Mối đe dọa khủng bố đương đại đang thay đổi, tác động nguy hiểm hơn bằng các công nghệ mới hiện đại, khiến những kẻ cực đoan trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều.
Những kẻ khủng bố ngày càng nguy hiểm hơn. Ảnh: Getty |
Vào tháng 1/2019, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Daniel Coats đã xuất hiện trước Quốc hội nước này để đưa ra đánh giá gần đây nhất về các mối đe dọa trên toàn thế giới. Trong đó, chủ nghĩa khủng bố tiếp tục được xếp hạng là một trong những vấn đề cấp bách nhất. Sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq đã mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống khủng bố: mối đe doạ tồn tại từ tàn dư của IS, sự hồi sinh của mạng lưới toàn cầu al-Qaeda và sự tăng trưởng của các nhóm thánh chiến Sunni ở châu Phi, châu Á và Trung Đông.
Tuy nhiên, ông Coats đã không đề cập trực tiếp đến tác động của những tiến bộ công nghệ, làm cho các nhóm cực đoan kết nối nhiều hơn, dai dẳng hơn và nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Khai thác không gian mạng
Hiện tại, các mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong lĩnh vực không gian mạng vẫn xuất phát từ các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên - nơi có các nguồn lực và nhân lực cần thiết để thực hiện các chiến dịch kỹ thuật được duy trì. Tuy nhiên, ngày càng nhiều các tác nhân đe dọa phi nhà nước xuất hiện, mở rộng sự tinh vi công nghệ và khả năng tấn công không gian mạng.
Một nghiên cứu vào mùa hè 2018 của Viện chống khủng bố quốc tế uy tín của Israel đã cảnh báo rằng các nhóm Hồi giáo cực đoan tăng cường nỗ lực thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào mục tiêu là cơ sở hạ tầng ở các nước phương Tây. Nghiên cứu cảnh báo về khả năng các tổ chức khủng bố có thể tấn công trên Internet, thuê tin tặc cho mục đích này hoặc nhận được hỗ trợ từ các quốc gia bảo trợ khủng bố.
Rất may, mối nguy hiểm này chưa thực sự gây ra hậu quả nghiêm trọng vì khả năng của các nhóm khủng bố chưa đạt tới mức độ chuyên gia. Tuy nhiên, các cuộc tấn công quy mô nhỏ hơn hiện đang nằm trong khả năng của chúng và tác động có thể vừa kịch tính vừa gây rối. Thông qua các kỹ thuật như ransomware, những kẻ khủng bố có được khả năng tác động đáng kể đến hoạt động chăm sóc sức khỏe, viễn thông và vận tải của một số quốc gia.
Vũ khí hóa phương tiện kỹ thuật số
Những kẻ khủng bố sử dụng công nghệ để liên lạc, tuyên truyền. Ảnh minh hoạ: Getty |
Đồng thời, những kẻ cực đoan cũng đang hoàn thiện việc khai thác phương tiện kỹ thuật số của chúng để tạo ra một thông điệp toàn cầu lâu dài và cộng hưởng.
Trọng tâm như vậy không phải là mới. Từ năm 2002, trùm khủng bố Osama bin Laden đã xác định chiến tranh truyền thông của người Hồi giáo là một trong những phương pháp mạnh nhất để truyền bá tầm nhìn của al-Qaeda. Tuy nhiên, sự thao túng truyền thông thực sự đã được tiên phong bởi tổ chức kế nhiệm và đối thủ tư tưởng của al-Qaeda là IS. Kể từ khi nổi lên vào năm 2014, IS đã thành công trong việc tạo ra một gói phương tiện truyền thông toàn diện, có khả năng mở rộng đáng kể “sức hấp dẫn” cực đoan.
Chúng tuyển mộ những người ủng hộ vào thực hiện các nhiệm vụ, cổ suý cực đoan, làm suy yếu tính hợp pháp và quyền lực của phương Tây. Phạm vi của nỗ lực truyền thông IS là rất lớn và vẫn chưa được phương Tây giải quyết đúng đắn. Vào thời kỳ đỉnh cao của hoạt động truyền thông vào năm 2014, ước tính có khoảng 50.000 tài khoản ủng hộ IS chỉ hoạt động trên nền tảng truyền thông xã hội Twitter.
Trong cuốn sách Chiến tranh thế giới số, học giả truyền thông Haroon Ullah lưu ý rằng những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số và sự phát triển của các nền tảng truyền thông xã hội đã “làm phẳng” một cách hiệu quả chiến trường trí tuệ, và mang lại cho các nhóm am hiểu công nghệ khả năng chiến đấu thiện chiến hơn nhiều.
Truyền thông giúp các nhóm khủng bố an toàn hơn
Công nghệ cũng đang cải thiện hiệu quả hoạt động của các nhóm khủng bố, bằng cách giúp chúng che giấu các liên hệ, kế hoạch và phối hợp tốt hơn với nhau.
Một “thế hệ” ứng dụng trò chuyện mới như Telegram, Signal và WhatsApp hiện đang sử dụng mã hóa đầu cuối, tạo ra các tin nhắn an toàn cho người sử dụng nhưng lại khó khăn hơn nhiều đối với các cơ quan thực thi pháp luật muốn điều tra. Đồng thời, ẩn danh lưu lượng truy cập internet thông qua các dịch vụ như TOR cho phép các cá nhân truy cập và/hoặc tải xuống nội dung trực tuyến mà không để lại dấu vết. Các công nghệ khác, như điện thoại ghi đĩa hoặc ổ đĩa flash trực tiếp hiện cung cấp cho nghi phạm nhiều quyền tự do giao tiếp và lấy dữ liệu một cách bí mật.
Khai thác tự động hóa
Cuối cùng, tiến bộ công nghệ đang mở rộng tính linh hoạt và tính sát thương của các hoạt động trên chiến trường khủng bố. Đáng chú ý nhất là ứng dụng trong lĩnh vực hệ thống không người lái. Trong những năm gần đây, khi công nghệ không người lái đã trở nên phổ biến trên toàn cầu, nhiều nhóm khủng bố đã trở thành người tiêu dùng lớn.
Trong các hoạt động chiến đấu ở Syria năm 2017, Mỹ và các liên minh đã phát hiện ra rằng IS tích lũy một lượng cực lớn các thiết bị không người lái có giá trị thương mại tương đối rẻ, cho phép thực hiện các hoạt động trên không và tấn công, cũng như trinh sát và giám sát. Kể từ đó, những kẻ khác đã làm theo. Một loạt các nhóm cực đoan, từ các phe phái Hồi giáo ở Libya đến phiến quân Yemen Houthi đều nỗ lực tìm cách mua máy bay không người lái thương mại cho cả ứng dụng tình báo và quân sự.
Công nghệ không người lại có thể chỉ là khởi đầu. Trong tương lai, các chuyên gia cảnh báo những kẻ khủng bố cũng có thể thích nghi để khai thác sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng nó để cải thiện hoạt động của các hệ thống không người lái và phân biệt mục tiêu hiệu quả hơn thông qua “bản đồ truyền thông xã hội”. AI cũng có thể cải thiện hiệu quả của tài trợ khủng bố thông qua tự động hóa.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo National Interest)