Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc sống cô dâu Việt ở làng nghèo Trung Quốc

(DS&PL) -

Nguyen Thi Hang đến với người chồng Trung Quốc thông qua một cuộc mua bán và dù anh này chẳng phải là "hoàng tử trong mơ" như cô từng tưởng tượng.

Nguyen Thi Hang đến với người chồng Trung Quốc thông qua một cuộc mua bán và dù anh này chẳng phải là "hoàng tử trong mơ" như cô từng tưởng tượng, cuộc sống của họ ở ngôi làng hẻo lánh bên kia biên giới vẫn đang rất hạnh phúc.

"Xét về mặt kinh tế thì cuộc sống ở đây khá hơn", Hang, một trong khoảng 20 phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông ở Linqi, nói.

Thị trấn Linqi bao gồm nhiều thôn, nằm cách nhau qua những cánh đồng ngô sâu trong núi ở tỉnh Hà Nam, một trong những tỉnh nghèo của Trung Quốc. Linqi cách Việt Nam đến khoảng 1.700 km nhưng lại là một thị trường mới cho ngành thương mại hôn nhân đang rộng mở ở Đông Nam Á.

Nguyen Thi Hang tại tiệm tạp hóa mà cô làm việc sau khi lấy chồng ở thị trấn Linqi, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Hang, 30 tuổi, đến Linqi vào tháng 11 năm ngoái và phải rất chật vật mới có thể giao tiếp được với các khách hàng tại tiệm tạp hóa bụi bặm nơi cô bán mì sợi, nước giải khát và thuốc lá.

Tuy nhiên, những điều kiện sống cơ bản ở đây của Hang - một chiếc giường ngủ nhỏ lọt thỏm giữa những bức tường bê tông, nhà vệ sinh ngoài trời nằm bên cạnh chuồng gà - đã là một sự tiến bộ so với ngôi nhà mà cô từng sống ở Việt Nam.

"Ở Việt Nam, chúng tôi sống trong một ngôi nhà gạch tồi tàn và là nông dân nên phải ra đồng trồng lúa", cô kể.

Đám cưới của Hang với người chồng 22 tuổi do gia đình cô sắp đặt. Một lễ cưới nho nhỏ được tổ chức ở cả hai nơi, quê nhà của cô và ở Trung Quốc.

"Tôi biết họ đã đưa cho gia đình tôi một ít tiền, nhưng tôi không dám hỏi bố mẹ tôi về chuyện đó", Hang nói. "Những người họ hàng cũng bảo tôi hãy cưới một người Trung Quốc, họ nói những người đó rất chăm lo cho vợ con và tôi sẽ không phải làm gì nhiều mà chỉ việc tận hưởng cuộc sống", cô vừa nói vừa mỉm cười với một nhóm trẻ con đến mua kẹo.

Người chồng làm thợ xây của Hang hầu như xa nhà suốt năm, còn người bố chồng tóc hoa râm của cô tỏ ra rất tự hào về thành viên mới của gia đình.

"Phụ nữ Việt cũng giống như chúng tôi, họ làm bất cứ việc gì và rất siêng năng", ông Liu Shuanggen nói. "Tìm được vợ ở nơi này không dễ đâu, phụ nữ hiếm lắm".

"Trai ế"

Đó là điệp khúc được nhắc đi nhắc lại trên khắp Trung Quốc, nơi mà nạn nạo phá thai để chọn giới tính thai nhi hàng thập kỷ qua đã khiến tỷ lệ nam nữ hiện nay rơi vào mức 118 trên 100.

Khoảng cách giới tính khiến tiền thách cưới của nhà gái cũng tăng cao. "Gia đình cô dâu thường đòi hỏi một ngôi nhà và một chiếc xe hơi. Anh càng có nhiều tiền thì càng dễ cưới", Wang Yangfang, một người bán hàng, nói. "Ở Việt Nam, người ta yêu cầu ít hơn".

Chi phí trung bình để kết hôn với một phụ nữ Việt Nam là khoảng 20.000 nhân dân tệ (65 triệu đồng), chỉ chưa đầy một phần tư so với lựa chọn cô dâu địa phương, người dân Linqi nói. Hàng chục phụ nữ Việt đã về làm dâu ở khu vực này trong những năm gần đây.

Vu Thi Hong Thuy, một cô dâu Việt Nam tại Linqi, khoe ảnh người chồng Trung Quốc của mình. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, ngành thương mại hôn nhân này cũng không thiếu sự lạm dụng.

Tại một trung tâm bảo trợ ở Việt Nam, có hơn chục bé gái từng bị người thân, bạn bè hoặc thậm chí bạn trai, lừa bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ.

Chính phủ Myanmar cũng cho biết trong một báo cáo năm 2011 rằng, hầu hết những vụ buôn người ở nước này nhằm mục đích ép phụ nữ và trẻ em kết hôn với đàn ông Trung Quốc.

Cảnh sát Trung Quốc từng giải cứu và hồi hương gần 1.300 phụ nữ nước ngoài chỉ riêng trong năm 2012. Hầu hết họ xuất thân từ các nước Đông Nam Á, China Daily cho biết. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự giám sát lỏng lẻo của luật pháp ở các vùng nông thôn có thể khiến hàng nghìn trường hợp tương tự bị lờ đi.

Ở Linqi, nhiều gia đình từ chối nói về những thành viên người Việt trong nhà. Một lái xe chỉ vào một khu dân cư nằm giữa những đỉnh núi hiểm trở và cho biết đây là điểm đến của nhiều phụ nữ bị bán.

"Khi họ đến đó, vài ngày sau họ sẽ bỏ trốn", người này nói. "Nhưng không dễ để chạy trốn, vì ở đây núi non hiểm trở, các ngọn đồi thì đầy rẫy những người họ hàng sinh sống. Nếu một cô mất tích, họ sẽ báo cho nhau và đưa cô ấy trở về".

Cô dâu bỏ trốn

Không thể nói có bao nhiêu phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn người. "Không có con số chính xác", giáo sư xã hội học Feng Gang, đại học Chiết Giang, nói. "Có thể tỷ lệ kết hôn cưỡng ép không lớn".

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc thường xuyên đưa tin về những vụ "cô dâu bỏ trốn" ngay sau đám cưới. Những phụ nữ này hoặc là đã thay đổi suy nghĩ hoặc cố tình kết hôn chỉ để lừa lấy tiền sính lễ.

Không thể phủ nhận một số cuộc hôn nhân là tự nguyện. Nhiều đàn ông Linqi từng sang Việt Nam kiếm sống và Vu Thi Hong Thuy, 21 tuổi, đã gặp chồng cô trong hoàn cảnh như thế.

"Chúng tôi biết nhau, yêu nhau rồi cưới", cô kể. "Ở Việt Nam chúng tôi phải làm lụng rất vất vả nhưng vẫn chẳng đủ ăn. Ở đây tôi nghĩ cuộc sống tốt hơn vì chỉ cần chồng tôi đi làm".

Trên các trang web mai mối hôn nhân, hình ảnh các cô gái người Việt ngập tràn và được quảng cáo là "tốt tính" và "biết nghe lời".

"Chúng tôi thu 3.000 nhân dân tệ (tương đương 10 triệu đồng) để sắp xếp các cuộc hẹn ở thành phố Hồ Chí Minh, và nếu hai người quyết định kết hôn, chúng tôi thu thêm 36.000 nhân dân tệ (khoảng 130 triệu đồng) để thu xếp đám cưới, trong đó có chụp ảnh", một nhân viên trang web môi giới cho biết.

Nhiều người cũng đề nghị tìm cô dâu mới nếu vợ bỏ trốn. "Nếu bên nữ ly hôn hoặc bỏ trốn trong vòng hai tháng đầu, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm tìm một người khác thay thế", nhân viên trên nói thêm.

Tin nổi bật