Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế (Bệnh viện T.Ư Huế) vừa cứu sống một cụ ông bị đột quỵ liệt nửa người nhờ phương pháp mới lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Báo Tiền phong dẫn nguồn tin từ từ khoa Nội đột quỵ - Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế cho biết, ngày 11/9, đơn vị vừa cứu sống cụ ông Tôn Thất T. (82 tuổi, trú thành phố Huế).
Người nhà cụ T. cho hay, vào tối 5/9 khi cúng bái tại nhà thờ họ tộc, cụ bị đột quỵ nên được gia đình chuyển cấp cứu đến Bệnh viện T.Ư Huế .
Thời điểm mới vào viện, cụ T. bị liệt nửa người bên phải, kích thích vật vã, rối loạn ý thức, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân được chỉ định dùng phương pháp hiện đại là lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học.
Cụ Tôn Thất T. lúc mới vào viện có nguy cơ tử vong cao do đột quỵ nặng - Ảnh: báo Dân trí |
Ê kíp gồm nhiều bác sĩ của Bệnh viện T.Ư Huế trong vòng nửa giờ đồng hồ đã tiến hành sử dụng các dụng cụ cơ học với kích thước rất nhỏ để hút huyết khối qua đường động mạch.
Sau ca phẫu thuật tối 5/9, bệnh nhân được sớm tái thông đường máu lên não để cung cấp máu đầy dủ, nên các triệu chứng lâm sàng như liệt nửa người được cải thiện, bệnh nhân tỉnh táo…
Theo báo Dân trí, điều kỳ diệu là chỉ sau 2 ngày mổ, cụ T. đã đi lại được bình thường, tay chân cử động tốt, nói được. Người thân, hàng xóm đến thăm rất ngạc nhiên, vì cảm thấy tình trạng sức khỏe của cụ T. chẳng khác trước đây là mấy.
Cụ T. sau 2 ngày đã đi lại, tay cử động tốt, người hết liệt, nói được như người bình thường - Ảnh: báo Tiền phong |
Trao đổi với báo Thanh niên, bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Hữu Thật, Ban Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện An Bình, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh), cho biết: “4h30 là thời gian “vàng” để người bị đột quỵ được cấp cứu và điều trị nếu không muốn liệt nửa người, ngồi xe lăn vĩnh viễn. Quá thời gian trên nguy cơ sống sót sẽ rất ít hoặc mức độ tàn phế sẽ rất nặng.”,
Trong trường hợp có người bị đột quỵ, bác sĩ Thật khuyên người nhà nên lưu ý: Không dùng các phương pháp dân gian như chích máu ngón tay, hơ lửa hay sốc bệnh nhân.
Trong quá trình vận chuyển, cần cố định bệnh nhân.
Bệnh nhân đột quỵ, sau khi được điều trị phục hồi vẫn phải được tái khám, kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
(Tổng hợp)