Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Có tiền nhàn rỗi, nên mua vàng, mua USD hay gửi tiết kiệm trong thời gian này?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Theo các chuyên gia tài chính, người dân nên cân nhắc việc gửi tiết kiệm, thay vì chạy theo đầu tư vào những kênh tăng nóng.

(ĐSPL) - Theo các chuyên gia tài chính, người dân nên cân nhắc việc gửi tiết kiệm, thay vì chạy theo đầu tư vào những kênh tăng nóng. 

Đầu tư vào vàng: Giá vàng "nóng lạnh bất thường"

Chốt phiên cuối tuần qua (9/7), giá vàng tăng thêm 300.000 đồng so với ngày trước đó, mua bán ở mức 36,9 – 37,6 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giữa chiều mua và bán ra ở mức 700.000 đồng mỗi lượng.

So với giá quốc tế quy đổi chưa bao gồm thuế phí, giá vàng trong nước đang cao hơn khoảng 400.000 đồng/lượng. Như vậy, so với hai ngày cuối tuần (5-6/7) có đợt tăng giá “bất thường” – giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng thì vàng vẫn trong xu thế tăng.

Nhận định về nguyên nhân giá vàng tăng, đa số các chuyên gia cho rằng là do bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều nguy cơ bất ổn, các ngân hàng T.Ư, bao gồm cả FED, sẽ không thoát khỏi chính sách tiền tệ bất thường, từ đó đe dọa sự ổn định và toàn vẹn của hệ thống tiền giấy hiện tại.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng tăng, trước tiên là do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới. Những biến động chính trị, kinh tế như kết quả cuộc bỏ phiếu người dân Anh đồng thuận rời khỏi EU. Kéo theo đó, dữ liệu Trung Quốc yếu kém và bất ổn đang diễn ra “hậu Brexit” đã gây ra một làn sóng đầu tư vào tài sản an toàn mới.

Quan ngại rủi ro bao trùm thị trường sau khi Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo về rủi ro kinh tế của “Brexit”, cũng như tin tức về một sự suy giảm trong đơn đặt hàng nhà máy ở Hoa Kỳ, và các báo cáo về sản xuất, cùng hoạt động ngành dịch vụ khá trái chiều ở châu Á và châu Âu. Một lực đẩy nữa dành cho vàng là đồng USD giảm nhẹ và chứng khoán châu Á suy yếu… đã khiến giá vàng thế giới tăng cao, nên giá vàng trong nước cũng tăng theo.

Theo các chuyên gia, giá vàng có những khuynh hướng khó lường, cần giao dịch cẩn trọng trong thời gian này. (Ảnh minh họa).

Riêng với thị trường vàng trong mấy ngày gần đây, giá lên chủ yếu là do người dân nhảy vào vàng theo hiện tượng bầy đàn. Hiện tượng này đã diễn ra hàng chục năm trước, đã có nhiều bài học đắt giá cho việc mua bán theo đám đông. Trong vài năm trở lại đây, tưởng là đã “yên”, ai dè lại tiếp tục dậy sóng. Người dân quên bài học cũ quá nhanh, nên họ phải gánh hậu quả là đương nhiên. Thay vì phải phân tích kỹ, thì họ lại theo nhau đổ xô đi mua vào khiến giá vàng cứ thế tăng vùn vụt.

Ông Trần Thanh Hải – Tổng giám đốc Công ty kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB), dự báo, trong năm 2016 giá vàng khó thể nào vọt quá xa mức 40 triệu đồng/lượng. Ông phân tích, giá vàng tăng bất ngờ vừa qua có thể là do yếu tố Brexit.

Thời gian tới, giá vàng có tăng hay không sẽ phụ thuộc vào việc châu Âu và nước Anh hậu Brexit sẽ như thế nào, và liệu FED có quyết định nâng lãi suất đồng USD. Vì vậy, trong năm 2016, giá vàng thế giới ở khoảng 1.400 USD/ounce, quy đổi ra giá vàng trong nước quanh mốc 40 triệu đồng/lượng.

Do vậy, các chuyên gia về tài chính cho rằng diễn biến của thị trường trong nước thời gian qua chỉ là biến động nhất thời và cho rằng giá vàng trong ngắn hạn sẽ tiếp tục chịu những tác động từ yếu tố kinh tế vĩ mô trên toàn cầu cũng như những tác động can thiệp từ thị trường trong nước, điều này sẽ khiến giá vàng có những khuynh hướng khó lường. Bởi vậy, cần giao dịch cẩn trọng, theo sát các diễn biến khi tham gia giao dịch.

Đầu tư vào USD:Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định tỉ giá VNĐ/USD tương đối ổn định trong 6 tháng đầu năm 2016. Vì, đồng USD giảm giá đáng kể trên thị trường quốc tế do sự trì hoãn tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào (cán cân thanh toán tổng thể quý I/2016 thặng dư; xuất siêu trong 6 tháng đầu năm; FDI giải ngân tăng khá mạnh).

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá các yếu tố hỗ trợ tỉ giá trong 6 tháng cuối năm 2016 sẽ không được thuận lợi như nửa đầu năm 2016. Bởi lẽ cân đối cung cầu ngoại tệ sẽ tăng cao vào cuối năm do nhu cầu nhập khẩu tăng; khả năng FED sẽ tăng lãi suất một lần vào cuối năm.

Khi lãi suất được điều chỉnh, đồng USD sẽ tăng giá trên thị trường quốc tế, gây ảnh hưởng tới tỷ giá VNĐ/USD; đồng Nhân dân tệ có nguy cơ tiếp tục mất giá trong 6 tháng cuối năm…

CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá diễn biến tỷ giá trong 6 tháng còn lại của năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa).

Mặc dù có diễn biến tương đối bình ổn trong sáu tháng đầu năm nhưng theo báo cáo của CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá diễn biến tỷ giá trong 6 tháng còn lại của năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN.

Ngoài ra, tình trạng xuất siêu cũng chưa thật sự bền vững khi không xuất phát từ việc xuất khẩu tăng trưởng mạnh (chỉ tăng 6\% YoY) mà chủ yếu do nhập nhập khẩu giảm bớt (giảm 0,5\% YoY).

Theo quy luật một số năm gần đây, tỷ giá thường chịu sức ép lớn từ cuối quý II trở đi khi các yếu tố như nhập khẩu, lạm phát, biến động thị trường tiền tệ thế giới cùng cộng hưởng tại một thời điểm. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ khi sự kiện Brexit vừa qua được dự báo sẽ còn có ảnh hưởng lâu dài, gây tác động mạnh tới giao dịch của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.

Ngoài ra, xu hướng tăng trở lại khá rõ nét của lạm phát trong hai quý cuối năm cũng có thể là một trong những nhân tố gây sức ép lên tỷ giá.

Theo tính toán của BVSC, mặc dù tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa vẫn nằm trong vùng an toàn, nhưng tỷ giá hữu hiệu thực đã tăng lên vùng “đáng lưu ý” đối với khả năng điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Nếu NHNN không hành động kịp thời, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực và từ đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế.

"Trong kịch bản trung bình, chúng tôi dự báo VND sẽ giảm giá khoảng 2-3\% so với USD trong năm 2016", BVSC dự đoán.

Gửi tiết kiệm: Lãi suất đang tăng

Ngày 8/7, Ngân hàng (NH) TMCP Phương Đông (OCB) đã công bố biểu lãi suất huy động mới theo hướng tăng dần các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng ở mức 5,2\%/năm, 3 tháng 5,5\%/năm, tăng 0,1\%/năm so với trước đó. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên từ 7\%-7,7\%/năm, mức khá cao so với thị trường.

Từ chiều 7/7, Sacombank bắt đầu tăng lãi suất huy động 0,05-1\%/năm tùy kỳ hạn, trong đó mức lãi suất cao nhất đối với kỳ hạn 12 tháng là 6,8\%/năm.

Từ ngày 6/7, NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tăng lãi suất ở một số kỳ hạn thêm từ 0,2\%-0,3\%/năm so với trước. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn từ 5-12 tháng từ 5,5\%-6,8\%/năm và mức cao nhất là 7,4\%/năm áp dụng cho khách hàng gửi 36 tháng. Nhân viên giao dịch VPBank cho biết từ đầu tháng 7 đến nay, NH đã 2 lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi dù mức tăng không nhiều và ở các kỳ hạn khác nhau.

Trước đó, Vietcombank cũng tăng lãi suất với mức 0,1\%/năm với kỳ hạn 3, 6 và 9 tháng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân nên cân nhắc việc gửi tiết kiệm, thay vì chạy theo đầu tư vào những kênh tăng nóng. (Ảnh minh họa).

Trong tháng 6, nhiều ngân hàng cũng đã đồng loạt tăng nhẹ lãi suất như VietCapital Bank, Eximbank, TPBank,...

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,65\% lên mức 1,77\%/năm. Tương tự, kỳ hạn 1 tuần tăng 0,63\% lên mức 1,99\%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,41\% lên mức 2,2\%/năm.

Việc tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng trong tuần qua là diễn biến bình thường và không bất ngờ khi lãi suất trên thị trường này đã liên tục duy trì ở mức thấp trong 6 tuần trở lại đây.

Theo báo cáo tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm 2016 và dự báo sáu tháng cuối năm 2016 của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC), lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số NHTM nhỏ, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn. Bởi từ ngày 14/6 tại một số NHTM nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7 \% so với cuối năm 2015.

Lần điều chỉnh tăng lãi suất lần này, tuy đa số các ngân hàng mới điều chỉnh tăng nhẹ và ở một vài kỳ hạn ngắn nhưng cũng sẽ khiến khách hàng an tâm và thoải mái lựa chọn ngân hàng để gửi tiền thay vì chịu rủi ro khi đầu cơ vào kênh vàng đang tăng nóng.

“Tỷ giá, lãi suất sẽ ổn định” là nhận định của chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered trên tờ Thời báo ngân hàng số ra sáng nay (29/6).

Một trong những nguyên nhân chính của nhận định trên là kỳ vọng FED tăng lãi suất trong thời gian qua đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó là những biến động mạnh trên thị trường toàn cầu sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU.

Cũng vì dự báo lãi suất ổn định, các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân nên cân nhắc việc gửi tiết kiệm, thay vì chạy theo đầu tư vào những kênh tăng nóng. Hiện nay, giá vàng thế giới và trong nước biến động liên tục theo chiều hướng tăng mạnh bởi sự kiện Brexit, nhưng không loại trừ khả năng vàng có thể quay đầu giảm bất cứ lúc nào.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin



Tin nổi bật