(ĐSPL) - Phổi heo dùng để làm khô bò đang bốc mùi thum thủm, đầy ruồi nhặng bu bám. Bà Rương cho biết những phổi heo này mua ở các chợ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch...
Tin tức trên báo Kiến thức, sau nhiều ngày theo dõi, ngày 30/10, đoàn liên ngành huyện Bình Chánh bất ngờ kiểm tra địa chỉ 148C/6 ấp 3, xã An Phú Tây do bà Thạch Thị Sa Rương thuê để chế biến khô bò trái phép.
Đoàn kiểm tra ghi nhận nơi đây là khu đất chật chội, đầy rác rến, nước đọng. Bên trong khu vực sản xuất, nồi nhôm, thau nhựa dơ dáy để đầy trên nền đất. Gần đó, một thau nhựa màu đỏ cáu bẩn đựng đầy khô bò thành phẩm. Không chỉ vậy khô bò còn nằm rơi vãi trên nền đất.
Thấy một nồi nhôm to đang sôi sùng sục, một thành viên trong đoàn kiểm tra đi tới và mở nắp. Một mùi hôi bốc lên, tỏa ra chung quanh khiến mọi người bịt mũi. Sau khi xem kỹ, nhân viên ghi nhận thứ đang được luộc trong nồi nhôm là phổi heo. Tìm xung quanh lại thấy một thau đựng đầy phổi heo chưa luộc đang bốc mùi thum thủm, đầy ruồi nhặng bu bám. Bà Rương cho biết những phổi heo này mua ở các chợ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Phổi heo, nguyên liệu để làm khô bò đang được luộc chín và bao chất bảo quản in toàn tiếng nước ngoài, không chứng từ. (Ảnh do Thú y huyện Bình Chánh cung cấp) |
Điều đáng quan tâm là đoàn kiểm tra thu được nhiều chai nhựa đựng một loại nước đen, thơm mùi thịt bò. Cạnh đó là một bao nhỏ in tiếng nước ngoài, bên trong đựng thứ bột màu trắng. Một chiếc nồi nhôm cạnh bên chứa một thứ nước sền sệt màu đen còn bốc khói.
Cách chế biến khô bò được bà Rương mô tả: Pha màu, hương bò (loại nước đựng trong chai nhựa) với chất bảo quản (đựng trong bao nhỏ) rồi nấu lên. Phổi heo sau khi luộc được nhúng vô nồi nước gồm màu, hương bò và chất bảo quản để thơm mùi bò và sử dụng được lâu. “Màu, hương bò và chất bảo quản tôi mua lại của người quen nên không có giấy tờ, chứng từ. Khô bò thành phẩm tôi bỏ mối cho mấy người bán gỏi đu đủ và tiểu thương trong chợ với giá khoảng 30.000 đồng/kg” - bà Rương nói.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận tổng cộng 47 kg khô bò thành phẩm, 31 kg phổi heo đang luộc và 27 kg phổi heo tươi. Bà Rương không đưa ra bất kỳ giấy tờ, chứng từ liên quan hoạt động sản xuất khô bò. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu khô bò thành phẩm, hương bò, chất bảo quản để xét nghiệm. Tuy nhiên, sau đó bà Rương thừa nhận hành vi sai phạm và tự nguyện làm đơn xin tiêu hủy toàn bộ khô bò thành phẩm, phổi heo, hương bò và chất bảo quản. Bà Rương cũng chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy.
Trước đó, thông tin trên báo Người lao động, khoảng giữa tháng 8/2014, Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh – TP HCM phối hợp với lực lượng công an và UBND xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh kiểm tra nhà không số, cạnh địa chỉ D19/13 tổ 19 Ấp 4 xã Tân Kiên, đã phát hiện “lò” chế biến khô bò đen không phép trong điều kiện rất mất vệ sinh.
Khô bò đen được chế biến từ phổi heo trong điều kiện mất vệ sinh. (Ảnh: Người lao động) |
Chủ hàng là ông Sơn Chiều (quê Trà Vinh) khai đã hoạt động chế biến thực phẩm tại đây khoảng 1 tháng nay, mỗi tuần giao từ 40 – 50 kg thành phẩm khô bò đen dạng xá cho các mối sỉ tại Bình Tây (quận 6) với giá 40.000 đồng/kg.
Khô bò đen này sau đó được bán lẻ lại cho cho các điểm bán bánh tráng trộn địa bàn TP. Đây hiện là món ăn vặt khoái khẩu của rất nhiều người.
Ông Sơn Chiều cho biết nguyên liệu để làm ra khô bò chủ yếu là phổi heo và các phế phẩm động vật khác. Tất cả đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Các công đoạn sơ chế, chế biến được làm trực tiếp trên nền nhà tạm bợ không đảm bảo vệ sinh. Phổi heo trong quá trình chế biến được phơi dọc hàng rào quanh nhà, mặc cho ruồi nhặng bám đầy bề mặt.
Chưa hết, khi ra thành phẩm, “khô bò đen” không thùng chứa đựng mà để trực tiếp trên nền nhà có nhiều động vật (chó, gà) qua lại.
Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, bản thân phổi heo không tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều cholesterol. Sử dụng phổi heo biến chất để chế biến thực phẩm không có giá trị dinh dưỡng, thêm hóa chất không rõ nguồn gốc càng dễ có nguy cơ gây ngộ độc cho người dùng, thậm chí nguy hại đến gan, thận.
Trên báo Người lao động, TS-BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cũng cho biết, các loại “đặc sản” bình dân như "khô bò đen" có điểm chung là giá rất rẻ. Ai cũng biết là những nguyên liệu như tôm, thịt bò, heo, mực đều đắt tiền. Do đó, một là, người sản xuất dùng nguyên liệu giả; hai là, hàng thật nhưng là loại phế thải.
Để xử lý các nguyên liệu này, người ta phải dùng rất nhiều loại hóa chất độc hại ở tất cả các công đoạn sản xuất như ngâm, tẩy, rửa, tẩm ướp, bảo quản. TS-BS Ký nhấn mạnh bí quyết của những món ăn này chính là các loại gia vị tạo cảm giác thèm ăn, càng ăn lại càng thấy ngon. Gia vị, phụ gia có loại được phép dùng, có loại cấm nhưng chắc chắn những nơi sản xuất không đăng ký sẽ dùng loại cấm để tiết giảm chi phí và đều là những chất độc hại cho người dùng.
Khi ăn các loại “đặc sản” vỉa hè này, nếu bị tiêu chảy là may vì độc chất được tống ra ngoài. Còn không, chúng sẽ được tích tụ trong cơ thể, đến một ngày bùng phát ra thì không thể cứu chữa được vì ung thư, suy gan, thận mạn tính...
“Trước đây, các loại “đặc sản” bình dân thường chỉ đắt hàng ở các khu công nghiệp, trường học, nơi có thu nhập thấp, nay đến dân công sở có kiến thức nhất định cũng ghiền” - TS-BS Ký nói.
AN NHIÊN (Tổng hợp)