Túng quẫn vì nợ nần do đầu tư tiền ảo
Sáng 29/12, theo báo Dân Trí, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, cựu CSGT, trú tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Đức Trung tại tòa. Ảnh: VietNamNet
Trước bục khai báo, Trung khai ngày 13/8, Trung đi từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội để trộm cắp tài sản. Năm 2019, bị cáo vay nợ của nhiều người, đến khoảng thời gian trên không còn khả năng trả nợ nên nảy sinh ý định trộm cắp.
Khi được toà hỏi:
- "Tổng số tiền mà bị cáo nợ là bao nhiêu?"
- Bị cáo trả lời: "Tổng số tiền nợ khoảng 6-7 tỷ đồng".
- Bị cáo đầu tư kinh doanh hay đánh bạc mà nợ số tiền như vậy?
- Bị cáo đầu tư tiền ảo. Khi bị thúc ép, bị cáo nảy sinh ý định trộm cắp tài sản để trả nợ.
Theo lời khai của Trung, chiều 13/8, khi xuống Hà Nội đã đi nhiều nơi, xác định địa điểm ở quận Long Biên để thực hiện hành vi trộm cắp vì nghĩ đây là khu đô thị lớn, nhiều nhà có điều kiện.
Song khi xuống đến Hà Nội bị cáo không trộm cắp được gì nên đến khoảng 18h quay về nhà.
Sáng hôm sau (14/8), Trung tiếp tục quay lại Hà Nội nhưng không trộm được gì nên nảy sinh ý định bắt cóc để đòi tiền chuộc.
Để thực hiện hành vi, bị cáo ra chợ ở quận Long Biên mua găng tay, dây thun...
Chiều cùng ngày, khi quay trở lại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), bị cáo gặp bé trai 7 tuổi đang đạp xe tại tuyến đường nội khu, xác định đây là đối tượng cần nhắm đến.
"Bị cáo mở cửa ô tô, hỏi cháu bé "nhà anh Tuấn ở đâu" để đánh lạc hướng. Khi cháu bé dừng xe, bị cáo kéo cháu lên xe và trói tay nhằm bắt cóc", Trung thuật lại.
Sau khi bắt cóc được cháu bé, bị cáo hỏi về hoàn cảnh kinh tế gia đình và số điện thoại của người thân thì cháu P. đọc số điện thoại của mẹ.
Khi liên hệ với chị H. (mẹ cháu P.), Trung thông báo cháu P. bị bắt cóc và đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng.
Đồng thời, bị cáo dặn chị H. không được báo công an, nếu không sẽ không được gặp lại được con.
HĐXX nhắc lại lời khai của Trung tại cơ quan điều tra khi trên ô tô đã đe dọa cháu P.: "Nếu không ngoan chú cho ăn đạn".
Trung phủ nhận lời khai này và nói chỉ đưa khẩu súng lên rồi hỏi cháu bé: "Có biết đây là cái gì không, nếu không ngoan thì không được về với gia đình".
Trung tiếp tục khai, trên đường chờ chị H. chuẩn bị tiền, hắn điều khiển ô tô di chuyển nhiều nơi như Sóc Sơn, đường đê Long Biên... để đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Sau đó, bị cáo hướng dẫn chị H. đi đến cầu Thanh Trì và xuống khu Công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) để giao tiền, nhận con.
Xuống đến Hà Nam, chị H. liên tục yêu cầu phải được gặp cháu P. mới chuyển tiền.
Khi dừng lại ở khu Công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam), chị H. để túi tiền cách ô tô của Trung khoảng 20-30m. Sau đó, Trung tiến lại lấy túi tiền và thả cháu P.
"Khi cầm túi tiền, bị cáo không mở ra xem mà cầm thẳng lên ô tô và bỏ trốn. Xe di chuyển được vài trăm mét, bị cáo bị cảnh sát chặn bắt.
Thời điểm bị bắt, bị cáo chấp hành việc bắt giữ. Tuy nhiên, trong lúc từ trên xe xuống, khẩu súng bị rơi xuống đất phát nổ khiến một cảnh sát bị thương", Trung khai.
Về nguồn gốc của khẩu súng, cựu CSGT cho biết mua trên mạng từ năm 2021, mặc dù biết hành vi này là trái pháp luật. Bị cáo khẳng định đây là khẩu súng bắn đạn cao su.
Thời điểm bị bắt, bị cáo mang đi tổng cộng 7 viên đạn.
Hành vi liều lĩnh, coi thường pháp luật
Báo Thanh Niên thông tin thêm, theo HĐXX, hành vi phạm tội mà bị cáo thực hiện nhằm vào đối tượng yếu thế là trẻ em, với mục đích chiếm đoạt số tiền rất lớn.
Điều này thể hiện sự liều lĩnh, coi thường pháp luật của bị cáo. Thậm chí, sau khi hành vi bị phát hiện, bị cáo còn có nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng công an.
Quang cảnh phiên xét xử. Ảnh: VietNamNet
Ngoài những thiệt hại gây ra cho phía bị hại, hành vi của bị cáo Nguyễn Đức Trung còn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh lực lượng công an nhân dân.
Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, bị cáo đã thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt, được tặng thưởng nhiều giấy khen khi còn công tác… Đây là những tình tiết giảm nhẹ cần được áp dụng khi lượng hình.
Đáng chú ý, bên cạnh hình phạt với bị cáo, HĐXX còn kiến nghị Công an tỉnh Vĩnh Phúc xác minh, làm rõ có hay không hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (đối với những khoản tiền mà bị cáo vay).
Về trách nhiệm dân sự, do gia đình bị hại không yêu cầu nên HĐXX không xem xét.
Do đó, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Trung 18 - 19 năm tù.
Theo kiểm sát viên, bản thân bị cáo là chiến sĩ công an nhân dân, được Đảng, Nhà nước nuôi dưỡng, đào tạo, đã công tác trong ngành công an 12 năm. Lẽ ra, bị cáo phải nhận thức đó là niềm vinh dự, để hết lòng phục vụ đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tuy nhiên, do ăn chơi đua đòi, bị cáo vay nợ nhiều người. Trong một phút không làm chủ, bị cáo đã gây ra hành vi sai phạm như cáo trạng đã quy kết.
Hành vi của bị cáo xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân, gây hoang mang quần chúng nhân dân, làm xấu đi hình ảnh lực lượng công an nhân dân.
Đại diện VKS nhấn mạnh, sau vụ án này đã có rất nhiều vụ án bắt cóc trẻ em khác xảy ra, có vụ cả nghi phạm và cháu bé bị bắt cóc đều tử vong. Vì vậy, việc đưa bị cáo ra xét xử nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, lấy lại hình ảnh của lực lượng công an nhân dân.
Mong được hưởng khoan hồng
Nói lời sau cùng, bị cáo Trung tiếp tục gửi lời xin lỗi tới cháu P và gia đình cháu, đồng thời xin lỗi các cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh Vĩnh Phúc. “Trong thời gian bị cáo bị tạm giam, ngày nào bị cáo cũng nhận thức và ăn năn hối cải về hành vi của bị cáo. Kính mong HĐXX tạo điều kiện, xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình và xã hội”, bị cáo Trung nói.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND TP.Hà Nội nhận định có đủ căn cứ khẳng định bị cáo phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trung 20 năm tù, báo Pháp Luật Việt Nam thông tin.
Thục Hiền (T/h)