Đại biểu Quốc hội Trương Anh Tuấn (Nam Định) cho rằng, thực tế có nhiều trường hợp người đàn ông bị vợ đánh, hắt hủi...nhưng vì sĩ diện nên không dám kêu.
Sáng 9/11 thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, đại biểu Quốc hội Trương Anh Tuấn (Nam Định) đã phản ánh về tình trạng đàn ông cũng là nạn nhân của bạo hành gia đình.
Theo ông Tuấn, do có quan niệm phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh, nên công tác bình đẳng giới là bảo vệ bênh vực phụ nữ, như vậy chưa đúng. Bình đẳng giới là vấn đề cần quan tâm với cả nam và nữ.
“Bạo hành gia đình thì không chỉ phụ nữ và trẻ em mà còn cả đàn ông. Thực tế có nhiều trường hợp người bị bạo hành là đàn ông. Bị vợ con hắt hủi, bị cấm vận, phong tỏa… Trong những trường hợp này do sĩ diện nên người ít người đàn ông kêu la, cầu cứu”, ông Tuấn cho hay.
Đại biểu Trương Anh Tuấn. Ảnh: Tiền Phong |
Ông Tuấn cũng cho hay, hiện trên nhiều lĩnh vực, từ nhận thức đến hành động phụ nữ không hề thua kém đàn ông.Trong lịch sử đã có những anh hùng liệt nữ, và hôm nay ngày càng có nhiều phụ nữ giỏi giang, thành đạt và điều đó thật đáng tự hào. Hiện tuổi thọ bình quân của phụ nữ là 76,1, của nam là 70,8, như vậy về sức khỏe, tuổi thọ phụ nữ đã vượt đàn ông.
"Tôi xin khẳng định lại là phụ nữ không yếu, nếu trước kia là phái yếu thì theo tôi hiện nay phụ nữ là phái đẹp", đại biểu Tuấn cho hay.
Theo đại biểu Tuấn, bình đẳng giới là sự ngang bằng giữa nam và nữ trong tham gia và thụ hưởng, từ đó có quan điểm trong xây dựng chính sách chỉ cần trung tính là bình đẳng rồi mà chưa quan tâm đến những biện pháp đặc thù để bình đẳng giới.
"Tôi thấy cần chú ý là mục tiêu của bình đẳng giới đó là không phân biệt đối xử, tạo sự công bằng về cơ hội cho nam và nữ chứ không phải tạo sự ngang bằng giữa nam và nữ một cách tuyệt đối. Do đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, do thiên chức khác nhau, không thể có sự ngang bằng tuyệt đối giữa nam và nữ", ông Tuấn nêu quan điểm.
Hoàng Yên