"Tôi thấy người đứng đầu công ty này trả lời tại tòa vô trách nhiệm. Cần làm rõ cơ chế đấu thầu, kiểm tra chất lượng thuốc không rõ nguồn gốc. Mức án mà tòa tuyên là quá nhẹ gây mất lòng tin của người dân với Bộ Y tế", cử tri Nguyễn Tú Ngọc (quận 4) nói tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 13/10.
Chiều 13/10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đến Quận uỷ quận 3 để tiếp xúc cử tri các quận trung tâm.
Theo báo Dân trí, tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Tú Ngọc (quận 4) phản ánh về vụ án xảy ra ở công ty dược VN Pharma.
"Tôi thấy người đứng đầu công ty này trả lời tại tòa vô trách nhiệm. Cần làm rõ cơ chế đấu thầu, kiểm tra chất lượng thuốc không rõ nguồn gốc. Mức án mà tòa tuyên là quá nhẹ gây mất lòng tin của người dân với Bộ Y tế", cử tri Ngọc nói.
Cử tri này cũng đề nghị thanh tra, kiểm tra các cơ quan có liên quan đến vụ án VN Pharma.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 13/10 - Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Cử tri Hoàng Thị Lợi (quận 1) góp ý về luật tố cáo. Bà đề nghị Quốc hội thông qua hình thức tố cáo bằng mail, fax.
"Đây là thời kỳ công nghệ mà chỉ nhận tố cáo qua đơn trực tiếp thì hơi thiếu. Không nên hạn chế hình thức tố cáo. Cán bộ thanh tra các cấp nên được đào tạo thêm về công nghệ thông tin để đảm bảo công việc này. Đề nghị có định chế kiểm soát tài sản của quan chức cấp cao", bà Lợi kiến nghị.
Theo báo Tri thức trực tuyến, cử tri Lê Thanh Tùng (quận 3) cũng bày tỏ sự tâm đắc trước việc phòng, chống tham nhũng đã chạm đến các vị trí lãnh đạo cấp cao trong Đảng và Nhà nước. Theo ông Tùng, Nghị quyết Trung ương 6 có nhiều nội dung nhưng ông tâm đắc nhất là sắp xếp lại bộ máy.
"Lãnh đạo đã nêu ra rồi mà không làm được thì quần chúng không tin đâu. Do đó, các đồng chí lãnh đạo từ cấp Bộ Chính trị, Chính phủ đến quận, phường phải gương mẫu trước tiên. Nơi nào không làm được thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân", ông nói.
Theo báo Vnexpress, ông Ngô Thế Hải (ngụ quận 4) thắc mắc về dự thảo tăng thuế VAT do Bộ Tài chính đề xuất - thuế giá trị gia tăng tăng từ 10% lên 12%, áp dụng vào năm 2019 nếu Quốc hội thông qua. "Tôi kiến nghị nếu có tăng thì cần áp dụng theo lộ trình, đồng thời tham khảo thêm ý kiến người dân, chuyên gia, doanh nghiệp. Tất cả cần phải nghiên cứu, đánh giá tác động rõ ràng trước khi thông qua".
"Triển khai việc thu phí và đặt trạm thu phí BOT còn chưa hợp lý"
Theo báo Tuổi trẻ, trả lời cử tri TP.HCM xung quanh những vấn đề bất cập thời gian qua ở các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói: "Chủ trương đầu tư các dự án giao thông BOT là đúng đắn. Nhưng rất tiếc việc lựa chọn các dự án, thứ tự ưu tiên để đầu tư có chỗ còn chưa hợp lý, việc thẩm định dự án còn có những vấn đề chưa được minh bạch".
Những sai sót ở các dự án giao thông BOT, theo Chủ tịch nước, nằm chủ yếu ở việc định giá các dự án, thẩm định không chặt chẽ việc thiết kế, thiếu minh bạch, làm tăng giá trị sử dụng các công trình. Chủ tịch nước cho rằng: "Thực tế triển khai việc thu phí và đặt trạm thu phí cũng còn chưa hợp lý dẫn đến bức xúc trong dư luận nói chung và đặc biệt là nhân dân các vùng đặt trạm thu phí. Tất cả ý kiến cử tri nêu đều đúng cả!".
"Cách giải quyết thế nào?" - Chủ tịch nước đặt vấn đề và cho biết Trung ương, Chính phủ giải quyết rất quyết liệt, thanh tra kiểm tra toàn diện các dự án BOT, tiến hành rà soát chính sách pháp luật để hoàn thiện.
Riêng các dự án đã phát hiện ra sai sót, Chủ tịch nước cho biết sẽ tập trung xây dựng các phương án xử lý kịp thời các tồn đọng, yếu kém, kiểm điểm xử lý nghiêm túc của các cá nhân, đơn vị để xảy ra. Tập trung cả các vấn đề quy định phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư, vận hành khai thác các công trình giao thông BOT. Trong đó có định mức đơn giá, công bố gía trị phù hợp với thực tế.
Cự Giải (T/h)