Thông tin trên Trí thức trực tuyến, cục Thuế Hà Nội cho biết từ đầu năm đến tháng 11, đơn vị này đã thu được 110 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử.
Có 5 nhóm đối tượng thương mại điện tử, gồm:
Nhóm 1: Cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…).
Nhóm 2: Cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến (online).
Nhóm 3: Cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng.
Nhóm 4: Tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài.
Nhóm 5: Doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (Sendo, Lazada...), điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán, ứng dụng trung gian vận chuyển.
Cục Thuế Hà Nội đã chủ động từng bước kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình đối với hoạt động thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)
Từ đầu năm đến tháng 11/2021, cục Thuế Hà Nội thu 110 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử.
Trong đó, nhóm 1 là nhóm đóng góp số thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử rất tốt. Cơ quan thuế đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh, người nộp thuế đã thực hiện kê khai thuế đầy đủ theo quý, số thuế đã nộp là 56,1 tỷ đồng.
Với nhóm 2, cục Thuế Hà Nội đã xác minh được 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng quản lý thuế. Cơ quan thuế đã đưa vào quản lý 1.332 người nộp thuế bán hàng online, đôn đốc nộp 12,1 tỷ đồng. Trong thời gian tới, cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai rà soát 2.056 cơ sở bán hàng online trên địa bàn Hà Nội.
Với nhóm 3, cơ quan thuế đã triển khai rà soát, xác minh được 49 chủ cơ sở thuộc đối tượng quản lý thuế.
Tại nhóm 4, cơ quan thuế quản lý dữ liệu phát sinh chi trả cho các nhà thầu nước ngoài của 1.447 cá nhân, tổ chức.
Với nhóm 5, cơ quan thuế tiến hành phân loại, tổ chức triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân này thực hiện đăng ký thuế, nộp thuế…
Đáng chú ý, có một cá nhân đã kê khai, nộp 11 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Số thuế mà cá nhân này phải nộp được cộng dồn nhiều năm với số tiền chậm nộp phải thực hiện là trên 4 tỷ đồng.
Như vậy, theo tính toán, cá nhân phải đóng 11 tỷ đồng tiền thuế ở trên (gồm 7 tỷ cho thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, 4 tỷ bị phạt do chậm nộp thuế) ước thu được khoảng 100 tỷ đồng từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube.
Ông Viên Viết Hùng, Phó cục trưởng Cục thuế Hà Nội, cho biết trên báo Hà Nội mới, đối với doanh nghiệp, tổ chức có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài, cơ quan thuế đã quản lý theo luật và doanh nghiệp cũng đã tự giác thực hiện.
Hiện tại, cục Thuế Hà Nội tập trung hướng dẫn nhóm các cá nhân/hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ bởi đây là đối tượng khó quản lý hơn.
Đến thời điểm này có thể khẳng định cục Thuế Hà Nội đã chủ động từng bước kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình đối với hoạt động thương mại điện tử.
Việt Hương (T/h)