Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cụ già 80 tuổi cần mẫn chắp nối những mảnh vụn thành yêu thương

(DS&PL) -

Hơn 10 năm ròng, bên chiếc máy khâu cũ kỹ, cụ bà gần 80 tuổi vẫn cần mẫn chắp nối những mảnh vụn thành hàng nghìn tấm mền (chăn) mang hơi ấm yêu thương.

Hơn 10 năm ròng, bên chiếc máy khâu cũ kỹ, cụ bà gần 80 tuổi vẫn cần mẫn chắp nối những mảnh vụn thành hàng nghìn tấm mền (chăn) mang hơi ấm yêu thương.

Bà Phan Thị Ngọc bên chiếc máy khâu may chăn tặng người nghèo. Ảnh: TTXVN

Ngày nào cũng như ngày nào, dù mưa hay nắng, người dân trong con hẻm 192 đường Phan Văn Hân, Phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM đều nghe thấy tiếng máy khâu quen thuộc vang lên từ ngôi nhà nhỏ của bà Phan Thị Ngọc. 

Cơ duyên để bà Phan Thị Ngọc bắt đầu may mền là trong một lần con gái của bà tham gia thiện nguyện ở một tỉnh Tây Nguyên. Sau chuyến đi, chị kể với bà về những thiếu thốn của người dân tộc thiểu số nơi đó. Đặc biệt họ rất cần những tấm mền để chống chọi với cái giá lạnh miền sơn cước. Thế là bà bắt đầu may mền và những tấm mền của bà được mọi người đón nhận, trân trọng.

Để tiết kiệm chi phí mua vải, bà đến các tiệm may nhỏ xung quanh khu vực mình sống xin vải vụn ráp nối với nhau và may thành những tấm mền ấm áp. Hồi đó, có khi 5-6 ngày, bà mới may xong một cái mền bởi công đoạn chắp, nối vải vụn mất khá nhiều thời gian.

Qua bàn tay của bà, những miếng vải vụn tưởng chừng như vô nghĩa đã trở thành những chiếc mền mang hơi ấm của tình người. Mỗi tấm mền lại là một phiên bản duy nhất, không “đụng hàng” và mang màu sắc riêng.

Khi các tiệm may gần nhà bắt đầu hết vải vụn, bà lại tìm đến các doanh nghiệp may lớn để xin vải thừa, vải lỗi. Bà cho biết: “Ban đầu, người ta cũng chỉ cho vải vụn nhưng lâu dần họ cho luôn mình cả cuộn vải lớn, may nhanh mà sướng lắm”. 

Nhà nhỏ nên cứ may được dăm chục tấm mền là bà lại đưa đi tặng người nghèo. Hễ nghe tin ở đâu cần mền, ở đâu mới vừa trải qua mưa bão, lũ lụt là bà lại góp mền gửi tặng, xem như “của ít lòng nhiều”.

Gần 80 tuổi, giờ đây mắt đã mờ, tay đã yếu, lưng đã mỏi nhưng bà Phan Thị Ngọc vẫn chưa muốn nghỉ may. “Có những ngày mình may một hơi được 2-3 cái mền luôn. May xong thấy vui quá quên hết cả đau lưng”, đôi mắt bà lấp lánh ánh cười. 

Theo bà Hợp, không chỉ may mền tặng người nghèo,  bà Ngọc còn âm thầm tích cóp những đồng lương hưu ít ỏi thường xuyên mua quà tặng những đứa trẻ ở lớp học tình thương trên địa bàn phường, mang tiền cho những bệnh nhân đang điều trị trong Bệnh viện Ung bướu.

Chị Đỗ Thị Kim Phụng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 17, quận Bình Thạnh nhận xét, chính những việc làm thiết thực, bền bỉ và hiệu quả như của bà Ngọc đã truyền cảm hứng cho các hội viên trong Hội và hơn hết là lan tỏa lối sống đẹp trong cộng đồng.

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật