Trong phần xét hỏi bổ sung sáng nay (1/2), HĐXX cho phép các luật sư xét hỏi về các nội dung liên quan đến bút toán kiểm toán, trách nhiệm của các cán bộ BIDV Gia Định và hỏi CB về khoản tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ.
Tại các phiên tòa trước đó, bị cáo Phạm Công Danh khẳng định, việc làm hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng là do áp lực buộc phải tăng vốn điều lệ. Trên thực tế, trong số tiền trên 6.126 tỷ đồng, cơ quan tố tụng xác định có việc Danh dùng 4.500 tỷ đồng trong tổng số tiền này để tăng vốn điều lệ cho VNCB theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Bị cáo Phạm Công Danh đến phiên tòa. |
Cáo trạng truy tố nhắc đến khoản tiền tăng vốn điều lệ như sau: Phạm Công Danh và các thuộc cấp sau khi được NHNN yêu cầu tăng vốn điều lệ đã dùng nhiều thủ đoạn để vay vốn tại các ngân hàng khác nhau.
Cụ thể, Danh và thuộc cấp tự thành lập hoặc mượn pháp nhân của 23 công ty để làm hồ sơ vay vốn tại BIDV và TPBank. Trong đó, Danh dùng 12 công ty vay BIDV 4.700 tỷ đồng, dùng 11 công ty đứng hồ sơ vay TPBank gần 1.700 tỷ đồng. Danh dùng 4.000 tỷ đồng vay của BIDV và 500 tỷ đồng vay từ TPBank để tăng vốn điều lệ cho VNCB theo yêu cầu tăng vốn điều lệ của NHNN, tức là tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng.
VNCB sau khi mất khả năng thanh khoản và “bộ sậu” nhà băng này được xác định có sai phạm và bị bắt để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, phía NHNN đã mua lại VNCB với giá 0 đồng.
Sau khi mua lại, NHNN cho người vào tiếp quản, rồi chuyển giao cho HĐQT mới điều hành, đồng ý đổi tên VNCB thành ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng (gọi tắt là CB).
Các đại diện CB tại tòa. |
Trả lời HĐXX và các luật sư về khoản tiền 4.500 tỷ đồng mà Phạm Công Danh và các thuộc cấp khai là tiền gửi vào VNCB để tăng vốn điều lệ, ban đầu, đại diện CB nói rằng, NHNN mua lại VNCB 0 đồng, tức là chẳng có khoản tiền nào vì vốn điều lệ VNCB ghi lúc đó là 3.000 tỷ đồng, nhưng cũng là giấy phép thôi.
Đại diện CB cho biết, số tiền 4.500 tỷ đồng đã hòa vào dòng tiền chung và đã sử dụng hết. “Không có số liệu nào chứng minh số tiền 4.500 tỷ đồng đã hạch toán vào nợ phải trả”, đại diện CB khẳng định.
Trả lời về việc có 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ hay không, đại diện CB xác nhận số dư đầu ngày 14/2/2014 có 13.000 tỷ đồng, trong đó có 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ.
Ở giai đoạn 14/2-26/7/2014, CB đã sử dụng hơn 7.600 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi NHNN. Trong đó bao gồm cả số tiền 4.500 tỷ đồng gửi tại LienVietPostbank chuyển về sở Giao dịch NHNN. Tuy nhiên, số tiền này đã hòa vào dòng tiền chung của ngân hàng nên khó xác định số tiền này đang ở đâu.
Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh hỏi đại diện CB: "4.500 tỷ đồng 22 cá nhân gửi vào để tăng vốn điều lệ, ông Danh sử dụng số tiền này cho những mục đích ngân hàng, không phải cho riêng ông Danh đúng không?". Đại diện CB trả lời: "Đúng".
"Do NHNN chưa chấp nhận tăng vốn, vậy số tiền này được hạch toán thế nào?", luật sư hỏi tiếp. đại diện CB cho rằng: "Số tiền này đã chi tiêu cho hoạt động của ngân hàng rồi, nay chờ sự giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng".
Bị cáo Phan Thành Mai hỏi CB: Việc sử dụng dòng tiền tại CB 14/2 đến ngày 31/5?; làm rõ điều 4, Thông tư 05 của bộ Tài chính về hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng; dòng tiền 4.500 tỷ đồng được sử dụng thế nào từ 31/5 đến 21/6/2014?.
Đại diện CB nói ghi nhận. HĐXX nhấn mạnh, nếu không trả lời được ngay phải tìm hiểu để trả lời vào chiều nay.
Trình bày ý kiến của mình tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh cho rằng, 4.500 tỷ đồng sử dụng cho các mục đích của ngân hàng chứ không phải cho Danh. 4.500 tỷ đồng phải trả lại để khắc phục hậu quả.
Công Thư