Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Con đường tái cơ cấu gian nan của Vietnam Airlines

(DS&PL) -

Vietnam Airlines đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do cạnh tranh gia tăng trên thị trường hàng không, giá nhiên liệu cao, tỷ giá biến động…

Vietnam Airlines đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do cạnh tranh gia tăng trên thị trường hàng không, giá nhiên liệu cao và tiếp tục có nguy cơ tăng lên do chính trị bất ổn tại Đông Âu, tỷ giá biến động… 

Theo thông tin từ Ban kế hoạch và phát triển của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), hiện nay đơn vị này đã hoàn thành công tác kiểm kê, đối chiếu công nợ và xử lý các tồn tại về tài chính quyết toán năm 2012 và quý I/2013.

Tổng công ty cũng đã hoàn thành việc thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản và phương pháp khác trong tháng 4/2013; hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp trình bộ Giao thông vận tải thông qua và gửi Kiểm toán nhà nước thẩm định trong tháng 10/2013.

Đối với công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp, theo Đề án tái cơ cấu của Tổng công ty đã được phê duyệt có 10 danh mục đầu tư ngoài ngành cần thoái vốn với tổng vốn đầu tư của Tổng công ty gần 297 tỷ đồng.

Do thị trường chứng khoán suy giảm, các quy định của Nhà nước về thoái vốn có nhiều bất cập nên hiện mới hoàn thành việc thoái vốn ở Bảo Minh.

Về danh mục mới thoái vốn được 143 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi ở Techcombank, chiếm 48\% trên tổng số tiền thu được là 369 tỷ đồng.

Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng 7,5\% lượng khách, chiếm thị phần 48\% toàn thị trường. Phấn đấu đạt mức lợi nhuận 335,4 tỷ đồng, nộp ngân sách 799 tỷ đồng.

Công tác tái cơ cấu tiếp tục triển khai với việc sẽ hoàn thành việc công bố giá trị doanh nghiệp, hoàn thiện phương án cổ phần hóa, hoàn thành IPO trong nước, hoàn tất chuyển doanh nghiệp 100\% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần; tiếp tục thoái vốn trong 8/10 danh mục đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt từ nay đến 2015.

 

Năm 2014 được dự báo là một năm khó khăn thử thách đối với Tổng công ty hàng không Việt Nam.

Hiện, cạnh tranh vẫn tiếp tục gia tăng trên thị trường hàng không khu vực và các đường bay châu Âu.

Trên thị trường đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam, với sự gia nhập của hãng hàng không Trung Đông Etihad Airway từ giữa năm 2013 càng thể hiện rõ nét sự thay đổi về bản đồ vận tải hàng không giữa châu Âu và châu Á.

Việc các hãng hàng không lớn Trung Đông (Emirates, Etihad, Qatar) mở rộng mạng bay giữa các châu lục, tạo các đường vòng qua khu vực này đã tạo sức ép đối với tất cả các hãng hàng không châu Âu (hãng Lufthansa của Đức đã dừng khai thác đường bay đến Việt Nam) và châu Á, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến Vietnam Airlines.

Đối với một số thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Tổng công ty gặp khó khăn trong việc xin xuất do sân bay tại các điểm đến đang trở nên quá tải.

Vietnam Airlines cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xin phép bay không lưu cho các hoạt động thuê chuyến và thường lệ cho các đường bay Trung Quốc. Điều này gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động khai thác của công ty tại khu vực này.

Ngoài ra, tỷ giá một số đồng bản tệ chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tiền tệ thu về của Tổng công ty là những đồng tiền tiềm ẩn nhiều biến động, đe dọa giảm sút nguồn thu.

Tại Hội nghị gặp gỡ Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 28/4, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đã trình bày các khó khăn này với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng công ty cũng đề xuất Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội sớm thông qua việc gia nhập công ước Capetown về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay để giảm chi phí huy động vốn đầu tư đội bay.

Tin nổi bật