Theo Tiền phong, tâm điểm trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cuối ngày 8/6 là câu chuyện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Đặt câu hỏi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề kinh doanh vàng miếng trong nước có nhiều điểm bất ổn, bất hợp lý. Có sự chênh lệch quá cao giữa giá vàng ở Việt Nam và trên thế giới, giữa SJC với các thương hiệu khác, gây tâm lý bất an.
"Vậy trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước để giải quyết như thế nào, liệu có sự bắt tay thao túng giá vàng miếng SJC?", đại biểu Phương Thủy chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đặt câu hỏi tại phiên chất vần ngày 8/6. Ảnh: Tuổi trẻ
Trả lời nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói rằng, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế vừa qua rất phức tạp và cũng rất khó lường, vì chịu tác động nhiều yếu tố như tỷ giá USD, căng thẳng Nga-Ukraine và hàng loạt yếu tố khác.
Ở trong nước, giá vàng có cùng xu hướng với giá của thế giới nhưng tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn, và điều chỉnh xuống thì lại chậm hơn.
Trong đó, giá vàng của các nhãn thương hiệu khác ngoài SJC, chênh lệch so với thế giới khoảng 2 triệu đồng một lượng.Riêng vàng SJC tăng ở mức lớn, có thời điểm khoảng 16-17 triệu trên một lượng.
Về nguyên nhân, tờ Tuổi trẻ dẫn lời bà Hồng cho biết, do thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế nên từ năm 2012 thực hiện nghị định 24 và đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, Ngân hàng nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng.
Như vậy nguồn cung vàng miếng trong nước đã bị giảm đi, bởi vì có thể có một phần vàng đó được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Bên cạnh đó, với biến động của giá vàng thế giới, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng niêm yết giá cũng rất lo ngại về rủi ro nên thường niêm yết giá rất cao.
SJC là một thương hiệu vàng mà người dân ưa chuộng hơn, vì thế họ niêm yết giá cao. Trên thực tế theo dõi giá vàng niêm yết, giá vàng mua và giá vàng bán của các tổ chức về cơ bản chênh nhau khoảng 1 triệu hoặc 1,5 triệu đồng/lượng.
Đối với SJC mua cao thì bán cao và các thương hiệu vàng khác mua thấp lại bán thấp. Với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề vàng, Thống đốc NHNN cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để can thiệp nếu cần thiết.
Thống đốc Hồng cho biết thêm rằng, Ngân hàng Nhà nước có chuẩn bị các phương án sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết, tuy nhiên, qua tổng hợp thời gian vừa qua, số liệu người dân mua vàng miếng không nhiều, có số liệu bán ròng - tức là khi giá vàng cao thì mang đi bán, nên chưa cần tổ chức nhập khẩu, can thiệp giá.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn ngày 8/6. Ảnh: Tiền phong
Theo VOV, Tranh luận lại phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đánh giá cao việc điều hành thị trường vàng, tránh vàng hoá thời gian qua. Tuy nhiên, việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia như vậy có phải là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng này tăng cao hay không?
"Bởi cũng đúc như thế như vàng miếng thương hiệu khác giá thấp hơn nhiều SJC. Chúng tôi thấy chênh lệch như vậy là quá lớn nên đề nghị Thống đốc có giải pháp cụ thể hơn", đại biểu Trịnh Xuân An đặt vấn đề đằng sau vấn đề giá vàng có sự làm lợi cho tổ chức, doanh nghiệp nào hay không, do đó cần có sự quan tâm.
Sử dụng quyền tranh luận, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhắc lại rằng, câu hỏi bà đặt ra là, đến bao giờ Ngân hàng Nhà nước báo cáo với Chính phủ để sửa Nghị định 24, nhưng Thống đốc chưa nói.
Đồng ý cần phải tránh việc vàng hóa, song bà Thủy đặt vấn đề, phải chăng việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC là nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay?
Bởi cũng là vàng miếng loại khác, như của Bảo Tín Minh Châu thấp hơn vàng miếng SJC đến 15 triệu đồng (theo giá ngày 8/6). Xét về giá thành cũng như so với giá thế giới, chênh lệch như vậy quá lớn. Bà Thủy đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét thêm về nội dung này.
Hoa Vũ (T/h)