Theo chuyên trang Đầu tư chứng khoán, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) đã có thông báo giao dịch cổ phiếu của người có liên quan đến người nội bộ.
Cụ thể, bà Hồ Thủy Anh, con gái ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam đăng ký mua 82.186.100 cổ phiếu TCB do nhu cầu cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 25/8 - 19/9/2023, theo phương thức khớp lệnh trên sàn và giao dịch thỏa thuận.
Nếu giao dịch thành công, bà Thủy Anh sẽ nâng sở hữu tại TCB từ 22,47 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,64% lên hơn 104,66 triệu đơn vị, tỷ lệ 2,96%.
Thị giá TCB tăng khoảng 30% từ đầu năm đến nay. Ảnh: FireAnt
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 22/8, cổ phiếu TCB đứng tại mức giá 33.100 đồng/cổ phiếu, tăng 1,1%. Tạm tính theo giá thị trường, bà Thủy Anh sẽ phải chi khoảng 2.720 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu TCB như đã đăng ký. Nếu giao dịch thành công, tài sản của con gái ông Hùng Anh trên sàn chứng khoán sẽ rơi vào gần 3.500 tỷ đồng.
Theo báo Dân trí, bà Hồ Thủy Anh lần đầu đăng ký mua cổ phiếu TCB vào tháng 7/2021. Thời điểm đó, con gái ông Hồ Hùng Anh đã chi khoảng gần 1.200 tỷ đồng để sở hữu 22,47 triệu cổ phần.
Ông Hồ Hùng Anh có 2 người con gái là Hồ Thủy Anh, Hồ Minh Anh và 1 người con trai là Hồ Anh Minh.
Gia đình Chủ tịch Techcombank đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của ngân hàng. Ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương với tỷ lệ sở hữu hơn 1,12%.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ ông Hùng Anh sở hữu hơn 174 triệu cổ phiếu. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ ông Hùng Anh cũng sở hữu hơn 174 triệu cổ phiếu. Con trai ông là Hồ Anh Minh nắm giữ gần 138 triệu cổ phiếu. Bà Nguyễn Hương Liên, em dâu, sở hữu hơn 69 triệu cổ phiếu.
Theo Luật các tổ chức tín dụng, cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ 1 ngân hàng.
Về kết quả kinh doanh, theo báo Tuổi trẻ, 6 tháng đầu năm 2023, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 11,3 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt 18,6 nghìn tỷ đồng - trong đó quý II tiếp tục ghi nhận kết quả từ quý I/2023.
Năm 2023, Ban lãnh đạo Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 22 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, nhà băng này đã hoàn thành 51,3% kế hoạch năm.
Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi cao lần lượt ở mức 8,5% và 6,6% so với đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II tiếp tục duy trì vị thế đầu ngành ở mức 15,1%. Nợ xấu duy trì ở mức 1,07%, thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành ngân hàng.
Chỉ số quan trọng là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã tăng trở lại, đạt gần 35% cuối quý II/2023, đánh dấu sự hồi phục sau bốn quý nghịch chiều. Tiền gửi của khách hàng đạt 381,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Số dư CASA đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước, cho thấy sự phục hồi đáng khích lệ. Tiền gửi có kỳ hạn đạt 248,6 nghìn tỷ đồng, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm
Tổng tài sản của Techcombank đạt 732,5 nghìn tỷ đồng tại ngày 30/6/2023, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng tăng trưởng 8,5% so với đầu năm, đạt ngưỡng 482,2 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tiếp tục duy trì ở mức thấp trong ngành 1,07%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh ở mức 115,8%.
Nợ xấu tăng nhẹ chủ yếu từ nhóm khách hàng bán lẻ do tăng trưởng dư nợ cho vay không thế chấp của ngân hàng; kinh tế tăng trưởng chậm lại và khó khăn của ngành bất động sản. Ngoài ra còn do tác động từ phân loại lại nợ theo Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), chủ yếu liên quan đến dư nợ vay mua nhà tại các ngân hàng khác.
Nếu loại bỏ tác động của CIC, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát tốt ở mức 0,9%.
Vân Anh (T/h)