Cũng ngần ấy thời gian băng rừng vượt núi, ông đã tìm và quy tập được gần 200 bộ hài cốt của đồng đội, đem niềm vui đến nhiều gia đình.
Kỷ niệm một thời khói lửa
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà đơn sơ nằm cuối con ngõ nhỏ, người thương binh hạng 4/4 Nguyễn Đức Phổ với ba vết thương nặng và hai viên đạn găm vào người còn khá tinh tường. Suốt buổi trò chuyện về "cơ duyên" đi tìm hài cốt đồng đội, những ký ức về một thời máu lửa hiện về làm ông rơm rớm nước mắt. Nhớ về miền ký ức hào hùng, ông Phổ kể, hồi đó những năm 68, 69, chiến tranh đang giằng co ác liệt. 21 tuổi, Nguyễn Đức Phổ lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Được biên chế vào Đoàn 1063 của Hà Tây. Sau 5 tháng huấn luyện, ông được tăng cường cho Tiểu đoàn D96, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên. Tại đơn vị mới, ông đảm nhiệm công tác văn thư và ghi chép quân số cho đơn vị. "Trong cuộc chiến giải phóng dân tộc khốc liệt, ta và địch ở thế cài răng lược. Nhiều chiến sỹ của ta hy sinh. Được giao nhiệm vụ liên quan đến sổ sách, ghi chép nên tôi đã ghi lại tên tuổi địa chỉ và vị trí hy sinh của nhiều đồng đội..."- ông Phổ nhớ lại.
Ông Nguyễn Đức Phổ hơn 20 năm đi tìm hài cốt đồng đội. |
Nhiệm vụ của đơn vị ông chủ yếu là trinh sát, dân vận tiến sâu vào trong lòng địch. Nhiệm vụ tưởng chừng giản đơn nhưng lại vô cùng khó khăn gian khổ, những trận chống càn, những lần tìm diệt của địch đã cướp đi sinh mạng của nhiều đồng chí đồng đội. Có lúc ông và đồng đội đã phải lần mò trong đêm tối, tới bên những người hy sinh đào vội một cái hố để vùi xác tránh giặc gài mìn, rồi ghi chép những vị trí xung quanh đánh dấu để sau này trở lại tìm. ông Phổ có riêng một cuốn sổ nhỏ ghi tên tuổi, địa chỉ, ngày tháng hy sinh của đồng đội để phục vụ cho công việc văn thư lưu trữ của mình.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời quân ngũ của ông phải kể đến việc tiểu đội chiến đấu 5 người gồm các ông Phổ, Tẩy, Trinh, Hùng và Nhị, coi nhau như anh em. "Có lần, 5 người ngồi đọc thư cho nhau nghe dưới hầm và nhắc đến nhiều đồng chí ta hy sinh mà chưa kịp ăn cơm. Chúng tôi đã nhờ dân bản mua hộ một cái bát, một đôi đũa để ngày rằm, lễ Tết xới cơm mời đồng đội về ăn cùng. Hôm đó, những người còn sống hẹn với nhau khi chiến tranh kết thúc, ai may mắn sống sót thì bằng mọi giá phải giữ chiếc bát và đôi đũa, mang về báo tin cho gia đình để người thân được chạm vào kỷ vật, coi như linh hồn các anh được theo về. Thế rồi 4 đồng chí lần lượt hy sinh trong các cuộc chiến đấu, còn bản thân tôi cũng bị thương nặng, xuất ngũ tháng 3/1974", ông Phổ bồi hồi nhớ lại.
Ông Phổ (thứ 3, hàng trên, từ phải qua) cùng đồng đội dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam. |
Giữ trọn lời hứa của anh bộ đội Cụ Hồ
Phù Lưu Tế đón người thương binh Nguyễn Đức Phổ trở về, cuộc sống những năm đầu sau chiến tranh với bao khó khăn và gánh nặng gia đình khiến ông chưa có điều kiện thực hiện được lời hứa với người đã ngã xuống. Những đêm ngủ mơ thấy các anh em đang gọi mình mà nước mắt ông tuôn trào, ông luôn dằn vặt, oán trách bản thân. Đã nhiều lần ông định mang kỷ vật đi báo tin cho các gia đình liệt sỹ nhưng chưa tìm thấy hài cốt của các anh sẽ "khó ăn khó nói". ông Phổ chia sẻ: "Thôi! Để tìm thấy các anh thì trao luôn, các anh còn nằm ở đâu mà khơi lại nỗi đau thì thật là có tội...".
Năm 1993, khi con cái đã lớn, ông trở lại chiến trường xưa sau khi bán một lứa lợn và sáu lứa kén tằm là tài sản lớn nhất của gia đình. Vào đến ga Tuy Hòa, không biết tính thế nào, ông bèn hỏi thăm tới nhà các đồng chí cũ. "Nhờ may mắn hay nhờ sự phù hộ của các đồng đội mà tôi đã gặp lại được một số đồng chí cũ như anh Nguyễn Hữu Diêu (nguyên Chính trị viên), anh Nguyễn Ngọc Khánh (nguyên Tiểu đoàn trưởng), ông Trà, ông An... đã giúp tôi rất nhiều trong công việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ sau này"- ông Phổ nhớ lại.
Từ tỉnh đội Phú Yên, ông Phổ trở lại những nơi đơn vị đóng quân năm xưa như Tổng Đạt, A4, Hòn Na, Gộp Mòng Mòng, Gộp Mùa Thu. Cùng với cuốn nhật ký ông ghi chép và đối chiếu với hồ sơ của Tiểu đoàn D96 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên), ông Phổ cùng đồng đội cắt rừng, băng suối đến các địa điểm để dò tìm vị trí chôn cất đồng đội. Trời không phụ lòng người, hài cốt 4 đồng đội của ông được tìm thấy và đưa về quê hương an táng. Vậy là lời hứa năm xưa với đồng đội đã được thực hiện.
Đi tìm hài cốt dựa vào cuốn sổ nhật ký cá nhân
Bốn người bạn thân đã về an nghỉ nơi nghĩa trang quê nhà. Nhưng ở ngoài bìa rừng vạt cỏ xa xôi của tỉnh Phú Yên, đêm ngày vẫn còn nhiều đồng đội chờ ông đến. "Tìm được 4 người bạn thân, thực hiện xong lời hứa, nhưng lòng tôi vẫn không thể thanh thản vì trong cuốn sổ nhật ký còn tới hơn 200 trường hợp hy sinh được ghi chép cẩn thận mà chưa tìm được hài cốt, chắc ở nơi quê nhà, gia đình các anh cũng đang mong lắm... Thế là cứ mỗi năm, tránh mùa mưa lầy, còn lại là tôi đi dọc theo những cánh rừng nơi đơn vị đóng quân để tìm đồng đội", ông Phổ nhớ lại.
Hơn 20 năm đi tìm phần mộ đồng đội, ông Phổ đã tìm và giúp quy tập được gần 200 bộ hài cốt liệt sỹ. Tìm được một phần mộ của đồng đội cùng với đó là nhen lên ngọn lửa hy vọng cho các gia đình có người hy sinh chưa tìm thấy phần mộ. Cứ nghĩ đến đó lòng ông lại thêm quyết tâm. ông Phổ kể, kỷ niệm làm ông vui đó là cứ dịp tết hay ngày lễ như 30/4 là cháu Thu con liệt sỹ Minh ở Nghệ An lại điện hỏi thăm sức khỏe ông. Chia sẻ về chuyện này, ông Phổ cho biết, cách đây chừng hai năm, ông nhận được một bức thư từ Nghệ An gửi ra với nội dung rằng có đồng đội tên Minh là cơ yếu ở D96 hy sinh mà chưa tìm được phần mộ. ông Phổ khi đó mới giật mình kêu lên: "Thôi chết! Đúng là có trường hợp này mà mình quên mất". Đồng chí Minh phụ trách dịch cơ yếu, là quân của đồng chí Trường đài trưởng 15W.
Sau khi xem lại sổ nhật ký ghi chép và xác định được vị trí hy sinh của đồng chí Minh, ông Phổ đã điện cho đồng chí Trường ở Nha Trang cùng gia đình đi tìm hài cốt liệt sỹ Minh ngay sau đó. Họ trở lại chiến trường xưa. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm trong khu vực được đánh dấu, ông Trường điện thoại cho ông Phổ thông báo tình hình vẫn chưa thấy. ông Phổ nhận định, sau khi quần nhau với địch, anh em ta khi đó có trở lại tìm nhưng không thấy đồng chí Minh. Có lẽ trong lúc chiến đấu đồng chí Minh bị thương nên ẩn nấp ở nơi nào đó. Theo phán đoán của ông Phổ, nhóm của ông Trường đã tìm thấy hài cốt của liệt sỹ Minh tại một khe suối hẹp gần đó. Cùng với những ghi chép trong cuốn nhật ký của mình, ông Phổ đã giúp tìm được nhiều phần mộ của đồng đội mình.
Chợt giọng ông chùng xuống, ông bảo, hiện vẫn còn một số đồng đội nằm lại ở đâu đó hoặc đã được quy tập nhưng lại ghi vô danh khiến ông rất buồn. ông mong muốn có sự hỗ trợ nào đó để mình và các đồng đội có điều kiện xác minh tên tuổi để trả lại tên, quê hương cho các liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước.
Kỷ vật đã được trưng bày tại viện Bảo tàng Hiện chiếc bát và đôi đũa kỷ vật thời khói lửa đã được ông Phổ hiến tặng cho viện Bảo tàng Quân sự Việt Nam. Còn cuốn sổ ghi chép về tên, mộ phần các đồng chí, đồng đội đã được ông chuyển cho đồng chí Sáu Trong ở Phú Yên để tiếp tục tìm kiếm phần mộ liệt sỹ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ông Sáu Trong mới mất và cuốn sổ nhật ký đã bị thất lạc. |