Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cố Tổng thư ký LHQ Kofi Annan: Cả cuộc đời đấu tranh cho hòa bình và công bằng

(DS&PL) -

Ông Kofi Annan đã cống hiến gần như cả cuộc đời của mình cho các hoạt động nhân đạo chống đói nghèo và bệnh tật trên khắp thế giới.

Ông Kofi Annan đã cống hiến gần như cả cuộc đời của mình cho các hoạt động nhân đạo chống đói nghèo và bệnh tật trên khắp thế giới.

Cố Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan phát biểu tại Liên Hợp Quốc - Ảnh: Reuters

Cố Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Kofi Annan sinh ngày 8/4/1938, tại thành phố Kumasi, Ghana. Từ nhỏ, ông đã có cơ hội tiếp cận với những nhà ngoại giao giỏi vì bố mẹ ông đều xuất thân từ các bộ tộc lớn. Bố của ông là trí thức. Nhờ vậy, ông Annan cũng sớm làm quen với một cuộc sống kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. 

Hai ngày trước khi ông Annan bước sang tuổi 19, đất nước của ông mới giành độc lập và trở thành Ghana như ngày nay. Đây là sự kiện đã tác động tới cuộc đời của ông sau này.

“Tôi bước ra đời với tâm thế của một chàng trai trẻ luôn tin rằng chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi, thậm chí là sự thay đổi mang tính cách mạng triệt để”, ông Annan nói năm 2012.

Năm 20 tuổi, ông Anna giành học bổng tại Đại học Macalester ở Minnesota, Mỹ, trước khi tới Thụy Sĩ lấy bằng thạc sĩ kinh tế. Từ thời sinh viên, ông đã luôn thể hiện sự khéo léo trong thuật ngoại giao. 

Ngay từ những năm tháng đầu tiên của đời sinh viên, ông Annan đã tổ chức một nhóm sinh viên biểu tình tuyệt thực để đòi những đồ ăn khả dĩ hơn từ căng tin nhà trường. Cuộc biểu tình thành công và đó là kinh nghiệm đấu tranh đầu tiên của ông.

Ông Kofi Annan được vinh danh tại Đại học Georgetown ở Mỹ năm 2006 - Ảnh: Reuters

Năm 1962, ông bắt đầu làm nhân viên kế toán tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sau này, ông chuyển công tác tới New York. Tuy nhiên, ông Annan luôn nói sẽ quay về quê hương dù Ghana thập kỷ 70 chìm trong bất ổn chính trị.

Năm 1974, ông rời Liên Hợp Quốc, về nước làm giám đốc một công ty phát triển du lịch. Ông trở lại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York vào năm 1983, làm việc ở vị trí phụ tá tổng thư ký, chuyên trách quản lý nhân lực và phối hợp an ninh. 

Năm 1993, ông Annan thăng tiến đến vị trí Phó Tổng thư ký LHQ và là người đứng đầu lực lượng giữ gìn hòa bình, nắm quyền chỉ huy 70.000 nhân viên quân sự và dân sự đến từ 77 quốc gia có mặt trong 17 chương trình gìn giữ hòa bình trên thế giới.

Ông  Annan  nhanh chóng đối mặt với thách thức lớn. Năm 1994, 800.000 người Tutsi và người Hutu ôn hòa bị tàn sát trong 100 ngày tại Rwanda. Một năm sau, 8.000 người Hồi giáo bị lực lượng Serbia hành quyết tại Bosnia.

Ông Annan và bộ phận của ông bị chỉ trích nặng nề với cáo buộc đã phớt lờ những thông tin cảnh báo. Ông Annan sau đó thừa nhận thiếu sót, gọi những vụ trên là "ký ức đau đớn".

Dù vậy, vào năm 1997, ở tuổi 59, ông Annan vẫn được chọn làm Tổng thư ký LHQ. Kofi Annan tiếp quản vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đúng vào thời điểm tổ chức lớn nhất hành tinh này đang trên bờ vực phá sản sau 52 năm hoạt động. Tuy nhiên theo ông, "Liên Hợp Quốc có thể được cải thiện, tổ chức này không hoàn hảo nhưng chúng ta cần nó".

Ông Annan nói chuyện với những người phụ nữ tị nạn tại Pakistan năm 2001. - Ảnh: AFP

“Tôi là một người lạc quan bướng bỉnh. Tôi sinh ra đã là một người lạc quan và tôi sẽ vẫn luôn là một người lạc quan như vậy”, ông Annan từng nói.

Ông Annan đã cải cách tổ chức, cắt giảm 1.000 việc làm trong số 6.000 vị trí tại trụ sở New York, đồng thời cố gắng thuyết phục các nước thành viên hành động để phản ứng trước nhiều bi kịch của thế giới. Ông cũng thúc giục được Mỹ trả khoản nợ tồn đọng của họ với LHQ.

Mọi ánh mắt đều đổ dồn về Tổng thư ký Annan trong cuộc thương thuyết với Tổng thống Iraq Saddam Hussein năm 1998. Vào thời điểm đó, sự hiện diện của Iraq là mối đe dọa lớn đến hòa bình thế giới khi nước này vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an, từ chối cho phép các thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc vào nước. Cuộc đàm phán trực tiếp giữa ông Annan và ông Hussein đã giúp thế giới tránh được chiến tranh.

Tại họp báo ở Iraq, ông Annan nói: “Bạn có thể làm nhiều thứ nhờ ngoại giao, nhưng đương nhiên bạn có thể hoàn thành nhiều hơn nữa với thuật ngoại giao trên cơ sở công bằng và tác động”

Tổng thư ký chú ý đến việc tạo ra một tương lai tươi sáng với việc thiết lập Mục tiêu Thiên niên kỷ - một loạt các ưu tiên cần đạt được trước năm 2015, từ việc giảm một nửa tỷ lệ người rất nghèo cho đến ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS.

Năm 2001, ông Annan và Liên Hợp Quốc được trao giải Nobel Hòa bình. Ông là tổng thư ký LHQ thứ hai được trao tặng giải thưởng này và được ca ngợi là người đã hồi sinh LHQ. Cùng năm đó, ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

Ông Annan (phải) nhận giải Nobel Hòa bình năm 2001. - Ảnh: AAP.

Tuy nhiên, sóng gió lại tiếp tục ập đến. Năm 2003, Mỹ - một trong những bên ủng hộ lớn nhất của ông Annan - tiến hành chiến tranh ở Iraq. Động thái này làm rạn rứt quan hệ giữa ông Annan và Mỹ. "Với quan điểm của chúng tôi, đây là hành động bất hợp pháp", ông tuyên bố.

Năm 2004, ông Annan vướng vào bê bối khi con trai duy nhất của mình, Kojo, bị phát hiện nhận tiền từ một công ty được thuê để theo dõi chương trình "Đổi dầu lấy thực phẩm". Chương trình này được bắt đầu từ năm 1996 để bán lượng dầu hạn chế từ Iraq, nước hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế, nhằm đổi lấy nhu yếu phẩm nhân đạo.

Kết quả cuộc điều tra cho thấy ông đã không lạm dụng quyền lực để làm lợi cho con mình, tuy nhiên, ông có sai sót trong quá trình giám sát chương trình. Các chính trị gia Mỹ kêu gọi ông Annan từ chức. Câu trả lời của ông là: Không đời nào.

Tháng 12/2006, ông Kofi Annan rời khỏi vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sau nhiều năm cống hiến. Khi đó, ở độ tuổi gần 70, nhiều người đã chọn cách nghỉ ngơi nhưng ông vẫn tiếp tục các công việc đấu tranh cho quyền con người. Năm 2007, ông thành lập Quỹ Kofi Annan với sứ mệnh đẩy mạnh sự phát triển bền vững toàn cầu cũng như thúc đẩy an ninh và hòa bình.

Một năm sau đó, ông Annan đã thực hiện một sứ mệnh ngoại giao được cho là thành công nhất trong sự nghiệp của ông. Thỏa thuận chia sẻ quyền lực do ông góp phần bảo trợ đã chấm dứt tình trạng bạo lực từng khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng tại Kenya.

Tháng 2/2012, ông Annan được Liên Hợp Quốc bổ nhiệm làm đặc phái viên tại Syria. Tuy nhiên, ông từ chức 6 tháng sau đó, lấy lý do về sự gia tăng các hoạt động quân sự tại khu vực và "sự thiếu thống nhất" trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Ông cũng liên tục bày tỏ quan điểm về các vấn đề nóng như biến đổi khí hậu. "Tôi nhận ra rằng nghỉ hưu là công việc rất vất vả", ông Annan nói đùa vào dịp sinh nhật lần thứ 80 hồi tháng Tư.

"Liên Hợp Quốc có thể được cải thiện, tổ chức này không hoàn hảo nhưng chúng ta cần nó", ông nói. "Tôi là một người lạc quan bướng bỉnh, tôi sinh ra đã lạc quan và vẫn sẽ luôn là người lạc quan".

Ông Annan thăm hỏi người thân của các nạn nhân thiệt mạng trong vụ bạo lực ở Đông Timor năm 2000. - Ảnh: Reuters

Ngày 18/8, cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Annan qua đời ở tuổi 80 sau một thời gian điều trị cơn bạo bệnh. Ông để lại cho thế giới hình ảnh một chính khách cống hiến cả cuộc sống để đấu tranh cho một thế giới hòa bình và công bằng.

10 năm trên cương vị người đứng đầu Liên Hợp Quốc, ông Annan được nhiều người nhận định là tổng thư ký giỏi nhất lịch sử. Richard Holbrooke, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, khẳng định: “Kofi Annan là tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử Liên Hợp Quốc”.

Ông António Guterres - Tổng thư ký hiện tại của Liên Hợp Quốc, là người từng được ông Annan bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu cơ quan chuyên trách các vấn đề nhập cư.

"Theo nhiều cách, ông Annan chính là hiện thân của Liên Hợp Quốc. Ông lần lượt đảm nhiệm nhiều cấp bậc tại đây trước khi trở thành người dẫn dắt tổ chức bước qua thiên niên kỷ mới với phẩm giá và sự quyết tâm ít người sánh kịp", ông Guterres nói. 

Đương kim Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng ông Annan vừa là bạn, vừa là người hướng dẫn của ông và là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người. 

"Ông ấy cho mọi người không gian để đối thoại, một nơi để giải quyết các vấn đề và con đường dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn. Trong những thời khắc hỗn loạn, ông không ngừng làm việc để đưa những giá trị của Hiến chương Liên Hợp Quốc vào cuộc sống. Di sản của ông sẽ là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta", ông Guterres khẳng định.

Cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Annan qua đời ở tuổi 80. - Ảnh: Getty

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Tin nổi bật