Kawashima Yoshiko là Cách cách người Mãn Châu và là gián điệp của Nhật Bản trong Thế chiến thứ II, nổi tiếng với sắc đẹp được gọi là "Hòn ngọc phương Đông".
Kawashima Yoshiko - một trong những nữ gián điệp xinh đẹp nhất mọi thời đại. Ảnh: Baidu |
Kawashima Yoshiko, sinh năm 1907, tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư, là con gái thứ 14 của Túc thân vương Thiện Kỳ cuối triều đại nhà Thanh. Ngay từ nhỏ, Yoshiko đã tỏ ra là một cô bé thông minh, lanh lợi và được cha hết mực yêu thương.
Khi bà chỉ mới 4 tuổi, Thanh triều gặp biến cố, nhà nước Trung Hoa dân quốc được thành lập. Vào lúc đó, mặc dù cả một đế chế tan biến xong chính phủ mới đã đồng ý duy trì cuộc sống cho tất cả các gia đình hoàng tộc.
Các cường quốc láng giềng nhanh chóng “đánh hơi” thấy một lợi thế tiềm năng trong bối cảnh đó. Kết quả là cha của Yoshiko, Túc thân vương Thiện Kỳ đã được một nhân viên tình báo Nhật Bản tên là Naniwa Kawashima tiếp cận. Ông đã thuyết phục Túc thân vương đưa con gái đến Nhật Bản năm 1915, khi bà lên 8 tuổi. Naniwa đổi tên bà thành Yoshiko và đưa về Tokyo để nuôi dạy.
Yoshiko khi còn là một nàng Cách cách Thanh triều. Ảnh: Baidu |
Cuộc sống của Yoshiko không được êm đềm. Cha đẻ của bà mất vào năm 1921, chưa một lần được nhìn lại cô con gái mà ông đã “trót” đẩy ra nước ngoài. Sau đó, mẹ của Yoshiko cũng tự sát. Trong di chúc của mình, Túc thân vương Thiện Kỳ dặn dò con gái phải dốc toàn bộ sức lực cho công cuộc phục hồi vương triều Mãn Thanh, trung thành với lý tưởng "Mãn Mông độc lập".
Bà đã học cả Kendo và Judo – những môn võ thuật nổi tiếng của Nhật Bản. Bà cũng giành nhiều thời gian để trau dồi kiến thức khoa học xã hội rộng lớn. Naniwa đã truyền bá cho Yoshiko tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản, chủ nghĩa phát xít và hàng loạt những suy nghĩ bạo lực, chuyên chế.
Vì vậy, chỉ vài năm sau đó, nàng Công chúa được sinh ra và lớn lên trong những lễ giáo nghiêm khắc của triều đình nhà Thanh bắt đầu biến thành một cô gái ngang ngược, ương bướng.
Cha nuôi của Yoshiko bắt đầu nói với bạn bè rằng ông ta đang cân nhắc việc cưới con gái nuôi, và trở nên ghen tuông dữ dội (thậm chí bạo lực) nếu ông ta nghĩ Yoshiko đang có tình cảm với một người đàn ông khác.
Sau này, bà tiết lộ đã bị cha nuôi cưỡng bức khi mới 17 tuổi, và điều đó khiến bà quyết định bỏ nhà ra đi. Bà cắt tóc ngắn và bắt đầu mặc quần áo như một người đàn ông. Có tin đồn rằng trong thời gian đó, bà đã qua lại với một vài người tình giàu có (cả nam lẫn nữ).
Bà cắt tóc, mặc nam trang sau khi bị cha nuôi cưỡng bức năm 17 tuổi. Ảnh: Baidu |
Tuy nhiên, sau này bà vẫn quyết định ở lại bên Naniwa. Dưới sự dẫn dắt của cha nuôi, Yoshiko nhanh chóng thành thạo tất cả các kỹ năng để trở thành một gián điệp. Cô đã học tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng địa phương các vùng ở Trung Quốc, ngoài ra còn có bắn súng, lái xe, thậm chí là cả lái máy bay. Năm 1927, sau khi về Trung Quốc, Yoshiko được gả cho Ganjuurjab, con trai của tướng quân Nội Mông Jengjuurjab và theo chồng chuyển tới Mông Cổ sinh sống.
Mặc dù vậy, cuộc hôn nhân nhuốm màu sắc chính trị này duy trì chưa được 2 năm thì Yoshiko quyết định rời khỏi vùng thảo nguyên Mông Cổ để trở về Thượng Hải mà không một lời từ biệt. Lúc ly hôn, bà mới 22 tuổi.
Ở Thượng Hải, Yoshiko hợp tác với người Nhật Bản để lấy thông tin tình báo. Bà nhanh chóng nắm được thông tin tối mật giúp cho quân đội Nhật tiêu diệt kẻ cầm đầu quân phiệt Bắc Dương.
Đối với Yoshiko, việc làm này vô cùng có ý nghĩa trong kế hoạch thực hiện di nguyện của cha mình. Nhưng bà không biết được rằng những hành động đó không giúp khôi phục Thanh triều mà còn khiến thế lực của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ hơn.
Từ lòng yêu nước đến cố chấp, Yoshiko bỗng trở thành gián điệp của Nhật Bản, chống lại chính những người dân Trung Quốc.
Sau đó, người Nhật Bản chính thức xâm chiếm Mãn Châu, họ vẫn tuyên bố sẽ đảm bảo sự độc lập của khu vực này với phần còn lại của Trung Quốc. Dưới sức ảnh hưởng của Yoshiko, họ đã thuyết phục Phổ Nghi trở thành Hoàng đế bù nhìn của Mãn Châu Quốc vào năm 1934.
Bà Yoshiko từng giữ chức Tổng tư lệnh An Quốc quân. Ảnh: Baidu |
Đồng thời, người Nhật Bản cũng thành lập một lực lượng quân sự bù nhìn gọi là Mãn Châu Quốc An Quốc quân và phong cho Yoshiko chức vụ Tổng tư lệnh. Tuy nhiên, An Quốc quân kỷ luật yếu kém đã nhanh chóng ta rã khiến cho Yoshiko thất vọng, bất mãn và nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính sách quân đội Nhật.
Đến năm 1934, Yoshiko bị người Nhật tống giam nhưng chỉ 2 năm sau đó, bà được tha và trở về Thiên Tân, tiếp tục hoạt động gián điệp.
Trong suốt quãng thời gian sau đó, quân Nhật Bản và lực lượng phát xít liên tiếp giành được chiến thắng trên chiến trường thế giới, Trung Quốc nằm dưới ách thống trị của người Nhật.
Khi Thế chiến thứ II kết thúc cũng là lúc Mãn Châu quốc sụp đổ. Nhà nước bị giải thể hoàn toàn. Yoshiko đã chạy trốn trong khoảng 2 tháng, và có lẽ bà hy vọng sẽ sang được Nhật Bản - nơi bà có thể có được sự an toàn nhất định. Tuy nhiên, đến tháng 11/1945, bà bị bắt ở Bắc Kinh và bị giam trong tù 2,5 năm. Những phiên tòa dài như vô tận đã diễn ra vào thời điểm đó.
Có người biện hộ rằng với tư cách là một công dân Nhật Bản nhập tịch, Yoshiko không phải là một kẻ phản bội mà là một tù nhân chiến tranh, vì vậy bà phải được đem ra xét xử ở tòa án quốc tế.
Tuy nhiên, điều này đã không được công nhận và bà vẫn bị kết án tử hình như một kẻ phản quốc vào ngày 25/3/1948. Yêu cầu cuối cùng của bà là được hành quyết riêng tư đã không được chấp nhận. Bà bị xử tử bằng một phát đạn và thi thể được thị chúng để cảnh cáo những người giữ lòng trung thành với chế độ cũ.
Cho đến nay, bà Yoshiko vẫn là một biểu tượng mạnh mẽ. Thậm chí, có những tin đồn trong nhiều thập kỷ rằng thực chất bà vẫn còn sống, và người phụ nữ bị xử tử là kẻ giả mạo. Hình ảnh điệp viên Nhật Bản không rõ nam hay nữ cũng trở thành một nét đặc trưng trong các bộ phim truyền hình Hồng Kông.
Việc Yoshiko trung thành với Trung Quốc hay Nhật Bản vẫn là một câu hỏi không có lời giải. Có lẽ bà trung thành với Trung Quốc nhưng bản thân chưa bao giờ thực sự nhận thức được rằng Thanh triều đã kết thúc đế chế của mình ngay sau khi bà được sinh ra. Hoặc có lẽ Yoshiko trung thành với người đàn ông đã nuôi nấng bà, và với đất nước bà đã lớn lên, mặc dù niềm tin của bà bị lợi dụng. Cũng có thể, bà chỉ trung thành với chính bản thân mình. Dù sự thật là gì thì tất cả cũng đã qua đi với cái chết của bà.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Headstuff)