Sáng 8/1, tại phiên tòa xét xử đại án Việt Á, VKSND TP.Hà Nội đã công bố bản luận tội, đưa ra mức án đề nghị án cho 38 bị cáo.
Theo báo Tuổi trẻ, trong phần luận tội, cơ quan công tố ghi nhận ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương - đã từ chối nhận tiền khi được nhân viên của Việt Á đến "cảm ơn".
Bị cáo Nguyễn Thành Danh. Ảnh: Tuổi trẻ
Ông Danh bị truy tố, xét xử về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người, đúng tội.
Tuy nhiên ông Danh không có yếu tố vụ lợi, từng từ chối nhận tiền của tổng giám đốc Việt Á và tại tòa được đại diện CDC tỉnh Bình Dương có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt ông Danh 10 tháng 4 ngày tù. Mức án Viện kiểm sát đề nghị bằng với thời gian ông Danh bị tạm giam.
Theo báo Dân trí, cáo trạng thể hiện, khi tình hình dịch bệnh bùng phát, CDC Bình Dương sử dụng kit test của hãng Roche và test tách chiết của Công ty VNDAT. Tuy nhiên, CDC Bình Dương đã thực hiện chủ trương mượn test, vật tư của Công ty Việt Á để sử dụng phòng chống dịch.
Khi đó, ông Danh đã chỉ đạo nhân viên liên hệ với Công ty Việt Á, Công ty VNDAT để CDC Bình Dương ứng kit test, test tách chiết để sử dụng trước, sau đó hợp thức thủ tục đấu thầu thanh quyết toán với giá do các doanh nghiệp trên đề nghị.
Do VNDAT không đủ điều kiện chỉ đạo thầu, CDC Bình Dương thống nhất với Phan Quốc Việt và Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Thị Thúy (Công ty VNDAT) sẽ dùng pháp nhân của Việt Á để hợp thức thủ tục đấu thầu, trúng thầu theo giá VNDAT đưa ra.
Ông Danh đã chỉ đạo các nhân viên hoàn thiện, hợp thức hồ sơ thủ tục thầu, thẩm định giá để Việt Á trúng 4 gói thầu chỉ định, một gói đấu thầu rộng rãi, tổng 79.000 kit test, trị giá hơn 37,4 tỷ đồng.
Để thanh toán tiền test tách chiết đã ứng trước của VNDAT thông qua Việt Á, CDC Bình Dương hợp thức thủ tục để Việt Á trúng thầu tổng cộng 314.000 test bằng 2 hợp đồng theo giá Việt Á và VNDAT đưa ra, trị giá hơn 45 tỷ đồng.
Sau khi Việt Á được CDC Bình Dương thanh toán tiền, Việt đã chỉ đạo nhân viên tính toán phần trăm ngoài hợp đồng để cảm ơn ông Tiêu Quốc Cường (cựu Phó phòng Kế hoạch Tài chính kiêm Kế toán trưởng Sở Y tế Bình Dương) hơn 1,2 tỷ đồng; Lê Thị Hồng Xuyên (nhân viên xét nghiệm CDC Bình Dương) hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Việt Á còn chi 4,2 tỷ đồng cho ông Danh và ông Nguyễn Hồng Chương (Giám đốc Sở Y tế Bình Dương) nhưng 2 ông này không nhận tiền.
Bị cáo Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Dân trí
Tại tòa, cơ quan tố tụng đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long 19-20 năm tù về tội Nhận hối lộ; cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh 3-4 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Các mức án trên đều thấp hơn khung hình phạt mà 2 bị cáo bị truy tố.
Ông Chu Ngọc Anh. Ảnh: Dân trí
Theo đại diện VKS, sai phạm của ông Long gây nhức nhối trong dư luận, kéo theo hàng loạt sai phạm của các bị cáo khác.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, cựu Bộ trưởng Y tế đã gợi ý, đề nghị Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Việt Á) chi số tiền đặc biệt lớn cho bản thân, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang phải gồng mình bù đắp các thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên, VKS ghi nhận sự thành khẩn khai báo, chủ động nộp khắc phục hậu quả của cựu bộ trưởng. Quá trình công tác, ông Long cũng được tặng nhiều bằng khen, giấy khen; gia đình có công với cách mạng. Những căn cứ trên là cơ sở để VKS đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho ông Long.
Đối với bị cáo Chu Ngọc Anh, VKS đánh giá hành vi của cựu bộ trưởng này đã xâm phạm tính đúng đắn của Nhà nước, làm suy giảm niềm tin vào Đảng, Nhà nước của nhân dân; tạo điều kiện để Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á biến kết quả nghiên cứu của Nhà nước thành sản phẩm của Việt Á, sau đó đăng ký lưu hành, sản xuất thương mại.
Song, cơ quan công tố cũng cho rằng quá trình điều tra, xét xử, ông Chu Ngọc Anh đã thành khẩn khai báo, khắc phục hết số tiền hưởng lợi, gia đình có công với cách mạng.
Vân Anh (T/h)