Các ý kiến đều cho rằng, chủ trương miễn thuế đất nông nghiệp sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.
Hôm nay (25/5), tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Dự kiến, với số thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được trình bày tại phiên họp 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với nội dung kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2025).
Với số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) đồng tình với đề xuất này bởi đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, giúp người nông dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn.
Đại biểu Quốc hội đồng tình với chủ trương miễn thuế đất nông nghiệp, giảm gánh nặng cho nông dân. Ảnh minh họa |
Về tình trạng bỏ hoang hoá đất, sử dụng không hiệu quả, theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Đoàn Hải Phòng) là do nhiều nguyên nhân như: khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm….
Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá kỹ hơn về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế, để chính sách này tác động tích cực hơn nữa trong việc khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, không dẫn đến lãng phí đất đai.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - cho hay, các báo cáo bổ sung về kinh tế xã hội cũng như báo cáo về việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy chỗ dựa vững chắc của nền nông nghiệp.
“Thủ tướng cũng nêu một vấn đề mà mọi người đều rất tâm đắc chính là việc qua đợt dịch mới càng thấy hơn những giá trị to lớn của nông nghiệp. Nông nghiệp chính là một trong những chỗ dựa vững chắc của toàn xã hội không chỉ ở đất nước ta mà cả trên thế giới” - ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, việc đặt vấn đề chính sách miễn thuế đất nông nghiệp có thể nói là thực hiện đúng như di chúc của Bác Hồ và đó cũng chính là biện pháp khoan thư sức dân.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng, với chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian dài loại thuế này được miễn, giảm. Tới đây, chúng ta cần xem xét lại có nên thu hay vẫn tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Ông Thịnh cho rằng, sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua là bấp bênh, phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên nên người nông dân rất vất vả. Đặc biệt là hạn mặn trong các tỉnh thuộc Đông bằng Sông Cửu Long, nên người nông dân lại càng khó khăn.
“Mặc dù đóng thuế là hợp lý, là nghĩa vụ nhưng cần xem xét để tạo cho người nông dân có sự tích lũy. Từ đó, người nông dân tập trung sức lực để thay đổi. Đặc biệt, chính sách có ý nghĩa rất lớn đối ngành Nông nghiệp và hỗ trợ nông dân gặp khó khăn trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra khó lường” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Vũ Đậu (T/h)