Đà Nẵng chủ động các phương án ứng phó mưa lũ
Trong 6 giờ qua trên địa bàn đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa một số nơi như sau: Hòa Bắc 206.8mm, Hòa Phú 171.2mm, Bà Nà 171.8mm,...
Dự báo trong 6 giờ tới trên địa bàn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa ở khu vực đồng bằng ven biển 30-60mm, có nơi trên 60mm; vùng núi 70-100mm, có nơi trên 120mm.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, UBND TP.Đà Nẵng ban hành văn bản về việc tập trung ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất trước nguy cơ xảy ra đợt mưa lớn diện rộng.
UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ lập phương án, phối hợp để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả với một số kịch bản thiên tai.
Các quận, huyện cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt và ứng phó đô thị; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân, nhất là tại các vùng trũng, thấp, ngập lụt, ven suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét…; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Đồng thời, thiết lập, tổ chức lực lượng để canh gác, chốt chặn tại các tuyến đường, khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn; tổ chức nạo vét, khơi thông tuyến, cống thoát nước...
Trước đó, vào đêm hôm qua, Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng đã có thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày hôm nay (13/11).
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng đã có công văn chỉ đạo tập trung ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất và chống ngập.
Sáng 13/11, báo Hà Tĩnh đưa thông tin về tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, trong đợt này, lượng mưa vùng núi và ven biển phía Bắc phổ biến 50 - 100mm có nơi trên 100mm; ven biển phía Nam phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 200mm.
Theo quan sát diễn biến mưa trong 24 giờ qua, khu vực Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa tại các trạm đo mưa tự động Hà Linh 1 là 111mm; Hương Thuỷ: 91mm; Bàn Nước: 94,8mm; Hoành Sơn: 90,2mm; Phúc Đồng: 83,2mm...
Từ sáng sớm nay (13/11) đến ngày 14/11, khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa vùng núi và ven biển phía Bắc phổ biến 50 - 100mm có nơi trên 100mm, ven biển phía Nam phổ biến 100 - 200mm có nơi trên 200mm.
Trước tác động của mưa lớn, cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp; mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chủ động công tác ứng phó mưa lũ
Nguồn tin từ Cổng thông tin Bộ Công an, vừa qua, ngày 12/11, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 10/CĐ-V01 về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất gửi Thủ trưởng các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam; Cục Truyền thông Công an nhân dân và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Nội dung Công điện nêu rõ:
Dự báo: Từ ngày 13-17/11/2023, khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-500mm, có nơi trên 700mm; từ đêm 12-13/11, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa từ 50-100mm, có nơi trên 150mm; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các khu vực trũng, thấp, khu đô thị.
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về công tác ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:
1. Nắm chắc tình hình mưa lũ, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời ứng phó, không để bị động, bất ngờ; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai để vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt các nhiệm vụ: (1) Bảo đảm tốt công tác an ninh, trật tự tại cơ sở; (2) Hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, bảo đảm an toàn giao thông, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, nhất là đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt; (3) Tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
2. Thực hiện tốt công tác “4 tại chỗ”, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân. Chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, các trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Công an yêu cầu các đơn vị tập trung lực lượng ứng phó với mưa lũ ở các tỉnh miền Trung. Ảnh: Báo Công An TP.HCM, báo Nghệ An, PLO
3. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ ngay sau thiên tai. Tập trung nắm, trao đổi, phối hợp triển khai các biện pháp công tác đảm bảo an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia, nhất là các công trình có khả năng tác động, ảnh hưởng lớn khi xảy ra sự cố, kịp thời bổ sung các phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
4. Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tuyên truyền người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, kỹ năng ứng phó khi có sự cố, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản... Thông tin kịp thời về tình hình mưa lũ và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, tổng hợp báo cáo nhanh về tình hình, diễn biến, thiệt hại do thiên tai và công tác triển khai ứng phó của lực lượng Công an nhân dân về Văn phòng Bộ theo quy định (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323, Fax: 069.2341044).
Hiện nay tình hình mưa lũ ở một số tỉnh miền Trung đang diễn biến rất phức tạp, mưa lớn kéo dài nhiều ngày gây ra tình trạng ngập lụt, cảnh báo lũ và sạt lở đất ở nhiều khu vực. Báo Pháp luật TP.HCM cập nhật tình hình mưa lũ ở một số tỉnh miền Trung:
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, từ nay đến ngày 17/11, dự kiến trên địa bàn tỉnh này xuất hiện một đợt mưa vừa đến mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to. Mưa lớn tập trung chủ yếu trong ngày 13 và 14/11 với tổng lượng mưa phổ biến từ 150mm - 300mm, có nơi trên 400mm.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lực lượng chức năng tại Quảng Bình đã thông báo cho các phương tiện tàu, thuyền biết chủ động phòng tránh.
Trên đất liền, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại các địa phương kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất khi mưa lớn. Cảnh báo và sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, chủ động sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn.
Ngoài ra, mực nước tại 153 hồ thủy lợi ở tỉnh Quảng Bình đã đạt bình quân khoảng 82% dung tích thiết kế, trong đó có 13 hồ đã đạt 100% dung tích thiết kế.
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo diễn biến mưa lớn trong 24 đến 48 giờ tới:
- Ngày 13/11, ở khu vực Nam Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm.
- Ngày và đêm 13/11, ở khu vực Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 60-150mm, có nơi trên 180mm.
- Từ ngày 13/11 đến 14/11, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 100-200mm, có nơi trên 500mm.
Cảnh báo, từ ngày 15-17/11, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-150mm, có nơi trên 250mm. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Bảo An (T/h)