(ĐSPL) - Được trở về sau hơn 4 năm bị cướp biển Somalia bắt, nhiều người đang hiếu kỳ không biết cuộc sống của các thuyền viên như thế nào suốt quãng thời gian sống bên họng súng.
[mecloud]Qz8Fm18dLd[/mecloud]
Chiều tối ngày 26/10, các thuyền viên ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã về đến quê nhà sau hơn 4 năm bị cướp biển Somalia bắt. Những cái ôm thật chặt, những cái bắt tay và giọt nước mắt rơi vì hạnh phúc... khi 3 thuyền viên vừa bước xuống xe. Và sau đó là những lời động viên, đặc biệt là thăm hỏi về cuộc sống thời gian qua như thế nào của người thân, gia đình và bà con hàng xóm đối với các thuyền viên.
Người thân và gia đình đón các thuyền viên trở về nhà trong niềm vui vô bờ bến. |
Chia sẻ về những ngày sống bên “họng súng”, anh Phan Xuân Phương (27 tuổi), trú tại thôn Đông Hưng, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) kể lại, vào khoảng tháng 3/2012, khi đang đánh bắt cá trên biển Ấn Độ Dương cùng tàu cá FV Naham 3 thì bất ngờ xuất hiện hàng chục tên cướp cầm súng lăm lăm trong tay khống chế mọi người trên thuyền. Sự việc xảy ra, thuyền trưởng có ý định trốn nhưng bị chúng rượt đuổi và bắn chết. Sau đó bọn cướp biển đưa anh cùng các thuyền viên khác về nơi giam giữ ở giữa sa mạc và canh gác rất nghiêm ngặt.
Những giọt nước mắt hạnh phúc của anh Phương khi gặp mẹ. |
"Không những thế, bọn "hải tặc" còn gí họng súng vào đầu, ép chúng tôi gọi điện về nhà, thúc giục gia đình báo công ty gửi tiền chuộc nếu không sẽ bị chúng giết chết. Quãng thời gian hơn 4 năm qua, chúng tôi phải sống trong điều kiện đầy khó khăn và khắc nghiệt. Nhiệt độ ban ngày nắng nóng hơn gió Lào, ban đêm thì lạnh cóng, nước ngọt và lương thực đều khan hiếm. Giữa sa mạc mênh mông mình muốn trốn cũng không biết trốn chỗ nào. Chúng luôn giám sát chặt chẽ, mặt mũi bặm trợn, nếu làm sai ý sẽ bị ăn đòn ngay", anh Phương chia sẻ thêm.
Theo anh Phương, từ khi lọt vào tay cướp biển, chưa bao giờ các thuyền viên Việt Nam có ý định bỏ trốn. Đồng thời, các thuyền viên chưa bao giờ dám nghĩ tới ngày trở về. Mỗi ngày qua đi, các anh em tự động viên nhau để cố gắng vượt qua cơn ác mộng.
Từ khi lọt vào tay cướp biển, chưa bao giờ các thuyền viên Việt Nam có ý định bỏ trốn. |
Trong khi đó, chia sẻ về hơn 4 năm bị cướp biển Somailia bắt giữ, thuyền viên Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi), trú tại thôn Quảng Bích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, sau khi bị bắt gần 1 năm thì tàu cá FV Naham 3 bị vỡ neo nên bị đâm vào bãi cát. Nhờ đó, 26 thuyền viên trên tàu được cướp biển đưa lên bờ. Do bị canh gác quá nghiêm ngặt, địa điểm được di chuyển liên tục nên không ai dám nghĩ tới chuyện trốn thoát. Trong 26 con người sống với nhau, chỉ giao dịch bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Các thuyền viên phải ăn ngủ ở trong rừng cây giữa sa mạc nắng nóng. |
“Cướp biển không đánh đập chúng tôi, chỉ có khổ sai là ăn ngủ phải ở trong rừng cây nằm giữa sa mạc nắng nóng đông Âu. Bữa sáng và bữa trưa, chúng tôi chỉ được ăn 5 mẩu bánh ướt nhỏ, còn buổi tối một bát cơm, hoặc bát cháo và một bát nước chè bỏ đường. Một ngày, mỗi người chỉ được cướp biển cho 1 lít nước để uống. Thỉnh thoảng, chúng có cho làm cái bẫy bắt những con chồn rừng để cải thiện bữa ăn”, anh Hạ ngậm ngùi kể lại.
Còn anh Nguyễn Văn Xuân (35 tuổi), trú tại tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho hay: "Cuộc sống rừng rú thì thật sự rất thiếu thốn, anh em thường làm bẫy chồn rồi nướng ăn, còn ăn thịt chuột là mấy anh thuyền viên bên Philippines ăn chứ anh em thuyền viên Việt Nam không dám ăn. Cái chết rình rập, đau ốm, một ngày chỉ được một lít nước, giữa cái nắng nóng, mình không nghĩ là có ngày trở về Việt Nam".
Người thân, gia đình và bà con hàng xóm vây quanh hỏi thăm và động viên anh Xuân. |
Trải qua quãng thời gian hơn 4 năm sống trong khổ sở, cận kề bên họng súng, bất ngờ, vào giữa tháng 10/2016, cướp biển đồng ý thả tự do cho các thuyền viên. Nhận tin, các thuyền viên như sống lại. "Khi chúng ra lệnh thả, ai cũng ngỡ ngàng, ôm lấy nhau trong nước mắt hạnh phúc. Dù tiền bạc không có nhưng được về với gia đình là tốt lắm rồi” - anh Xuân hồ hởi cho biết.
Cũng theo anh Xuân, khi được thả ra anh cũng không biết điều gì sẽ xảy ra, chỉ theo những người lớn tuổi, họ làm sao thì mình làm vậy. Khi ra khỏi khu vực bị giam cầm, các thuyền viên được đưa về khách sạn. Tại đây, các thuyền viên được hướng dẫn làm thủ tục kiểm tra sức khỏe và nhận vé máy bay về nước. Sau chặng bay 1 ngày, các thuyền viên đã về tới sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Trong đêm tối, người thân, gia đình và bà con hàng xóm đã tập trung chờ đón các thuyền viên trở về. |
Khi đề cập việc được về nhà sau bao năm sống trong cảnh tượng như vậy, bản thân sẽ có dự định như thế nào, anh Phương ngậm ngùi cho hay, từ “cõi chết” trở về trong vòng tay của gia đình, anh dự định sau khi ổn định sức khỏe và tâm lý sẽ tìm kiếm việc làm gần nhà và lập gia đình để tiện chăm sóc cha mẹ già. "Bốn năm qua như là ác mộng với tôi, dù có khó khăn ở phía trước nhưng được ở bên người thân, gia đình đó là hạnh phúc lớn nhất đối với tôi lúc này", anh Phương bày tỏ.
Được biết, anh Phương và các thuyền viên khác mong muốn tiếp đây, phía công ty sẽ có sự giúp đỡ cần thiết cho các anh cũng như gia đình mình để họ sớm ổn định cuộc sống.
NGỌC TUẤN
Xem thêm video:
[mecloud]rVnV6hBHIc[/mecloud]