Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cựu TGĐ Vũ Đình Duy bị truy nã: Xơ sợi Đình Vũ hiện nay ra sao?

(DS&PL) -

"Biến" một nhà máy được đầu tư 7.000 tỷ đồng trở thành 1 trong 12 dự án thua lỗ đình đám của ngành Công Thương, cựu Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy vừa bị truy nã.

"Biến" một nhà máy được đầu tư 7.000 tỷ đồng trở thành 1 trong 12 dự án thua lỗ đình đám của ngành Công Thương, cựu Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy vừa bị truy nã.

Từ dự án “khủng” thành công trình “đắp chiếu” đình đám

Ngày 31/5, cơ quan An ninh điều tra - bộ Công an ra quyết định truy nã đối với Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc nhà máy Xơ sợi Đình Vũ về tội “Cố ý làm trái..” và thêm tội mới là “Nhận hối lộ”.

Vũ Đình Duy được biết đến là một trong những nhân vật có “thăng tiến thần tốc”, liên quan đến một số sai phạm trong bổ nhiệm nhân sự thời cựu Bộ trưởng bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Và, giống như Trịnh Xuân Thanh, sau khi làm thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại một doanh nghiệp Nhà nước, đoán chừng chuẩn bị có “biến”, y đã lấy lý do xin ra nước ngoài chữa bệnh rồi bỏ trốn.

Cựu Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy.

Năm 2008, nhà máy Xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) của tập đoàn Dầu khí Việt Nam được phê duyệt đầu tư với số vốn lên đến gần 325 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ đồng). Vũ Đình Duy được giao trọng trách là Tổng giám đốc từ tháng 7/2009.

Dưới thời Vũ Đình Duy, nhà máy liên tục lâm cảnh thua lỗ. Tổng số lỗ tính đến ngày 31/3/2015 đã lên tới 1.732 tỷ đồng, nhà máy 7.000 tỷ nằm “đắp chiếu” nhiều năm liền, trở thành 1 trong 12 dự án nhà máy thua lỗ đình đám của ngành Công Thương khiến Chính phủ đau đầu tìm cách tháo gỡ.

Điều đáng nói là sau thời gian làm sếp ở PVTex khoảng gần 5 năm (từ tháng 7/2009 đến 2/2014), gây thua lỗ nhưng chưa phải chịu trách nhiệm gì thì tháng 12/2014 Vũ Đình Duy được Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng bổ nhiệm làm Phó Giám đốc sở Công Thương Hải Phòng.

Rồi chỉ 6 tháng sau, vào 6/2015, Bộ trưởng bộ Công Thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng đã bổ nhiệm Duy làm Phó Cục trưởng cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp.

Tiếp đó, từ ngày 8/4/2016, ông Vũ Huy Hoàng quyết định cho Duy giữ chức thành viên Hội đồng thành viên tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Đáng chú ý, quyết định bổ nhiệm này được ký chỉ 1 ngày trước khi ông Vũ Huy Hoàng rời ghế nóng Bộ trưởng bộ Công Thương.

Vậy là, chỉ trong chưa đầy 2 năm, cựu “sếp” PVTex đã 3 lần được bổ nhiệm vào nhiều chiếc ghế khác nhau của 3 đơn vị là sở Công Thương Hải Phòng, cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường công nghiệp rồi tập đoàn Hóa chất.

Ngày 24/11/2016, Thanh tra Chính phủ đã công bố thông báo về việc kết luận thanh tra quá trình đầu tư tại PVTex, nhận định quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

Trong đó, ngay từ khâu đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, trong quá trình ký kết hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã không tuân thủ đúng quy định, thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị. Cụ thể, chuyển đổi dây chuyền thiết bị kéo sợi dún từ Đức sang của Trung Quốc giá trị 11,3 triệu USD, tương đương hơn 200 tỷ,...

Hơn nữa, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí... trị giá khoảng 38,7 triệu USD, dẫn đến dự án bị đội vốn lên thành 363 triệu USD.

Chẳng hạn, việc đưa chi phí xây dựng không có cơ sở đã làm tăng tổng mức đầu tư gần 21,5 triệu USD. Tính chi phí lãi vay sai làm tăng tổng mức đầu tư thêm hơn 6,3 triệu USD. Một số chi phí khác không đúng quy định làm tăng mức đầu tư thêm gần 8 triệu USD.

Chưa hết, khi đã chọn được tổng thầu EPC cho dự án, thì việc hợp đồng thầu EPC ký bằng ngoại tệ, nhưng thanh toán bằng nội tệ đã làm PVTex thiệt hơn 46 tỷ đồng.

Do đó, cơ quan này kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Không lâu sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, Vũ Đình Duy đã không xuất hiện ở cơ quan với lý do “xin nghỉ chữa bệnh” rồi từ đó biến mất.

Sau đó, Bộ trưởng bộ Công Thương đã ký quyết định buộc thôi việc đối với Vũ Đình Duy do đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý đoàn đi nước ngoài. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng khai trừ Đảng với Vũ Đình Duy.

Hơn 7 tháng sau khi Vũ Đình Duy “đi chữa bệnh ở nước ngoài”, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 165 bộ luật Hình sự) xảy ra tại công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) và các đơn vị liên quan.

Các cựu sếp PVTex bị khởi tố, bắt tạm giam gồm có cựu Chủ tịch PVTex Trần Trung Trí Hiếu, Vũ Phương Nam, cựu Kế toán trưởng PVTex. Còn Vũ Đình Duy - cựu Tổng giám đốc PVTex khi đó cũng bị khởi tố và truy nã đặc biệt.

PVTex hiện nay: Đắp chiếu 3 năm, mới được bơm vốn để hồi sinh... 3 tháng

Theo báo cáo của bộ Công thương, sau một năm khắc phục tình trạng thua lỗ tại 12 dự án lớn của ngành này, tính đến cuối năm 2017 mới chỉ có 2 dự án ghi nhận có lãi và giảm được lỗ lũy kế, 10 dự án còn lại vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để trả nợ và dự kiến sẽ tiếp tục phát sinh nợ quá hạn cả gốc và lãi đối với các khoản vay của ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các tổ chức tín dụng trong nước.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 12/2017 tổng nợ phải trả của 12 dự án kể trên đạt con số trên 58.500 tỷ đồng, tăng hơn 3.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Tổng lỗ lũy kế của 10/12 dự án là gần 18.700 tỷ đồng, tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.

Đến hết tháng 1/2018, tổng dư nợ tín dụng của 12 dự án kể trên vẫn ở mức rất cao là trên 20.800 tỷ đồng, trong đó, dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex) là dự án có mức dư nợ lớn nhất với trên 4.500 tỷ đồng.

Sáng 26/5/2018, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có những giải trình trước Quốc hội về 12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu" mà nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng cho biết trong 12 dự án này có 6 dự án dừng sản xuất, kinh doanh do không hiệu quả. Hiện mới có 2/12 dự án làm ăn có lãi, cắt giảm được lỗ lũy kế, đó là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Tổ hợp khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM).

Riêng 3 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mới có nhà máy sản xuất Xơ sợi polyester Đình Vũ khởi động lại được một phân xưởng sản xuất.

Nhờ được PVN "bơm" thêm 42 tỷ đồng, PVTex đã được hồi sinh, song số vốn đó chỉ đủ để vận hành lại nhà máy trong 3 tháng.

Được biết, trước đó nhờ PVN "bơm" thêm 42 tỷ đồng mà nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã "hồi sinh", khởi động lại một số phân xưởng sợi từ 20/4/2018.

Theo PVN, khó khăn với Nhà máy còn ở phía trước, do nguồn vốn cung ứng ở trên chỉ có thể duy trì tối thiểu cho nhà máy khoảng 3 tháng. Sau giai đoạn này, các cổ đông cần thiết phải hỗ trợ bằng cách bơm thêm vốn để nhà máy tiếp tục sản xuất, kinh doanh, theo phương án đã được duyệt.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc cho biết, Nhà máy đã khởi động 3 dây chuyền sản xuất sợi DTY vào ngày 20/4/2018, và sau 10 ngày sản xuất, tính đến ngày 30/ 4, nhà máy đã sản xuất 46,7 tấn sợi, trong đó có 94% sản phẩm sản xuất đạt loại A.

"Dự kiến trong quý II năm 2018, PVTEX sẽ ký Hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh với Liên danh giữa Tập đoàn An Phát và các đối tác, quý IV/2018 toàn bộ Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ sẽ đi vào vận hành thương mại trở lại”, ông Ngọc cho biết.

H.Y (tổng hợp)

 Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật