Khi con bị ốm, nhiều mẹ tin vào những bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng khiến bệnh tình của bé càng trở nên nguy kịch. Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không được tự ý chữa bệnh cho trẻ.
Mới đây, tại ĐH Y Dược TP.HCM, các bác sĩ đã ghi nhận trường hợp một cháu bé bị bỏng trên ngực do bà nội hơ lá trầu đắp lên ngực chữa sổ mũi, khò khè.
Khi nhập viện, bé đã bị nhiễm trùng da, bỏng sâu độ 4. Đặc biệt, do bị bỏng quá nặng, trên ngực bé gái để lại một vết sẹo lớn, ảnh hưởng thẩm mỹ khi trưởng thành.
Trước đó, tại BV Nhi đồng 1 – TP.HCM, các bác sĩ cũng cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi phỏng nặng vì đắp nước mắm, đắp lá thuốc không rõ nguồn gốc, cắt lễ khiến da bị phồng rộp, nhiễm trùng.
Có trường hợp đắp tỏi hay quấn tỏi vào lòng bàn chân quá nhiều để chữa ho hoặc tắm với nước bỏ gừng nhưng pha gừng nhiều quá khiến trẻ bị bỏng.
Ngoài ra, cũng có không ít phụ huynh truyền miệng nhau phương pháp chữa bệnh dân gian, dùng lươn hạ sốt. Nhiều mẹ khẳng định đã làm và thấy rất hiệu quả. Lươn để trên người trẻ sẽ hấp thu hết nhiệt giúp trẻ hạ sốt an toàn.
Bác sĩ Nguyễn Lê Huy Anh, khoa Mắt BV quận Thủ Đức, kể từng tiếp nhận một số trường hợp chữa bệnh ở mắt bằng mẹo vặt khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
Đơn cử như trường hợp của bé Phan Hoàng A., 15 ngày tuổi, nhập viện với tình trạng mắt có nhiều chất tiết vàng nhầy, loét giác mạc rộng. Mẹ bé cho biết khi thấy bé chảy ghèn trắng ở mắt, bà của bé nhất quyết nhỏ chanh để tự điều trị cho cháu mà không đi khám.
Bác sĩ Anh còn khuyến cáo các phương pháp truyền miệng như nhỏ sữa, đắp thịt nhái lên mắt đều sai lầm.
Cũng theo đó Lương Y Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cho hay, trong y học cổ truyền có ghi chép lại rất nhiều bài thuốc hạ sốt hiệu quả và an toàn. Nhưng không có một tài liệu nào ghi chép dùng lươn để hạ sốt khi đang sốt cao.
"Trong Đông y lươn là động vật có tính hàn. Dùng hàn để hạ nhiệt độ cao về nguyên lý là đúng, nhưng không ai dùng lươn cho bò lên người để hạ sốt vì nó rất nguy hiểm. Bản thân con lươn sống ở nơi bùn bẩn, trên da mang những nhầy nhớt, cho lên người dính vào da trẻ có thể gây nhiễm trùng da", Lương y Bùi Hồng Minh nói.
"Lươn chỉ được dùng làm thuốc khi đã làm sạch nhầy nhớt, bóp muối. Sau đó, lươn sẽ chế biến thành món ăn khi đó mới hiệu quả", Lương y Bùi Hồng Minh khẳng định.
"Dân gian có nhiều bài thuốc nam, cây cỏ có khả năng hạ sốt rất tốt như rau diếp cá, cỏ nhọ nhồi, má đề, rau má… Tôi khuyên các mẹ khi áp dụng các phương thuốc truyền miệng trị bệnh cho con cần phải cân nhắc. Chỉ cần dùng những cây cỏ đơn giản đã được kiểm chứng hạ sốt an toàn, không cần áp dụng những biện pháp cao siêu", Lương Y Bùi Hồng Minh nói.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN, dùng lươn cho trườn trên người trẻ nhỏ để hạ sốt thực tế chỉ là một mẹo dân gian một số người dùng có thể có hiệu quả nhưng không phải ai dùng cũng được. Về mặt khoa học phương pháp này không có căn cứ, áp dụng cho trẻ nhỏ sẽ rất nguy hiểm.
Qua nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra, các bác sỹ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên tự ý chữa bệnh cho con, đặc biệt là theo phương thức dân gian chưa được kiểm chứng. Khi trẻ có biểu hiện ốm, hãy đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế, để được các bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời.
Mỹ An (T/h)