Thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia châu Á đang ghi nhận số lượng lớn ca mắc sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết thường bắt đầu với các triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như sốt cao, nhức đầu, đau cơ, đau khớp và phát ban. Đối với hầu hết các cá nhân, các triệu chứng này có thể kiểm soát được và giảm dần trong vòng một tuần.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh sốt xuất huyết có thể tiến triển thành dạng nghiêm trọng được gọi là sốt xuất huyết nặng. Dạng nghiêm trọng này có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng, bao gồm chảy máu nghiêm trọng, suy các cơ quan và sốc, thông tin từ VOV.
Sốt xuất huyết có thể ngây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng, nhất là với trường hợp tái nhiễm. Ảnh minh họa
Các yếu tố góp phần vào mức độ nghiêm trọng của bệnh
- Đã từng mắc sốt xuất huyết: Những người đã bị nhiễm 1 kiểu huyết thanh của virus sốt xuất huyết trước đó có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết nặng khi tiếp xúc với một kiểu huyết thanh khác. Hiện tượng này được gọi là tăng cường phụ thuộc vào kháng thể.
- Tuổi tác: Trẻ em và người già là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết nặng. Hệ thống miễn dịch của trẻ em có thể chưa được phát triển đầy đủ, Còn đối với người già, quá trình lão hóa có thể làm suy yếu phản ứng miễn dịch.
- Đang điều trị một bệnh khác: Những người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch có nhiều khả năng bị sốt xuất huyết nặng nếu bị nhiễm bệnh.
- Yếu tố di truyền: Một số yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến cách hệ thống miễn dịch của một cá nhân phản ứng với vi rút sốt xuất huyết, ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Tải lượng virus: Tải lượng virus cao trong cơ thể có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Muỗi có tốc độ lây truyền cao có thể góp phần làm tăng tải lượng virus trong cộng đồng.
- Chăm sóc y tế chậm trễ: Can thiệp y tế kịp thời là rất quan trọng. Chăm sóc y tế chậm trễ có thể khiến các ca sốt xuất huyết nhẹ chuyển thành nặng.
Sốt xuất huyết có thể mắc ở cả người lớn lẫn trẻ em. Ảnh minh họa.
4 sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng
Dùng kháng sinh điều trị sốt xuất huyết
Tự ý uống thuốc hạ sốt liên tục không đúng hướng dẫn, uống kháng sinh là sai lầm khá phổ biến khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Nguyên nhân là bệnh do virus Dengue gây ra, không phải vi khuẩn. Do đó, kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh này.
Bác sĩ Hiếu khuyến cáo tự ý dùng thuốc kháng sinh hoặc dùng không đúng chỉ định có nguy cơ ảnh hưởng không tốt cho người bệnh trong quá trình điều trị.
Nghĩ hết sốt là khỏi bệnh
Thông thường, người bệnh và thân nhân cho rằng "hết sốt là khỏi bệnh". Tuy nhiên, giai đoạn hết sốt trong vòng 24 đến 48 giờ đầu chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh, đặc biệt là sốc sốt xuất huyết, chảy máu nặng do rối loạn đông máu.
Nghĩ vừa hết sốt xuất huyết sẽ không mắc nữa
Virus Dengue gây sốt xuất huyết có 4 type. Người bệnh có thể sẽ không nhiễm lại type cũ, nhưng vẫn có thể nhiễm type mới, nên có thể tái mắc.
Tự ý dùng thuốc kháng sinh hoặc dùng không đúng chỉ định có nguy cơ ảnh hưởng không tốt cho người bệnh trong quá trình điều trị. Ảnh minh họa.
Chủ quan không đi khám bệnh
VnExpress dẫn lời BS.CK1 Phan Bá Hiếu, Phó Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm (A4), Bệnh viện Quân y 175 cho biết, sốt xuất huyết được phát hiện sớm, bác sĩ hướng dẫn, chăm sóc và theo dõi diễn biến của bệnh, xử trí kịp thời, hạn chế diễn biến nặng.
Phát hiện và điều trị muộn, việc chăm sóc và điều trị gặp nhiều khó khăn hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ, chống sốc khó, nguy cơ tổn thương suy đa cơ quan tiến triển khó hồi phục, nguy cơ rối loạn đông máu khó kiểm soát.
Bác sĩ Hiếu cũng lưu ý, người có những yếu tố nguy cơ cao, ví dụ như trẻ em béo phì, người lớn có bệnh lý nền, phụ nữ đang mang thai, nên nhập viện sớm. Bệnh nhân điều trị ngoại trú cần tái khám hàng ngày.
Thùy Dung (T/h)