêm, trong số các doanh nghiệp nói trên, có đơn vị là thành viên của Hiệp hội, cũng có đơn vị không phải là thành viên.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ thái độ quan ngại, nếu để BigC thực hiện điều này rất dễ tạo ra tiền lệ, khiến cho hàng loạt các sản phẩm Việt Nam khác trong siêu thị do nước ngoài sở hữu từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.

Điều này sẽ khiến cho hàng Việt Nam nói chung và các sản phẩm may mặc nói riêng tại các siêu thị ngoại sẽ dần mất chủ quyền ngay tại quốc gia của mình, đẩy các doanh nghiệp Việt vào thế đối đầu, bất cân xứng.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật