Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc chiến sinh tồn của cô bé "người rừng" ở Khánh Hòa

(DS&PL) -

Bé Mấu Thị Ny được nhận về trong tình trạng cơ thể còi cọc xơ xác, gần như khỏa thân nằm đơn độc lạnh lẽo giữa nền nhà đầy cát đất cáu bẩn tại Khánh Hòa.

Bé Mấu Thị Ny 7 tuổi được nhận về trong tình trạng cơ thể còi cọc xơ xác, gần như khỏa thân nằm đơn độc lạnh lẽo giữa nền nhà đầy cát đất cáu bẩn tại xóm 9, thôn Tha Măn, xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa).

Từ lúc chào đời đã phải sống trong tình cảnh nghèo đói, cha mẹ bạo bệnh sớm tìm đến cái chết, bé Mấu Thị Ny (SN 2007, tại xóm 9, thôn Tha Măn, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) trở thành “người rừng” bất đắc dĩ ngay trong chính căn nhà của mình. Ít ai có thể tin, trong khoảng thời gian không người thân chăm sóc, cô bé vẫn có thể sống được cho đến khi được phát hiện.

Cô bé 7 tuổi sống như “người rừng

Cách đây gần ba tháng, thầy Thích Tâm Nhãn, hiện đang tu thiền tại chùa Long Sơn (TP.Nha Trang) trong lần làm từ thiện giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã phát hiện và nhận nuôi bé Mấu Thị Ny.

Thời điểm thầy Tâm Nhãn phát hiện, cô bé mới hơn 7 tuổi, cơ thể còi cọc xơ xác, trong tình trạng gần như khỏa thân nằm đơn độc lạnh lẽo giữa nền nhà đầy cát đất cáu bẩn tại xóm 9, thôn Tha Măn, xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa).

Bé Ny nằm lặng lẽ bên trong căn nhà hoang giữa trời mưa gió, cánh tay gầy guộc xương xẩu cứ gác lên trán đếm thời gian qua như một thói quen, một sự chờ đợi trong vô vọng. Toàn thân đen nhẻm, gầy trơ xương, tóc tai rối bù và bẩn thỉu như một “người rừng” chính cống. Bé Ny dị tật câm điếc, lại bị mù và hàng tá chứng bệnh nặng bẩm sinh khác do không ai chăm sóc.

 Cô bé gầy trơ xương và trở thành “người rừng” ngay chính ngôi nhà của mình. Ảnh T.G

Trước khi được “giải cứu” khỏi cuộc sống cơ cực, cô bé sống qua ngày bằng những bữa ăn từ thiện của hàng xóm giúp đỡ cho đến khi gặp thầy Tâm Nhãn. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người trong đoàn từ thiện, Ny được đem đi cắt tóc và tắm gội sạch sẽ, đưa về chùa sinh sống.

“Khi phát hiện bé Ny, trên người cô bé vẫn còn nguyên những chất bẩn của gần 7 năm trời dính hết trên người vì không có ai làm vệ sinh cho. Tóc tai bù xù, mọc dày đặc và nhiều vết thương do ghẻ lở vì nằm một chỗ quá lâu, khiến người ta phải tắm rửa và làm vệ sinh cơ thể cho bé rất kĩ mới có được hình dáng như ngày hôm nay đấy!”, ni cô Thích Nữ Diệu Như (chùa Phú Quang, nơi bé Ny đang sinh sống), một trong những người thường xuyên chăm sóc bé cho biết.

 Bé Ny nằm lăn lóc trên nền nhà lúc được phát hiện.

Theo lời kể của các ni sư đang chăm sóc bé tại chùa thì gần 10 năm trước, cha mẹ của cô bé là ông Mấu Hồng và bà Mấu Thị Lan chẳng may mắc phải một căn bệnh rất nặng. Hoàn cảnh nghèo khó, không đủ tiền đến bệnh viện chữa hay mua thuốc chữa bệnh nên cha mẹ của cô bé chỉ biết ôm bệnh ở nhà nằm chịu trận các cơn đau hành hạ.

Sau khi sinh ra bé Ny, cả hai vợ chồng bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn. Năm bé lên 2 tuổi, người mẹ đột ngột qua đời để lại Ny cho người cha nghèo già yếu. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nỗi đau vẫn đong đầy… 4 năm sau (tháng 11/2013), trải qua một quá trình bệnh nặng không có tiền chữa trị, người cha - người thân duy nhất còn lại của em - cũng qua đời vì ung thư gan. Đứa bé dị tật câm – điếc – mù và bị hàng tá bệnh nặng khác hành hạ chính thức bước vào cuộc sống “người rừng” do không ai chăm sóc. Một điều kỳ lạ là không ai hiểu vì sao, cô bé có thể sống sót được sau chừng ấy thời gian. Có thể là trong quãng thời gian ba tháng trở lại đây, cô bé vẫn có được sự chăm sóc cầm chừng của những người họ hàng thân thích.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do bạo bệnh nên cả bà Lan và ông Mấu Hồng đều không còn đủ sức khỏe để chăm sóc cho con gái từ khi Ny lên 2 tuổi. Chính điều này đã khiến em phải nằm dưới đất trong hơn 5 năm liên tục. Đây cũng là lý do khiến Ny không biết đi đứng vì không có người tập, cũng không biết cách tự làm vệ sinh hay những kỹ năng tối thiểu khác của một đứa bé 7 tuổi. Bé Ny không nói được và cũng không ai dạy em phải nói thế nào. Bé chỉ có thể ê a như đứa trẻ chưa đầy một tuổi chứ không nói rõ thành tiếng.

Những lúc muốn điều gì hay có sự việc gì bé chỉ biết la hét chứ không nói được, cũng không biết ra hiệu hành động như thế nào để người khác hiểu được mình. Bình thường bé cười cả ngày, chỉ khi nào đói mới la, hét hoặc làm ồn để được chú ý mà thôi.

Ni sư Thích Nữ Diệu Như chia sẻ: “Khi bé Ny mất cả cha lẫn mẹ, những người hàng xóm quanh nhà vẫn đến chăm sóc cho bé. Nhưng vì gia cảnh họ cũng nghèo quá nên không ai đưa bé về nuôi được. Bé Ny cứ sống nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người như thế mà lớn lên cho tới tận khi được đoàn từ thiện giúp đỡ!”. Và nếu không có một cơ duyên đặc biệt, có lẽ cô bé sẽ chẳng còn sống được bao nhiêu lâu nữa.

 Bé Ny cùng chúng bạn. Ảnh T.G

Cuộc “tái sinh” của cô bé

Sau khi được sư thầy Thích Tâm Nhãn của chùa Long Sơn (TP Nha Trang) đưa về đồng bằng nuôi dưỡng, bé Ny đã có khá nhiều sự tiến bộ. Tuy nhiên sau đó, bé Ny đã được đưa tới sống tại chùa Phú Quang (xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) hơn 3 tháng qua. Từ năm 2008, chùa Phú Quang đã không nhận nuôi trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, nhưng vì em Ny là trường hợp đặc biệt nên nhà chùa đồng ý tiếp nhận. “Dẫu sao đó cũng là một đứa trẻ! Một đứa trẻ có quá nhiều đau khổ và đã phải mang một thân phận bi ai. Thế nên khi đưa bé Ny về đây, rất nhiều Phật tử và các ni sư đều đồng tình với việc làm đó. Mọi người đều hy vọng có thể góp được chút ít công sức của mình để mang lại một điều tốt lành cho cô bé!”, ni cô Thích Nữ Diệu Như tâm sự.

Thế nhưng, cuộc sống mới của bé Ny cũng gặp nhiều trở ngại. Vào thời điểm sư thầy Thích Tâm Nhãn nhận nuôi, bé Ny bị bệnh tim và bệnh phổi, khi sức khỏe ổn định, em mới về chùa Phú Quang sinh sống. Tẩy giun là việc đầu tiên cần phải làm với bé Ny vì nhiều năm ăn uống tất cả những gì mà người đời bố thí đã bị ảnh hưởng hệ tiêu hóa trầm trọng.

Những ni cô trong chùa nhớ lại: “Lúc mới về, bé không quen nhai, chỉ ăn cháo bằng cách nuốt chửng, bánh người ta đút cho thì bé ngậm cho nát rồi nuốt. Ngay cả cơm và nhai rau, củ như những đứa trẻ khác cũng không nhai được!”. Việc ăn uống với Ny khá vất vả, mỗi bữa cơm kéo dài không dưới 2 tiếng. Từ khi về chùa Phú Quang, cô bé cũng được tập ăn chay, nhưng có một khẩu phần riêng có nhiều sữa và vitamin để bổ dưỡng hơn, nhằm nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Hiện nay, sức khỏe của cô bé đã được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, Ny vẫn chưa nói được và mắt bị đục thủy tinh thể. “Có thể do căn nhà của bé quá tối, bé chỉ phản ứng trước ánh sáng chói lóa, cường độ ánh sáng chiếu thẳng mắt mạnh. Còn bình thường thì không thấy gì!”, ni cô Diệu Như buồn bã cho hay. Một tin vui đến với cô bé mấu thị Ny là vào ngày 18/02/2014 tới đây, một số mạnh thường quân cùng với các ni sư, sư thầy Thích Tâm Nhãn sẽ đưa cô bé vào TP.HCM để tìm cách chữa chị căn bệnh đục thủy tinh thể do nằm trong bóng tối quá lâu của cô bé. Mọi người đều mong rằng nếu có một phép nhiệm màu nào đó, hy vọng đôi mắt của bé Ny sẽ được khắc phục sớm.

Giúp đỡ được một người là tích thêm phúc đức

Ngày 10/11/2013, Trụ trì chùa Phú Quang là ni sư Thích Nữ Diệu An đã nộp giấy xin nhận nuôi bé Ny lên chính quyền địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ni sư Thích Nữ Diệu An cho biết: “Giúp được một người là phúc nên chúng tôi cũng chẳng ngại ngần gì. Có thể cô bé có hoàn cảnh đặc biệt này cần rất nhiều thời gian để hòa nhập, cũng như để chữa trị bệnh tật. Nhưng tôi tin rằng cô bé sẽ có được một cuộc sống bằng an. Nhiều Phật tử cũng quan tâm và đều cố gắng góp chút công sức cũng như thời gian để chăm sóc cho cô bé, cho cô bé một cuộc sống tốt hơn!”.

Gian nan hành trình thoát kiếp “người rừng”

Đến thời điểm hiện tại, cuộc sống của bé Mấu Thị Ny đã có nhiều biến chuyển theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, theo tâm sự của các ni sư chùa Phú Quang đang chăm sóc bé thì cuộc sống của Ny vẫn cần phải thay đổi nhiều. Lúc này, điều cô bé đang cố gắng nhất là hòa nhập với cộng đồng, tập quen với cuộc sống của người bình thường.

Từ khi được đến với mái ấm Phú Quang này, Mấu Thị Ny đã có cơ hội tìm thêm bạn bè dưới đồng bằng cùng lứa tuổi. Bé Ny dẫu kỹ năng “tạo mối quan hệ” có phần chậm hơn những đứa trẻ khác nơi đây nhưng cũng không kém phần vui vẻ. “Hồi mới về đây có hôm em ngủ đến tận 11h trưa mới dậy, nhưng giờ thì khác rồi bé đã dậy vào khoảng 7h sáng mỗi ngày. Dậy rồi là cười và kêu lên nho nhỏ để mọi người chú ý. Một điều đáng mừng là hiện giờ, bé Ny không còn sợ người lạ nữa. Những đứa trẻ cùng trang lứa thấy cô bé như thế cũng đến chơi chung và giúp đỡ bé Ny rất nhiều. Đó cũng có thể là một động lực lớn để cô bé nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng!”, ni cô Diệu Như nói về sự thay đổi nhịp sinh học và thói quen của Ny.

Thế nhưng, chính vì khả năng quan sát của đôi mắt bị hạn chế, bé Ny cũng không thể chơi với những đứa trẻ bình thường được. Bé ít tiếp xúc với nhiều đứa trẻ khác, mắt bé bị ảnh hưởng do nằm trong bóng tối quá lâu nên chỉ quanh quẩn trong nhà chứ không dám ra ngoài ánh sáng như các bạn. Vì vậy, các ni sư cứ lau nhà sạch, ngoài giờ tập đi thì thả cho bé tự lăn lộn, hoặc đưa bé lên giường để bé nằm, các bạn nhỏ khác lại đến bên để cùng chơi. Mặc dù những đứa trẻ khác có phần rất hiếu động nhưng luôn tỏ ra tôn trọng người bạn ít nói của mình.

Sau thời gian được nhiều người tập đi, bé Ny đã tự mình dựa vào vật cản để tập tễnh đi lại, nhưng vẫn chưa thể tự đi do đôi chân vẫn còn quá yếu và vì đôi mắt chưa nhìn được gì. Ngày ngày, công việc của những ni cô trong chùa đều đặn thay phiên nhau chăm sóc sức khỏe cho bé, trong đó có cả việc tiểu tiện. Do khả năng phát âm hạn chế nên bé hoàn toàn không làm chủ được việc tiểu tiện, ban ngày những ni cô phải canh giờ cho bé ngồi bô, ban đêm đeo tã. Điều này là thói quen quá lạ lẫm trước đây của bé, bởi từ nhỏ không kêu ai được và cũng chẳng có ai để kêu những lúc bí bách trong người.

Cách đây 3 tháng, Ny vẫn không có khả năng cầm nắm được bất cứ vật gì vì từ nhỏ không được dạy dỗ nên lực bàn tay rất yếu. Sau thời gian ở tại chùa Phú Quang, nhờ sự luyện tập của ni cô trong chùa, Ny giờ đã cầm nắm được mọi vật, với bàn tay cứng cáp. “Chúng tôi cũng mừng vì em đã thay đổi nhiều từ khi về chùa, mong là em sẽ tiến bộ hơn nữa. Sau này khỏe lại, nếu cháu muốn về lại nhà chúng tôi luôn sẵn sàng hoan nghênh. Còn nếu cháu ở lại chùa, chúng tôi cũng bao bọc nuôi dưỡng không vấn đề gì”, đây là tâm sự của mọi người trong chùa trước sự tiến bộ và tương lai của em.

Đây là những tháng ngày đầu tiên Mấu Thị Ny tiếp xúc nhiều với người ngoài, bắt đầu học cách sống cùng bạn bè trong môi trường tu thiền. Cầu mong rằng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cô bé có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt này.

Theo Giadinh.net

Xem thêm clip về "người rừng" ở Hà Nội:

Tin nổi bật