Đầu năm 2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã mật phục và bắt quả tang nhóm đối tượng người Tuyên Quang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng thừa nhận đã dùng bột đá đen rửa sạch, đóng gói trong bao tải, giả làm quặng vonfram để lừa bán với số tiền 200.000đ/kg.
Để bóc gỡ được đường dây lừa đảo tinh vi này, cả 2 bên đã căng thẳng đấu trí so kè từng "miếng" trong một thời gian dài, để rồi cuối cùng phần thắng đã thuộc về các điều tra viên Công an huyện Đắk Song…
Công nghệ làm giả "Sứ giả ánh sáng"
Được xếp vào hạng kim loại quý hiếm, 80\% sản lượng vonfram trước đây được dùng để chế tạo thép hợp kim cao cấp, 15\% được dùng làm thép cứng trong cơ khí chế tạo, vòi phun động cơ tên lửa và kim loại cắt gọt. Vonfram hiện cũng đang được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất các bảng mạch, công tắc và điện cực.
Nhưng ứng dụng nổi tiếng nhất của vonfram là vai trò của nó trong ngành công nghiệp chế tạo bóng đèn điện. Sau khi hoàn toàn thay thế sợi than, sợi osimi và sợi tantail, hàng tỉ bóng đèn điện đã được sản xuất hàng năm bằng sợi đốt vonfram, khiến kim loại quý này được mệnh danh là "sứ giả của ánh sáng".
Tại Việt Nam, quặng vonfram tập trung chủ yếu ở tụ khoáng Đá Liền, Đại Từ, Thái Nguyên. Được Công ty Tiberon Minerals thăm dò và xác định với trữ lượng lên tới 227.500 tấn.
Đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp điện - điện tử, mức giá của quặng vonfram tăng với tốc độ chóng mặt. Hiện nay, trên thị trường tự do, giá quặng vonfram bán buôn giao tại khu vực phía Bắc lên tới 160-180.000đ/kg, nhưng cung không đủ cầu. Điều này dẫn đến hệ lụy là nạn khai thác quặng trái phép bùng phát, với tâm điểm là địa bàn huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) và Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), với những địa danh nổi tiếng: đồi Cấm, đồi Quặng Hoa, đồi Xập…
Đặc biệt, khi quốc gia có trữ lượng vonfram lớn nhất là Trung Quốc đã áp dụng hạn ngạch sản xuất nguyên liệu thô vonfram, chuyển sang bán các thành phẩm vonfram cho người tiêu dùng… nhu cầu về quặng thô bùng phát dữ dội. Các thương lái đã từ bỏ "kinh đô Vonfram" Giang Tây (Trung Quốc) để đổ về Vĩnh Phúc, Tuyên Quang (Việt Nam) vét hàng, tạo nên những cơn sốt giá dữ dội.
Ngay lập tức, những băng nhóm lừa đảo người bản địa, vốn trước đây hành nghề thu mua quặng vonfram khai thác trái phép ở Tuyên Quang đã đánh hơi được mùi "siêu lợi nhuận": làm quặng giả!
|
4 đối tượng trong nhóm “siêu lừa” bị bắt quả tang |
Quặng vonfram bao gồm 2 loại: quặng đen và quặng trắng, trong khi ở Việt Nam chủ yếu là quặng đen. Những nhóm lừa đảo này cũng nắm rõ ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên có loại bột đá đen, nhìn rất giống với bột quặng vonfram, chỉ có điều ít óng ánh hơn, và giá chỉ có 1.000-3.000đ/kg. Điều đặc biệt là loại bột đá này cũng phát ra ánh sáng nhẹ khi được chiếu dưới bóng đèn huỳnh quang.
Những đường dây lừa đảo này cũng nắm bắt tâm lý những người thu mua quặng vonfram trái phép thường chỉ cần kiểm định mẫu ban đầu, nếu thấy đúng là chấp nhận mua hàng, chứ ít khi kiểm định cả lô hàng lớn sau đó. Không những thế, nếu có phát sinh tranh chấp, thường khách sẽ chấp nhận im lặng chịu thiệt vì mua bán hàng khai thác trái phép, hoặc bản thân họ là thương nhân sang Việt Nam thu mua trái phép tài nguyên.
Nạn nhân của những băng nhóm lừa đảo này không chỉ giới hạn trong phạm vi những người có nhu cầu sản xuất, mà còn cả ở những "cò" quặng đã chinh chiến lão luyện. Thủ đoạn của chúng là tung ra thông tin bán quặng, đồng thời cho "chim mồi" tung tin thu mua với giá cao hơn hẳn.
Nhiều "cò" quặng đã sống dở chết dở với đòn sát thủ này, khi tin tưởng có đầu ra giá tốt đã mạnh dạn tung tiền ôm về một đống mớ "bột đá".
Chính vì vậy, có nhiều nạn nhân của những đường dây lừa đảo bán quặng vonfram giả này đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Những trường hợp dám đứng ra tố cáo trước Cơ quan Công an như anh Tạ Thiệu Đức (quốc tịch Trung Quốc) tố cáo bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỉ đồng, là khá hiếm.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc khi đó đã tiến hành bắt giữ 7 đối tượng trú tại huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu giữ hơn 400 triệu đồng và 5 tấn bột đá là tang vật vụ án…
Giăng bẫy chuyên nghiệp
Tháng 12/2013, băng nhóm lừa đảo trú tại xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) do Trương Thị Sáu cầm đầu nhận được một cuộc điện thoại gọi đến hỏi mua quặng vonfram. Người mua tự giới thiệu tên là Thịnh.
Ngay lập tức, Sáu đã bàn bạc với anh trai là Trương Văn Thắng, em trai là Trương Văn Bảy và Nguyễn Tiến Cường… cùng tham gia đi mua bột đá đen lừa bán cho ông Thịnh.
Sáu cũng bàn bạc với Hoàng Thanh Huyền, để Huyền đóng giả là người đi mua quặng. Huyền có nhiệm vụ trực tiếp gọi điện cho ông Thịnh để trả giá mua cao hơn từ 30.000đ-40.000đ/kg. Trong trường hợp ông Thịnh là dân "lái" quặng, thấy có người trả giá cao hơn sẽ bỏ tiền ra mua quặng giả bán lại kiếm lời, và ắt sẽ rơi vào cái bẫy được giăng sẵn.
Sau khi mua được 5 tấn bột đá, Sáu và Cường đã đi thuê một căn nhà trống, vốn là một quán cắt tóc bỏ hoang nằm giáp ranh huyện Bình Xuyên và thị xã Vĩnh Yên làm nơi chứa hàng.
Ngày 12/1/2014, khách hàng tên Thịnh hẹn ra Bắc xem hàng. Đích thân cả nhóm lừa đảo xuống tận Hà Nội đón "con mồi", rồi đưa ông Thịnh lên Vĩnh Yên xem hàng. Sau khi thỏa thuận giá cả và phương thức giao hàng, "con mồi" gặp khó khăn phát sinh là không thuê được phương tiện vận chuyển, nên đành phải trở về Đắk Lắk.
Thấy "con mồi" đã trở về quê, Sáu và Huyền liên tục gọi điện thúc giục ông Thịnh tiếp tục thực hiện giao dịch. "Con mồi" cho biết nếu hàng được chở vào Tây Nguyên thì ông mới mua, và chấp nhận mức giá 200.000đ/kg đã bao gồm phí vận chuyển.
Trương Thị Sáu tiếp tục liên lạc với Trần Văn Minh và biết được Minh đã có sẵn bột đá ở Tây Nguyên. Minh đồng ý bán cho Sáu số bột đá trên với giá 8.000đ/kg. Sau khi thỏa thuận với Minh xong, Sáu thông báo cho ông Thịnh, đồng ý giao hàng tại huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông).
|
Thật khó phân biệt được đâu là quặng vofram đen, đâu là bột đá đen |
Sáng 25/2, băng lừa đảo đã có mặt ở huyện Đắk Song rồi tới nhà bố của Minh để xem "hàng". Nhận thấy số bột đá kia quá khô và hơi tối màu, nhóm này quyết định đổ nước vào các bao bột đá rồi xóc lại cho nước thấm đều để bột đá óng ánh như ánh kim của bột quặng vonfram.
Ngày 27/2, "con mồi" vào tận nơi xem hàng, không phát hiện được có điều gì bất thường nên đồng ý mua 2,5 tấn hàng với giá 500 triệu đồng, với điều kiện nhóm của Sáu phải đưa hàng lên giao ở Bến xe Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
"Con mồi" đòi nhóm của Sáu phải viết hợp đồng mua bán, nhưng Sáu tìm cách chối, nại ra lý do là biết ít chữ, không viết được. Cường và Thắng cũng tìm cách từ chối, nói rằng mình đi làm thuê nên không viết. Riêng đối tượng Minh theo chỉ đạo của Sáu đã tránh mặt để sau này nạn nhân khi phát hiện bị lừa, có đến tìm thì Minh có cớ chối bỏ rằng không biết gì.
Khi "con mồi" tự soạn ra bản hợp đồng mua bán và yêu cầu ký, Sáu ký bằng cái tên giả là Hoàng Thị Nhung, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội. Ký xong hợp đồng, "con mồi" đi ra thuê xe tải để vận chuyển hàng.
Cất lưới
Điều mà băng nhóm lừa đảo do Trương Thị Sáu cầm đầu không thể ngờ tới, là trong khi chúng đang ra sức giăng một cái bẫy hoàn hảo để đưa "con mồi" vào tròng, thì một cái bẫy lớn hơn đang dần siết chặt xung quanh.
|
Tang vật thu giữ tại hiện trường |
Chúng không hề biết toàn bộ đường đi nước bước của "con mồi" tên Thịnh kia hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của Ban chuyên án do Đại úy Lê Khả Vân, Phó trưởng Công an huyện Đắk Song chỉ huy.
Bản thân "con mồi" là bạn thân của một nạn nhân khác của băng nhóm lừa đảo quặng vonfram này. Khi biết bạn mình bị lừa, ông Thịnh đã đích thân vào vai một "con mồi", chủ động lần theo dấu vết băng nhóm của Sáu. Khi biết nhóm của Sáu đang dựng lên một cái bẫy chờ mình tiến vào, ông Thịnh đã chủ động thông báo tới Cơ quan điều tra.
…Thời điểm ông Thịnh quyết định hẹn gặp Sáu để xem hàng tại thôn Đắk Tiên, xã Đắk N'Drung, huyện Đắk Song, mũi trinh sát gồm 8 cán bộ chiến sĩ do Thượng úy Phan Đăng Phương phụ trách đã tỏa ra bọc kín con đường dẫn vào địa điểm cất hàng. Tất cả phương án di chuyển của "con mồi" từ thành phố Buôn Ma Thuột lên Đắk Song và vào điểm hẹn đã được tính toán kỹ càng.
Nhưng sự cảnh giác của băng nhóm lừa đảo chuyên nghiệp còn làm anh em trinh sát khó khăn tới tận phút chót. Chúng không cho "con mồi" tự bắt xe ôm vào địa điểm xem hàng, mà bắt ông Thịnh đứng chờ để chúng cho người ra đón. Chiếc xe ra đón “con mồi” vào điểm hẹn cũng rất cẩn trọng, các trinh sát phải luân phiên nhau lùi lại để trinh sát dự phòng bám đuôi, để chúng không nghi ngờ.
Ngay khi "con mồi" cùng chiếc xe tải quay vào để bốc hàng, khi các đối tượng nhận đủ 4.000.000đ tiền đặt cọc và bắt đầu bốc hàng lên xe, các mũi trinh sát mật phục từ vườn tiêu xung quanh và từ các điểm giám sát ập vào bắt quả tang.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Song đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với các đối tượng Trương Thị Sáu, Nguyễn Tiến Cường, Trương Văn Thắng và Trần Văn Minh. Cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định truy nã đối với đối tượng Trương Văn Bảy vì đã có hành vi cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua công tác trực tiếp điều tra phá án, lãnh đạo Công an huyện Đắk Song nhận định, với thủ đoạn chuyên nghiệp và rất cẩn trọng như vậy, chắc chắn danh sách nạn nhân của băng nhóm lừa đảo do Trương Thị Sáu cầm đầu không phải là con số ít. Ai là nạn nhân của băng nhóm lừa đảo trên có thể liên hệ với Đội CSĐT Công an huyện Đắk Song (gặp Đại úy Lê Khả Vân - ĐT: 0985145679)