Quý I/2024, Bộ Công an đã chỉ đạo CSGT, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông.
Trong đó, trên đường bộ, tiếp tục xử lý vi phạm theo 5 nhóm chuyên đề: Chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”; Chuyên đề “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”; Chuyên đề “cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”; Chuyên đề “vi phạm tốc độ”; Chuyên đề “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện”.
Tập trung kiểm soát, xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn, để làm giảm tai nạn giao thông, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” trong nhân dân. Ngoài ra, tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống, đua xe trái phép; tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện,...
Đội CSGT đường bộ số 6, phòng CSGT Công an TP.Hà Nội tăng cường xử lý các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT
Trên đường sắt, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quy tắc giao thông tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường sắt; nhân viên đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp, sử dụng rượu bia khi lên ban;...
Trên đường thủy, tập trung xử lý vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật, hoán cải, sửa chữa phương tiện; các vi phạm quy định về hoạt động của thuyền viên, người lái phương tiện, chủ phương tiện, phương tiện; vi phạm quy định về quản lý, khai thác cảng, bến thủy;...
Ủy ban ATGT cho biết trong quý I/2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1.035.240 trường hợp vi phạm TTATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 2.041 tỷ 467 triệu đồng, tước 206.468 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 373.545 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2023, xử lý tăng 285.135 trường hợp (tăng 38,01%), tiền phạt tăng 675 tỷ 396,4 triệu đồng (tăng 49,44%).
Trong đó, có 275.165 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 22,23% các hành vi vi phạm); 1.587 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,13% các hành vi vi phạm); 245.707 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép (chiếm 19,85% các hành vi vi phạm); 15.219 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 1,23% các hành vi vi phạm); 6.521 trường hợp chở quá vạch dấu mớn nước an toàn (chiếm 0,53% các hành vi vi phạm); 776 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,06% các hành vi vi phạm);...
Về tình hình tai nạn giao thông, quý I/2024 (tính từ ngày 15/12/2023 - 14/3/2024), theo báo cáo của Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, toàn quốc xảy ra 6.550 vụ, làm chết 2.723 người, bị thương 5.246 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.194 vụ (tăng 22,3%), giảm 484 người chết (giảm 15,1%), tăng 1.847 người bị thương (tăng 54,3%).
Trong đó đường bộ xảy ra 6.496 vụ, làm chết 2.686 người, bị thương 5.239 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.179 vụ, giảm 490 người chết, tăng 1.845 người bị thương. Trong đó, có 6 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 22 người, bị thương 4 người.
Đường sắt xảy ra 40 vụ, làm chết 30 người, bị thương 5 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 11 vụ, tăng 9 người chết; Đường thuỷ xảy ra 14 vụ, làm chết 7 người, bị thương 2 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 4 vụ, giảm 3 người chết, tăng 2 người bị thương; Hàng hải xảy ra 2 vụ, không có thiệt hại về người. So với cùng kỳ giảm 1 vụ (giảm 33,33%), giảm 2 người chết và mất tích (giảm 100%), số người bị thương không thay đổi.
Về lĩnh vực hàng không dân dụng, đã nhận được 46 báo cáo an toàn bắt buộc (Mandatory Occurrence Report), xảy ra 23 sự cố mức D (sự cố uy hiếp an toàn), không xảy ra sự cố nghiêm trọng/ tai nạn. So với cùng kỳ năm ngoái giảm đáng kể các số liệu về sự cố.
Quý II/2024, Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu về các vấn đề nổi cộm trong công tác bảo đảm TTATGT, trên cơ sở đó tham mưu, kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình mới.
Yêu cầu các địa phương có tai nạn giao thông tăng trong quý I có báo cáo chuyên sâu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả để khắc phục, kéo giảm tai nạn giao thông trong quý II và cả năm 2024.
Tổ chức đoàn kiểm tra của Uỷ ban ATGT Quốc gia tại một số địa phương có tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, tăng cao trong 3 tháng đầu năm 2024.
Uỷ ban ATGT Quốc gia đề nghị Bộ GTVT tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 (theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025); và các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên kiểm soát tải trọng phương tiện; tăng cường xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết sẽ tiến hành kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của các địa bàn để xảy ra tai nạn giao thông tăng
Tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT gắn với chủ đề của Năm An toàn giao thông 2024 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn của người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh; ưu tiên sơn kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, đèn chiếu sáng tại các nút giao đông dân cư; đối với các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm rà soát tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường cứu nạn.
Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa lũ; đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa, thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra luồng tuyến, điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu phù hợp với tình hình luồng tuyến nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông. Trong đó chú trọng kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến luồng đường thủy nội địa.
Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị Bộ Công an tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT. Đồng thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và triển khai thực hiện.
Hoàn thiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình, kế hoạch đề ra, trọng tâm là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về “Thí điểm đấu giá biển số xe ô tô”.
Chỉ đạo lực lượng CSGT tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác này. Sử dụng triệt để các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát để ghi hình, phát hiện xử lý vi phạm và quản lý công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm công khai, minh bạch.
Xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông, trong đó tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát, kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải trọng, “cơi nới” thành, thùng...
Duy trì thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của lực lượng Công an trong lĩnh giao thông và hoàn thành dịch vụ thu nộp tiền phạt vi phạm hành chính trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm giao thông” và các dự án thành phần theo lộ trình. Hoàn thiện kết nối, chia sẻ dữ liệu an toàn giao thông với một số đơn vị trong và ngoài ngành Công an. Chia sẻ kết quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cho ứng dụng VneID.
Phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, xây dựng phương án tổ chức lại giao thông phù hợp tình hình thực tiễn, kiến nghị giải quyết các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.