Sự việc xảy ra tại một ngôi làng ở Lôi Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Nhà của nam sinh tên Cao Chiến có 4 người con, cậu là con út. Trước cậu có hai anh trai và một chị gái đều thi trượt đại học và phải đi làm từ sớm. Nam sinh ở nhà sống với bố mẹ, khi bố mẹ đi làm rẫy cậu sẽ làm việc nhà, nấu ăn và đợi bố mẹ về sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Cao Chiến từ khi học tiểu học đã có thành tích xuất sắc, được đánh giá thông minh hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa. Gia đình không giàu có nhưng bố mẹ cậu rất coi trọng việc giáo dục các con, sẵn sàng chịu khổ để con có điều kiện học tập tốt nhất.
Nhưng điều này lại khiến Cao Chiến gặp rất nhiều áp lực trong việc học hành. Sau khi vào cấp 2, điểm của anh liên tục sa sút và cũng không cải thiện hơn khi lên cấp 3, nhưng vì bố mẹ kỳ vọng quá nhiều nên mỗi khi bị điểm kém, anh lại giấu giếm và nói với bố rằng mình đã làm rất tốt trong các kỳ thi.
Vào ngày đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2020, mẹ anh đã dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho anh, sau đó bố đạp xe chở anh đến địa điểm thi. Nhưng trước khi bước vào phòng thi, những lời dặn dò của bố lại khiến Tào Trạm - một người có điểm số không cao trên lớp, càng thêm lo lắng.
Khi biết con trai mình đỗ đại học, bố Cao chiến rất vui mừng, hãnh diện. Ảnh: Sohu.
Dù biết rằng mình sẽ không được điểm cao trong kỳ thi đại học, nhưng anh không muốn làm bố thất vọng nên ngay khi bước ra khỏi phòng thi, Cao Chiến vẫn tự tin khẳng định: "Con thi rất tốt, ĐH Thanh Hoa hay Bắc Kinh đều trong tầm tay”.
Vào ngày bảng xếp hạng được công bố, nam sinh cũng nhìn thấy số điểm thực của mình, chỉ là 235 điểm. Sau khi xem điểm, anh giấu kết quả thực sự của mình và nói dối rằng lần này có thành tích xuất sắc, đạt hơn 700 điểm. Thậm chí, anh còn nói với bố mẹ muốn vào Đại học Thanh Hoa (ngôi trường top đầu Trung Quốc có tỉ lệ chọi vô cùng khắc nghiệt).
Cha mẹ Cao Chiến đều là nông dân, cả đời đều làm ruộng, chỉ nghe nói đến nhà người khác học đại học, lần này con trai mình cũng trúng tuyển nên họ rất vui mừng, hãnh diện. Các sinh viên đại học khác trong làng lần lượt nhận được giấy báo nhập học từ các trường cao đẳng, đại học và Cao Chiến cũng đã nghĩ ra cách để lấp liếm sự dối trá của mình.
Sau đó, anh đã đặt làm giả thư báo nhập học của Đại học Thanh Hoa. Đầu tiên là làm giả thông báo qua email, sau đó là làm giả giấy báo nhập học. Khỏi phải nói bố mẹ Cao vui tới mức nào. Ông bà ngay lập tức chụp ảnh cùng con trai khoe giấy báo nhập học rồi gửi hết cho người thân, bạn bè việc con mình trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa.
Bố Cao Chiến sau đó mở tiệc chiêu đãi cả làng, khu phố khi ấy nhộn nhịp như đón năm mới. Cao Chiến định ngăn lại với lý do tiệc tốn kém nhưng không được nên chỉ lặng lẽ đứng một góc, khuôn mặt u ám, không nói một lời.
Bởi vì không có ai trong thôn từng được nhận vào trường nên trưởng thôn muốn xem kỹ thư báo nhập học Đại học Thanh Hoa của Cao Chiến. Tuy nhiên sau đó trưởng thôn càng đọc càng cảm thấy kỳ lạ vì trong thư nhập học của Đại học Thanh Hoa lại có lỗi chính tả.
Những vấn đề này hầu như không thể xuất hiện trong giấy báo nhập học của một trường đại học lớn. Khi được nhiều người hỏi nam sinh cũng quanh co không thể giải thích. Điều này chứng minh giấy báo này là giả.
Bữa tiệc đang tổ chức linh đình phải dừng lại, bố Cao Chiến vội vàng đến phòng giáo dục của địa phương cùng cán bộ trong làng.
Kết quả là theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, không có học sinh nào ở địa phương này được nhận vào Đại học Thanh Hoa. Bố Cao Chiến sau đó lại cùng cán bộ phòng giáo dục trở về nhà hỏi con trai và xác minh thông thư nhập học.
Giấy báo nhập học giả của nam sinh họ Cao. Ảnh: Sohu.
Lần này Cao Chiến biết không thể giấu bố thêm nữa nên đã nói sự thật, cán bộ cũng xác nhận đó là giấy báo giả. Mãi đến lúc này ông Cao mới biết điểm thi đại học thật sự của con trai và vốn dĩ lực học của Cao Chiến không tốt như gia đình vẫn nghĩ. Với số điểm này, anh hoàn toàn không thể vào bất kỳ trường đại học nào, thậm chí có thể không vào được trường cao đẳng.
Sau khi biết được sự thật, cả bố mẹ và người thân, bạn bè đến chúc mừng anh đều có chút hụt hẫng, thất vọng. Thậm chí bố của Cao Chiến tức giận đến mức huyết áp lên cao đột ngột, phải nhập viện ngay sau đó.
Cao Chiến cũng tỏ ra vô cùng ăn năn, hối hận. Lúc này mới nói hết với bố mẹ nỗi lòng bản thân sau nhiều năm, bộc bạch rằng sự kỳ vọng quá lớn từ phụ huynh đã khiến cậu phạm sai lầm và nói dối hết năm này qua năm khác chỉ để làm hài lòng gia đình.
Trưởng thôn phát hiện trong thư nhập học của Đại học Thanh Hoa lại có lỗi chính tả. Ảnh: Sohu.
Ở Trung Quốc, việc giả mạo, thay đổi hoặc mua bán công văn, chứng chỉ, giấy xác nhận, con dấu của cơ quan nhà nước, tổ chức nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khác; Mua, bán hoặc sử dụng các công văn, chứng chỉ, chứng nhận giả mạo, sửa đổi của các cơ quan có thể bị tạm giam, phạt tiền thậm chí là phạt tù.
Tuy nhiên, do tác động của sự cố này chỉ là người thân, bạn bè của họ và mục đích không xấu nên nam sinh không bị xử lý hình sự mà chỉ bị phê bình, cảnh cáo.
Trả lời phỏng vấn báo chí, trưởng làng và là người phát hiện giấy báo nhập học giả cũng lên tiếng mong mọi người tha thứ cho Cao Chiến: "Cậu bé đã nhận ra sai lầm của bản thân và chịu áp lực tâm lý. Cao Chiến cảm thấy có lỗi với người thân và bạn bè”.
Về chuyện này, mặc dù việc Cao Chiến lừa bố mẹ là sai, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến việc này là do bố anh đã đặt quá nhiều áp lực lên người con trai của mình, từ đó đã khiến anh lừa dối mọi người và đưa ra quyết định sai lầm.
Như Quỳnh (T/h)