Theo Bloomberg, nhà khoa học người Cyprus Leondios Kostrikis, đến từ Đại học Cyprus, đã đặt tên cho biến thể mới phát hiện là Deltacron vì biến thể này có các dấu hiệu di truyền giống cả biến thể Omicron và Delta. Báo cáo cho biết đến thời điểm hiện tại, đội ngũ của ông Kostrikis đã ghi nhận khoảng 25 trường hợp mắc biến thể mới.
Các nhà khoa học nói rằng hiện vẫn còn quá sớm để nhận định liệu biến thể Deltacron này có nghiêm trọng hơn hay nó sẽ gây ra những tác động gì.
Các nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm tại Melbourne (Australia), nơi họ sẽ bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca-Oxford. Ảnh: CNBC
Trả lời phỏng vấn với Sigma TV, ông Kostrikis chia sẻ: "Chúng ta sẽ cần theo dõi thêm trong tương lai xem liệu biến thể này có gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn hơn, dễ lây lan hơn hoặc khả năng nó trở thành biến thể thống trị so với 2 biến thể Delta và Omicron hay không".
Tuy nhiên, nhà khoa học người Cyprus dự đoán biến thể Deltacron ít có khả năng vượt qua biến thể Omicron.
Các nhà nghiên cứu đã gửi phát hiện của họ tới GISAID, một cơ sở dữ liệu quốc tế theo dõi virus.
Biến thể Deltacron xuất hiện trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lan truyền nhanh chóng trên toàn cầu, gây ra sự gia tăng vọt ở số ca mắc COVID-19. Trong đó, Mỹ đang là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ làn sóng biến thể Omicron. Quốc gia này đang ghi nhận trung bình hơn 600.000 ca mắc biến thể Omicron mới mỗi ngày. Đó là mức tăng 72% so với tuần trước và là một "kỷ lục buồn" về đại dịch.
Minh Hạnh (Theo CNBC)