Việc bỏ thi môn ngoại ngữ khi chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Đã Nẵng đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phụ huynh và học sinh.
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 ở Đà Nẵng gây tâm lý căng thẳng khi bất ngờ bỏ thi tiếng Anh. Ảnh minh họa |
Bỏ thi tiếng Anh sát nút
Tờ Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 27/12/2018, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng là ông Nguyễn Đình Vĩnh đã ký quyết định số 2377 ban hành quy định tuyển sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2019-2020. Theo đó, đối với tuyển sinh lớp 10, học sinh THCS có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có giá trị sử dụng đến ngày thi (2/6/2019) được miễn thi môn ngoại ngữ hệ số 1 và được quy đổi thành điểm 9 hoặc 10.
Học sinh có các chứng chỉ thi ngoại ngữ theo quy định trên nhưng có nguyện vọng tham gia bài thi ngoại ngữ thì đăng ký dự thi như các học sinh khác và lấy điểm chính thức từ bài thi này.
Quyết định này cũng quy định điểm ưu đãi đối với học sinh đăng ký nguyện vọng 1 dự tuyển vào các trường THPT theo đúng địa bàn học THCS...
Tuy nhiên, ngày 15/5/2019, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT Đà Nẵng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND TP tại thông báo ngày 14-5: thống nhất theo đề xuất của Sở GD-ĐT tại cuộc họp về việc thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020 với phương thức tuyển sinh kết hợp thi tuyển với xét tuyển, môn thi tuyển là toán và ngữ văn; không tính điểm ưu đãi đối với học sinh đăng ký nguyện vọng 1 dự tuyển vào các trường THPT theo đúng địa bàn đang học THCS.
Theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, sau khi ban hành quyết định số 2377, qua thực tế và rà soát quy trình ban hành văn bản theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhận thấy việc ban hành quyết định này có một số vấn đề vướng mắc, chưa phù hợp, chưa đầy đủ theo chỉ đạo của UBND TP về việc hoàn chỉnh quy định tuyển sinh như đã nêu trên.
Sở GD-ĐT nhận được nhiều ý kiến chưa đồng tình về cách quy đổi điểm và cộng điểm ưu đãi nên đã báo cáo UBND TP để thay thế quyết định trước đó.
Tiêu cực bằng tiếng Anh quốc tế
Trước khi có quyết định bỏ môn thi ngoại ngữ đã có đơn “tố” nghi vấn tiêu cực trong việc tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để học sinh lấy điểm thi vào lớp 10. Ảnh minh họa |
Theo nguồn tin trên báo Dân Trí, nguyên nhân có sự thay đổi cấp bách trong quy định thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 của Đà Nẵng ngay trước kỳ thi là do đã có đơn thư tố cáo của một giáo viên (GV) tiếng Anh gửi UBND thành phố, phản ánh nghi vấn tiêu cực trong việc tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong việc luyện thi và thi lấy chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế.
Cụ thể, đơn thư tố cáo nghi vấn tiêu cực của GV tiếng Anh nói trên xuất phát từ phản ánh của các học sinh lớp 9 ở trường THCS nơi cô đang giảng dạy về bức xúc khi có một số học sinh có học lực môn tiếng Anh ở trường trung bình nhưng lại thi đậu chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế để lấy điểm 9, 10 môn tiếng Anh thi vào lớp 10.
Đã có nhiều học sinh chuẩn bị dự thi vào lớp 10 phản ánh bức xúc về việc có một số bạn có học lực môn tiếng Anh ở trường kém, nhưng khi học luyện thi tại nhà của “một thầy nào đó” và chỉ khoảng 4 buổi thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của chi nhánh một trung tâm tại Đà Nẵng đã đạt điểm cao đủ để quy đổi lấy điểm 9 - 10 cho môn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo chủ trương ban đầu của Sở GD-ĐT Đà Nẵng.
“Em thấy hiện nay có một số bạn mặc dù thi học kỳ ở trường có điểm tiếng Anh rất thấp, có 1 - 2 điểm, nhưng vì tham gia một khoá học Toefl của một thầy nào đó chỉ vỏn vẹn 4 buổi thôi, vẫn thi lấy chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế đạt số điểm đủ để quy chiếu lấy 9 điểm môn tiếng Anh thi vào lớp 10” - một học sinh lớp 9 phản ánh.
Một học sinh khác có ý kiến: “Em phản đối cuộc thi chứng chỉ tiếng Anh. Học sinh có điểm tổng kết môn tiếng Anh trung bình, yếu lại thi đậu chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và có điểm 9, 10 cộng vào điểm xét tuyển sinh lớp 10. Lý dó là “thầy” bày đáp án”.
Thí sinh xáo trộn
Chia sẻ trên báo Người Lao Động, ông T.D.H (phụ huynh một học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Thanh Khê) nhìn nhận việc thay đổi này gây đảo lộn lớn, phụ huynh và học sinh phải thay đổi lại nguyện vọng đã đăng ký.
Đơn cử như con ông H., nhờ có năng lực môn tiếng Anh nên có thể tự tin đăng ký vào các trường tốp trên. Do đó, việc bỏ thi ngoại ngữ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến điểm số và con ông có thể phải đăng ký lại các trường tốp dưới.
Còn chị Hồng, một phụ huynh tại quận Hải Châu, cho biết để con theo học và tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế, chị phải bỏ ra khoảng 10 triệu đồng. Việc thay đổi quy định tuyển sinh trên là khá đột ngột và tước đi lợi thế của những học sinh có năng lực, trình độ ngoại ngữ thực sự.
Theo PGS-TS Phan Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), nếu không áp dụng quy đổi các chứng chỉ quốc tế thì Đà Nẵng vẫn nên tổ chức thi môn ngoại ngữ bình thường, với học sinh có năng lực thực sự thì thi cử không là vấn đề.
Thu Hằng (T/h)