Thời gian vừa qua, xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến việc một doanh nghiệp lữ hành tại TP Nha Trang, Khánh Hòa bị tố cáo đòi tiền bảo kê đối với doanh nghiệp nước ngoài khi họ hợp tác và khai thác dịch vụ du lịch tại đây.
Cụ thể, một doanh nhân Trung Quốc tên Wang Tao đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng cho rằng Cty Silent Bay gây sức ép và ra giá 500 ngàn USD đối với Yang Zhi Ming - doanh nhân điều hành công ty con trực thuộc doanh nghiệp ông Wang Tao.
Ông Yang Zhi Ming trong buổi tiếp xúc với phóng viên. |
Phóng viên (PV) Pháp luật Plus đã tìm hiểu thì được biết, vào cuối năm 2015, ông Yang Zhi Ming và công ty Silent Bay đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ lữ hành du lịch. Theo nội dung chính của hợp đồng, Silent Bay cung cấp các dịch vụ lữ hành như khách sạn, du lịch, nhà hàng, các dịch vụ lưu trú, đi lại cho du khách mà Yang đưa tới Việt Nam; xúc tiến và liên hệ với cơ quan chức năng để làm thủ tục pháp lý cho ông Yang và nhân viên hỗ trợ tour, phiên dịch làm việc tại Việt Nam...
Cũng theo Hợp đồng, ông Yang và Silent Bay cam kết đưa vào Nha Trang 300 ngàn lượt du khách. Trên cơ sở doanh thu từ hợp đồng cho việc xúc tiến thuê khách sạn, nhà hàng, dịch vụ mặt đất, xe đưa đón...Silent Bay được nhận số tiền hơn 10 tỷ đồng/năm.
Trước thông tin về việc ông Yang Zhi Ming bị đại diện công ty Silent Bay gây sức ép để “ra giá” 500 ngàn USD cho việc “bảo kê” hoạt động tại Việt Nam, PV đã liên hệ và có buổi làm việc với ông Yang Zhi Ming.
Sau khi nghe PV hỏi thông tin về việc bị đòi tiền “bảo kê” 500 ngàn USD thì ông Yang Zhi Ming bất ngờ cười lớn và khẳng định, hiện tại ông và Silent Bay đang hợp tác rất tốt, rất thân thiết và hoàn toàn thiện chí.
Kể chi tiết hơn về quá trình hợp tác của mình với Silent Bay, ông Yang Zhi Ming cho biết, ông là tổng giám đốc của công ty du lịch Zhi Tu Trùng Khánh (Trung Quốc). “Từ tháng 11 năm 2015, tôi bắt đầu triển khai ý tưởng đưa khách Trung Quốc đến du lịch tại Nha Trang. Lúc đó, tôi tìm đến công ty Paradise Bay (Địa chỉ: Số 12B đường Hùng Vương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), trong quá trình hợp tác, tôi nhận thấy rằng công ty Paradise Bay cung cấp cho tôi những dịch vụ không thật sự tốt về xe, nhà hàng và khách sạn, hơn nữa cũng không có đủ tư cách pháp nhân để đón du khách nước ngoài do không có giấy phép lữ hành quốc tế, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của chúng tôi và gây ra những tổn thất nhất định”
“Do gặp trở ngại trong hợp tác với công ty Paradise Bay, thì sau một thời gian tìm hiểu tôi biết đến công ty Silent Bay, tôi có bàn bạc với người phụ trách và hai bên đi đến thống nhất cùng hợp tác để đón du khách, và kí kết hợp đồng hợp tác. Trong hợp đồng có thể hiện rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của hai bên
Giải thích về nguyên do của lá đơn mà ông Wang Tao gửi các cơ quan chức năng tố cáo công ty Silent Bay đòi “tiền bảo kê”, ông Yang cho rằng câu chuyện xuất phát từ những hiểu nhầm trong cuộc trao đổi giữa ông Wang và đại diện của công ty Silent Bay. Khi đó, sau khi biết chúng tôi hợp tác với công ty Silent Bay thì phía công ty Paradise Bay vẫn chèo kéo chúng tôi quay lại hợp tác với họ. Ông Wang Tao cùng đại diện công ty Silent Bay đã trao đổi với nhau về chuyện này, và vị đại diện có nói là nếu dừng hợp đồng với Silent Bay thì phía Công ty của Wang Tao sẽ phải đền bù theo hợp đồng đã ký. Câu chuyện này do phiên dịch dịch không sát ý đã dẫn tới việc ông Wang hiểu nhầm chữ đền bù hợp đồng thành “phí bảo hộ”.
Chia sẻ thêm về tình hình hợp tác hiện nay ông Yang cho hay: "lá đơn trên đã được ông Wang gửi cho chính quyền sở tại từ đầu tháng 2/2016, thế nhưng không hiểu tại sao đến lúc này nó lại được công bố. Điều nực cười là hiện chúng tôi và phía Silent Bay đều đang hợp tác rất tốt đẹp và tôi cũng đã quên câu chuyện về những hiểu nhầm hồi đầu năm. Trong quá trình hợp tác giữa chúng tôi và công ty Silent Bay, hiệu quả kinh doanh vượt ngoài mức kỳ vọng của bản thân tôi và công ty Silent Bay. Ví dụ như: công ty Silent Bay cung cấp rất nhiều dịch vụ tốt về các mảng khách sạn, xe, nhà hàng… với giá cả hợp lý, hơn nữa du khách cũng hết sức hài lòng".
Cần làm rõ những động cơ đằng sau vụ việc
Trao đổi với ông Yang về thông tin gần 90 lao động Trung Quốc bị cho là lao động trái phép tại Nha Trang thì ông Yang cho hay, những lao động này khi vào Việt Nam là từ khoảng tháng 11/2015, họ vào để làm việc cho công ty Paradise Bay chứ không phải công ty Silent Bay cho nên các cơ quan chức năng cần làm rõ việc này, tránh để xảy ra việc thông tin thất thiệt sai lệch bản chất sự việc.
Ông Lê Anh Đức, lãnh đạo Paradise Bay (người đánh dấu O) bị tố không có giấy phép lữ hành quốc tế và đưa gần 90 lao động nước ngoài vào Việt Nam trái phép. |
Ngoài ra trong thời gian mới về Việt Nam hợp tác vào cuối năm 2015, tôi và ông Wang Tao còn được ông Đức - lãnh đạo công ty Paradise Bay dẫn đi gặp gỡ một số lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa để bàn bạc về việc hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Tôi không biết ông Đức có quan hệ thế nào với các lãnh đạo này ?
Kết thúc buổi làm việc ông Yang cũng nhận định rất có thể việc xuất hiện thông tin tố cáo Công ty Silent Bay là một chiêu bài của các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh muốn phá hoại để sau đó hưởng lợi. Tôi khẩn thiết kiến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam vào cuộc làm rõ để bảo vệ cho những doanh nhân nước ngoài chúng tôi có điều kiện được mở rộng đầu tư tại Việt Nam, cùng tạo ra môi trường đầu tư công bằng, lành mạnh.
Để có thông tin rõ hơn về sự việc PV đã liên hệ với vị đại diện Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa thì được thông tin cho biết, hiện UBND tỉnh Khánh Hòa đang xử lý và sắp tới sẽ có thông báo về việc giải quyết vụ việc này.
Được biết, ông Lê Anh Đức là người đại diện theo pháp luật của công ty Paradise Bay, cũng là người liên quan đến dự án cá tầm và nhiều dự án bất động sản tai tiếng tại TP Nha Trang.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo Phạm Khoa
Nguồn: Pháp luật Plus
[mecloud]JqFeMEQ7jV[/mecloud]