Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cư dân Khu đô thị Thanh Hà vẫn vật lộn trong cảnh thiếu nước, xách xô đi xin từng giọt

  • Bảo An
(DS&PL) -

Hàng nghìn người dân ở KĐT Thanh Hà đã phải trải qua ngày thứ 4 bị cắt nước hoàn toàn, mọi sinh hoạt đảo lộn. Người dân quay quắt trong cảnh thiếu nước giữa lòng Thủ đô, không dám tắm giặt, sử dụng lại nước thải sinh hoạt... chưa biết đến ngày nào mới thoát cảnh này.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) có 23 tòa nhà với khoảng 16.000 dân. Đầu tháng 10, nhiều người phản ảnh nước sinh hoạt tại đây có dấu hiệu ô nhiễm. Hậu quả khiến hàng loạt trường hợp bị bong tróc da, lở loét, mẩn ngứa.

Nhiều cư dân phản ánh tình trạng này tới chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà và lấy mẫu nước đi xét nghiệm.

Người dân Khu đô thị Thanh Hà đã mất nước 4 ngày.

Ngày 10/10, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thông báo kết quả xét nghiệm hàm lượng Amoni trong nước 11,46mg/l, gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.

Sau đó, ngày 13/10, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức họp với đại diện nhiều đơn vị như Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai… cùng đại diện cư dân khu đô thị Thanh Hà liên quan sự việc sức khỏe người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm nước.

Ông Dương Đình Trình, phó giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà, cho biết trước đây nước sinh hoạt tại khu đô thị Thanh Hà được cung cấp bởi 2 nguồn khác nhau gồm nguồn khai thác ngầm tại nhà máy và nguồn nước mặt sông Đuống.

Người dân xếp hàng chia nhau lấy nước khi có xe chở nước hỗ trợ đến.

Sau buổi làm việc với cơ quan chức năng, Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà đã dừng việc cấp nước từ nguồn khai thác nước ngầm tại nhà máy. Toàn khu đô thị chỉ còn một nguồn nước là nước mặt sông Đuống, dẫn đến tình trạng thiếu hụt.

Hiện, người dân tại đây đã trải qua 4 ngày bị cắt nước và chưa biết bao giờ được cấp nước trở lại, người dân vẫn quay quắt, tìm mọi phương án để có nguồn nước tạm thời phục vụ những sinh hoạt tối thiểu.

Đôi khi không thể đợi chờ, nhiều hộ gia đình đã phải đầu từ hàng chục bình nước tinh khiết về phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, đặc biệt là những nhà có người bệnh và trẻ nhỏ.

Từ người già đến trẻ nhỏ cũng xếp hàng lấy nước.

Mọi sinh hoạt của người dân đều phải tiết kiệm nước một cách tối đa, nước thải sinh hoạt được người dân tái sử dụng như nước rửa rau dùng để rửa bát, nước rửa bát dùng để xử lý chất thải sinh hoạt, thậm chí nước thải từ điều hòa cũng được tái sử dụng... Mọi hoạt động tắm giặt đều bị hạn chế, vì mỗi người chỉ được một lượng nước nhỏ để phục vụ nhu cầu cá nhân, nhất là những hộ gia đình đông người. 

Trong nhiều ngày qua, gia đình anh Bùi Đức Cửu (39 tuổi) phải sử dụng bát đũa nhựa dùng 1 lần để ăn cơm, hạn chế việc dùng nước rửa bát. Anh Cửu chia sẻ trên Dân trí, mỗi lần cầm bát cơm nhựa trên tay, anh Cửu bỡ ngỡ, cảm thấy chiếc bát trơn, dễ rơi, nhưng không còn cách nào khác. Thấy hàng xóm dùng màng bọc thực phẩm quấn bát, đũa trước khi ăn, anh nói vợ thử áp dụng, song nhận thấy hơi phức tạp.

"Dùng bát nhựa một lần sẽ ảnh hưởng môi trường, nhưng trong tình cảnh bị cắt nước dài hạn, gia đình tôi bắt buộc dùng tạm để vượt qua giai đoạn khó khăn này", người đàn ông nói.

Để khắc phục, mỗi ngày sau giờ làm, anh Cửu phải đi xin nước sạch từ hàng xóm cách nhà khoảng 1km. Mỗi lần xách được xô nước lên nhà, anh đau nhức cơ thể, mồ hôi nhễ nhại, "thế là lại tốn nước cho một lần tắm nữa".

"Chúng tôi quá vất vả, đặc biệt người già và trẻ nhỏ, đều phải xách xô, chậu đi xin từng giọt nước. Nhiều khi thấy cư dân cực khổ, tôi cho họ phần nước của mình luôn", anh kể.

Người dân quay quắt tìm cách có được nguồn nước sinh hoạt.

Để giải quyết "cơn khủng hoảng nước" trước mắt, hàng nghìn cư dân tại khu đô thị Thanh Hà quyết định góp tiền, mua những xe nước mang đến sảnh chung cư, sau đó chia cho nhau như "thời bao cấp". Ông Phan Minh Châu (tòa HH03A-B1.3, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4) cho biết mỗi xe nước 5m3 có giá 1,2 triệu đồng. Sau khi đàm phán, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông hỗ trợ tiền nước, cư dân chi trả 600.000 đồng tiền thuê xe chở.

Từ khoảng 21h ngày 15/10, khi xe bồn chở nước về tới sân chung cư, cư dân từ các tòa nhà đồng loạt chạy xuống, có cả người già, phụ nữ và trẻ em.

Trên tay họ là xô, chậu hoặc bất cứ vật dụng gì có thể đựng được nước. 2 vòi xả nước của xe bồn luôn chật kín cư dân vây quanh để chờ đến lượt. "Họ thức xuyên đêm, kiên nhẫn xếp hàng. Nhiều người chờ đến lượt thì nước đã cạn, vội sang nhà người thân ở tạm trong đêm", ông Châu nói.

Người dân KĐT Thanh Hà chưa biết bao giờ được cấp nước trở lại.

Những ngày qua, người dân KĐT Thanh Hà cũng nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng khi các nhà hảo tâm đã hỗ trợ một số xe nước miễn phí đến người dân. Mỗi lần xe nước đến, người dân lại có thêm chút hy vọng, từ người già đến trẻ em, ai có gì có thể chứa được nước đều mang ra chia sẻ từng giọt nước.

Trong tối 17/10, hơn 10 xe bồn chở nước sạch miễn phí, chứa từ 5 đến 10m3 nước/xe, đã liên tiếp được điều động đến khu đô thị, tỏa ra các tòa nhà - nơi hàng nghìn cư dân đã đứng đợi sẵn.

Bà Phương Hoa (một cư dân) nhận thông báo từ trưởng tầng, nói sẽ có những xe nước sạch của các mạnh thường quân đến "giải cứu" cư dân, đã xuống sảnh ngồi đợi xe nước tới: "Tôi vừa xúc động vừa phấn khởi", bà Hoa chia sẻ.

"Những lúc khó khăn mới thấy tình người, lòng tốt của cộng đồng thật đáng quý và đáng trân trọng", một cư dân khác xúc động trước sự chia sẻ của cộng đồng.

Ngoài các mạnh thường quân, một số cư dân cũng đã tự bỏ tiền riêng, đóng góp mua các xe nước sạch hỗ trợ hàng xóm như trường hợp của anh Quốc Bình, anh hy vọng hành động nhỏ của bản thân và các mạnh thường quân sẽ góp phần tác động cơ quan chức năng sớm giải quyết vấn đề thiếu nước sạch cho người dân. Đây cũng là nguyện vọng của hơn 30.000 cư dân tại khu đô thị Thanh Hà - họ khát khao được dùng "nước sạch đúng nghĩa".

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật