(ĐSPL) - Nhiều cử tri đã bày tỏ lo lắng về dịch sởi cũng như suy nghĩ Bộ trưởng Y tế với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 3/5, trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư đã thẳng thắn trao đổi với cử tri nhiều vấn đề “nóng” diễn ra trong thời gian gần đây.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện thân mật với các cử tri. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Cử tri mong muốn Bộ trưởng Y tế “xem lại”
Trong cuộc tiếp xúc cử tri, dịch sởi khiến rất nhiều trẻ em tử vong trong thời gian qua là một trong những vấn đề được nhiều cử tri lo lắng, đề cập. Cử tri Nguyễn Cao Đức (Điện Biên, Ba Đình) phàn nàn, ông cảm thấy không hài lòng khi Bộ Y tế “ậm à ậm ừ không đưa ra thông điệp cảnh báo, ngày xưa sởi vài ngày là khỏi, giờ để các cháu tử vong nhiều”.
Cử tri Phạm Thị Hoàn (Hàng Trống, Hoàn Kiếm) cũng đồng ý với suy nghĩ của ông Đức và cho rằng, hành động của Bộ Y tế trước diễn biến của dịch sởi là chưa thỏa đáng. “Dịch sởi khiến nhiều trẻ em tử vong mà đến đầu tháng 4, Bộ Y tế vẫn nói tình hình không có gì phức tạp. Nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không yên tâm đã đi kiểm tra lại”, bà Hoàn dẫn chứng. Theo cử tri này, nếu công bố dịch sớm thì có thể sẽ không có nhiều cái chết thương tâm như vậy.
Tiếp đó, bà Hoàn cũng thẳng thắn kiến nghị Bộ trưởng Y tế cần “xem lại” cách điều hành và cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần tìm người “đủ tâm, đủ tầm để quản lý Bộ Y tế”.
Chia sẻ với những lo lắng, bức xúc của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, ngành Y tế có những sai sót, sơ xuất, yếu kém và cũng đang cố gắng rút kinh nghiệm.
Vụ hoãn xử bầu Kiên: Cử tri buồn vì xử lại hoãn, lùi
Một trong số nội dung mà cử tri bức xúc là tiến độ và công tác xét xử các vụ án tham nhũng. Cử tri cũng mong muốn Quốc hội cần phải tăng cường công tác giám sát mạnh hơn, nhất là phòng chống tham nhũng.
Cử tri Phạm Quy (phường Ngọc Khánh, Ba Đình) cũng đề cập tới vấn đề xét xử thời gian qua, từ điều tra, truy tố xét xử cần xem lại. Ông Quy lấy dẫn chứng vụ xử bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) vừa qua, đưa ra toà rồi thiếu bị cáo nên phải hoãn. “Dân rất là buồn vì nó mất đi tính nghiêm minh pháp luật. Ngoài ra, trong quá trình xét xử, toà triệu tập những người có liên quan họ không đến hoặc cử những người không đủ thẩm quyền giải quyết làm mất đi tính trang nghiêm của pháp luật”, ông Quy chia sẻ.
Chia sẻ với cử tri về việc hoãn xét xử một số vụ án lớn, Tổng Bí thư khẳng định việc lùi, hoãn đều phải theo luật định.
“Có những bị cáo, bị can trước đây chưa khai hết, ra tòa rồi mới khai. Vừa rồi có rất nhiều chi tiết ra tòa họ mới khai, khai thì có tình tiết mới. Do đó, không thể kết luận ngay lập tức, phải điều tra, phải tìm hiểu, còn liên quan tới cả yếu tố nước ngoài nữa, nên phải dừng lại điều tra tiếp”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.
Sẽ còn bao nhiêu “đường cong mềm mại”?
Cử tri Trần Viết Hoàn (phường Liễu Giai, Ba Đình) bày tỏ lo lắng, bức xúc trước tình trạng lạm quyền. Ông Hoàn dẫn chứng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) phải điều chỉnh tới 9 hạng mục khiến “đội vốn” lên tới 300 triệu USD. Thế nhưng, một lãnh đạo khi được hỏi còn phát biểu mới điều chỉnh đã làm rùm beng lên. Đường Trường Chinh bỗng dưng bị “uốn cong mềm mại” khiến dư luận bức xúc... “Việc này khiến người dân suy nghĩ con đường thẳng giữa thanh thiên bạch nhật còn bị uốn cong thì thử hỏi những việc không lộ thiên còn cong đến như thế nào?”, ông Hoàn bày tỏ.
Ngoài ra, những vấn đề nóng như nạn tham nhũng, lãng phí, việc dừng lấy phiếu tín nhiệm cũng được cử tri đề cập…
Đánh giá cao ý kiến góp ý, kiến nghị của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Tổ đại biểu đã ghi nhận toàn bộ ý kiến của cử tri. Trên cơ sở đó, một mặt làm cơ sở để kiến nghị với Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, mặt khác trên cương vị của mình, các đại biểu Quốc hội sẽ chủ động giải quyết.
Về những ý kiến của cử tri đóng góp cho Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, dân chủ, ngày càng thể hiện Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và quyền lực của nhân dân.
Thông qua các buổi tường thuật trực tiếp các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, nhân dân đã giám sát công việc của Quốc hội và các cơ quan Nhà nước. Thời gian tới, Quốc hội sẽ tập trung vào công tác xây dựng pháp luật để thể chế hóa các nội dung mới của Hiến pháp, đồng thời sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành cho phù hợp.