Nhật Bản mất 138 tỉ USD mỗi năm do nguy cơ tử vong cao, cũng như sự sụt giảm năng suất lao động liên quan đến tình trạng thiếu ngủ.
Hình ảnh ngủ gật tại nơi công cộng từ lâu đã không còn xa lạ ở Nhật Bản. Ảnh: Adrian Storey |
Theo Guardian, một số thống kê cho thấy tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ ở người lao động đang khiến nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại 138 tỷ USD mỗi năm. Nhiều công ty đã có các biện pháp nhằm khích lệ nhân viên chợp mắt trong giờ làm việc, thậm chí đưa hoạt động nghỉ ngơi vào một phần trong công việc.
Các công ty khởi nghiệp công nghệ là những “người tiên phong” khi nhanh chóng chỉ ra rằng những nhân viên thiếu ngủ không khác gì những đồng nghiệp khó chịu hay làm việc thiếu hiệu quả.
Năm ngoái, Nextbeat, một công ty công nghệ thông tin, đã tạo ra 2 “căn phòng nghỉ ngơi chiến lược”, một cho nữ, một cho nam trong trụ sở ở Tokyo. Những căn phòng được bài trí dễ chịu, tràn ngập hương thơm và đặc biệt cách âm là nơi lý tưởng để các nhân viên công ty chợp mắt, ngả lưng trên những chiếc ghế sofa. Điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị kỹ thuật như máy tính xách tay đều bị cấm.
“Một giấc ngủ ngắn tuy ngắn nhưng có thể mang lại những tác dụng với sức khỏe ngang bằng với các chế độ ăn kiêng hoặc việc tập thể dục”, Emiko Sumikawa, thành viên hội đồng quản trị của Nextbeat, trả lời hãng thông tấn Kyodo.
92,6% người Nhật trên 20 tuổi ngủ khong đủ giấc. Ảnh: Adrian Storey |
Nextbeat cũng yêu cầu nhân viên phải về nhà trước 9h tối, không được làm quá giờ tới tận khuya, nhằm giảm thiểu vấn nạn “chết trên bàn làm việc” (karoshi), thuật ngữ ám chỉ hiện tượng làm việc kiệt sức trong môi trường căng thẳng lâu ngày dẫn tới tử vong.
Khác với Nextbeat, công ty tổ chức tiệc cưới Crazy thậm chí còn hứa tặng tiền nhân viên có cơ chế nghỉ ngơi hợp lý. Họ thưởng điểm cho các nhân viên ngủ ít nhất 6h mỗi đêm. Điểm này có thể quy đổi thành tiền mua đồ ăn và café trong căng-tin của công ty. Crazy theo dõi các nhân viên nghỉ ngơi thông qua ứng dụng và những người này có thể tích lũy được số tiền tương đương 588 USD/năm.
Một khảo sát thực hiện trên 28 quốc gia cho thấy người Nhật Bản chỉ ngủ trung bình 6 giờ 35 phút mỗi ngày, ít hơn 45 phút so với con số trung bình trên thế giới, khiến Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia thiếu ngủ nhất thế giới.
Một khảo sát của công ty sản phẩm y tế Fuji Ryoki cho thấy 92,6% người Nhật trên 20 tuổi nói rằng họ không ngủ đủ giấc.
Bên cạnh 8 tiếng hành chính thông thường, thống kê cho thấy 1/4 người lao động Nhật Bản làm thêm trên 80 tiếng 1 tháng, gấp gần 3 lần mức tiêu chuẩn ở nhiều quốc gia khác.
Mỗi năm tại Nhật Bản có tới gần 2.000 ca tử vong có liên quan đến công việc, chủ yếu do đột quỵ, đau tim, trầm cảm và tự tử. Cứ 5 người lao động có 1 người nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức.
Hệ quả của của một xã hội quá khắc nghiệt. Ảnh: Getty |
Truyền thống làm việc ngoài giờ tại Nhật bắt đầu vào những năm 70 của thế kỷ trước - khi mức lương của người lao động tại quốc gia này tương đối thấp và họ muốn tối đa hóa thu nhập của mình.
Đến những năm bùng nổ kinh tế vào thập niên 80, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, văn hóa làm việc nhiều giờ trong tuần vẫn được duy trì.
Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế - tài chính, vào cuối những năm 90, các công ty bắt đầu tái cơ cấu. Sức ép vô cùng lớn, các nhân viên ở lại làm việc ngoài giờ để không bị sa thải. Nhiều người lao động cố tỏ ra vui vẻ với việc làm thêm giờ vì sợ bị đánh giá về tinh thần, thái độ làm việc và dần dần đây trở thành một "văn hóa làm việc" dẫn đến hiện tượng Karoshi.
Số liệu thống kê mới công bố cho thấy tỷ lệ người trẻ tự tử ở Nhật đang ở mức cao nhất trong 30 năm qua, trong đó áp lực quá lớn từ công việc được cho là một trong những nguồn cơn chính. Nhằm giúp người lao động có thể có nhiều thời gian cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giảm thiểu tỷ lệ tử vong vì làm việc quá sức, Chính phủ Nhật Bản đã hạ mục tiêu sẽ giảm 30% số vụ tự tử trong 10 năm tới.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)