Đều đặn mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, lớp dạy kỹ năng sống miễn phí của cô Phạm Thị Thùy Loan bắt đầu với những bài giảng về các vấn đề mang tính thời sự như phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục.
Cô Loan cho biết tại VN, cứ trung bình 8 giờ đồng hồ lại có 1 trẻ em bị xâm hại tình dục. Sau khi đưa ra các dẫn chứng, cô chỉ rõ hành vi xâm hại tình dục là thế nào để các học sinh nhận biết. Nhiều học sinh ngỡ ngàng cho biết, các em đã từng bị đụng chạm vào cơ thể nhưng cứ nghĩ đó là những hành động vô ý từ người lớn.
Trong bài giảng của mình, cô Loan cũng khéo léo tổ chức các trò chơi rồi tế nhị lồng ghép thông điệp của mình. Chẳng hạn, với việc cho học sinh tìm gương mặt của “yêu râu xanh”, cô khẳng định: ai cũng có thể trở thành kẻ xâm hại. Từ đó, cô chỉ cách để học sinh chủ động bảo vệ mình, như: đóng cửa khi ở nhà một mình, không đi một mình ở nơi vắng vẻ…
Đà Nẵng: Học sinh được dạy kỹ năng chống xâm hại tình dục. Ảnh: Thanh Niên. |
Cô Loan chia sẻ, vấn đề tình dục rất nhạy cảm, nhất là đối với các học sinh đang trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở. Bởi vậy, mỗi bài giảng của mình, ngoài việc chọn cách trình bày sao cho thu hút, cô Loan luôn phải tìm từ ngữ, hình ảnh phù hợp để vừa tránh phản cảm vừa mang lại hiệu quả. “Đối với buổi học về chống xâm hại tình dục, sau phần nói chuyện, giải thích mang tính lý thuyết, các học sinh sẽ xuống sân trường để tham gia vào phần học võ".
Không chỉ dạy chống xâm hại tình dục, cô Loan còn hướng dẫn các em cách phòng tránh bạo lực học đường, quản lý thời gian, hay cách ghi chép hiệu quả... Mỗi kỹ năng cụ thể được cô Loan nhờ bạn bè hướng dẫn thực hành bài, như băng bó vết thương có y tá, nói về tội phạm có công an.
Thông tin và hình ảnh về lớp học lan truyền trên mạng, nhiều học sinh ngoài trường hoặc nhà cách gần chục km cũng đề nghị bố mẹ chở đến tham gia. Có em mới học lớp hai cũng nằng nặc xin chị cho đi cùng. Vào dịp hè, ngoài lớp 12 đến 18 tuổi, cô Loan mở thêm lớp từ 6 đến 9 tuổi với gần 60 học sinh ngoài trường.
Đà Nẵng: Học sinh được dạy kỹ năng chống xâm hại tình dục. Ảnh: Thanh Niên. |
"Em học được kỹ năng giao tiếp và chống xâm hại tình dục. Việc học gắn với thực hành khiến chúng em rất thích thú và thuộc bài", Trần Duy Vinh, học sinh lớp 11 trường THPT Quang Trung, nói. Còn Trương Thị Mỹ Hòa, lớp 9/4 trường Huỳnh Thúc Kháng, tâm sự đã biết cách kiểm soát được sự căng thẳng.
Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ, nhận xét lớp học của cô Loan tạo được sự hứng thú cho học sinh, vì có tính thực tiễn. Các em không bị gò bó vào sách vở mà được học từ những tình huống thực tế. "Không chỉ học sinh trong trường mà rất nhiều học sinh, phụ huynh nơi khác tìm đến đã cho thấy tính hiệu quả của lớp học", thầy Phước nói.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu, bà Trần Thị Thúy Hà cho biết thực hiện việc mở cửa cổng trường hai năm nay, nhiều trường đã có câu lạc bộ dạy võ, kỹ năng sống ngắn hạn, nhưng tổ chức và duy trì thành lớp học thì toàn quận mới chỉ có cô Loan làm được.
"Lớp học là cần thiết trong thời đại đa số học sinh tiếp cận với mạng xã hội. Các em cần người hướng dẫn để có nhận thức và kỹ năng đúng", bà Hà nói và cho biết sẽ cho nhân rộng mô hình lớp kỹ năng sống của cô Loan đến các trường ở Hải Châu ngay trong dịp hè này.