(ĐSPL) - Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, đến chiều ngày 21/11, 11 ngư dân Bình Định cùng tàu cá gặp nạn đã được đưa về đảo Phú Quý (Bình Thuận) an toàn.
Tin tức trên báo Tuổi trẻ cho biết, ngày 19/11, tàu cá mang số hiệu BĐ 99047 TS của ông Nguyễn Công Đông, trú xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) phát tín hiệu, yêu cầu cứu nạn khẩn cấp do tàu bị hỏng máy nhiều ngày trên biển, không thể tự sửa chữa.
Nhận được thông tin, Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 đã điều động tàu cảnh sát biển 6007 đang làm nhiệm vụ trên biển nhanh chóng ra vùng biển cách đảo Phú Quý khoảng 100 hải lý, tìm kiếm tàu và các ngư dân gặp nạn.
Đến 12h ngày 20/11, tàu cảnh sát biển 6007 đã tiếp cận được tàu bị nạn và nhanh chóng tổ chức cứu nạn, làm dây lai kéo tàu cá, cử người sang tàu khắc phục sự cố.
Được biết, thời điểm gặp nạn, trên tàu cá có tổng cộng 11 ngư dân, vùng biển có gió đông bắc cấp 4 - 5.
Tàu CSB 6007 của Vùng 3 Hải quân làm nhiệm vụ cứu hộ tàu cá và 11 ngư dân Bình Định vừa cập đảo Phú Quý. Ảnh: Thanh niên. |
Báo Thanh niên đưa tin, đến khoảng 17h30 ngày 21/11, tàu cá BĐ 99047 TS cùng 11 ngư dân Bình Định đã được đưa vào đảo Phú Quý (Bình Thuận) an toàn.
Tất cả các ngư dân trên chiếc tàu cá bị nạn đều được kiểm tra sức khỏe ban đầu. Hiện, sức khỏe của các 11 người đều ổn định.
Trong thời gian cư trú trên đảo Phú Quý, các ngư dân này được tàu cảnh sát biển hỗ trợ lương thực thực phẩm tạm thời.
Trong sáng nay (22/11), tàu cảnh sát biển 6007 sẽ bàn giao tàu cá và các ngư dân cho cơ quan chức năng trên đảo Phú Quý.
Điều 11. Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ (Nghị định Số: 44/2012/QĐ-TTg) 1. Lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi nhận được thông tin sự cố, tai nạn có yêu cầu cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý thì phải triển khai ngay nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ ban đầu. Trường hợp sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý thì phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, đồng thời báo cho chính quyền địa phương sở tại và Công an nơi gần nhất. 2. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khi nhận được thông tin về sự cố, tai nạn có yêu cầu cứu nạn, cứu hộ thì phải báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ; triển khai lực lượng, phương tiện đến hiện trường nơi xảy ra tai nạn, sự cố để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý thì phải báo ngay cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Bộ, ngành liên quan và Ban Chỉ huy Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi xảy ra sự cố, tai nạn. Khi sự cố, tai nạn lớn mang tính thảm họa thì phải báo cáo ngay cho thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Xem thêm video:
[mecloud]iV26AWzLyd[/mecloud]