Gia đình “ông chủ” hãng taxi truyền thống Vinasun đã mất khoảng hơn 500 tỷ đồng trong vòng 1 năm nay do vấp phải sự cạnh tranh từ Grab và Uber.
Theo tin tức trên báo Dân Việt, cổ phiếu của taxi Vinasun (Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, mã chứng khoán VNS) liên tục “đỏ sàn” 4 phiên liên tiếp sau sự việc hãng taxi truyền thống này dán băng rôn phản đối Grab, Uber những ngày qua...
Cụ thể, từ vùng giá 21.000 - 22.000 đồng/CP, chỉ sau 3 tháng chính thức “tuyên chiến” với Grab, Uber, giá cổ phiếu VNS giảm mạnh về vùng giá 18.000 đồng/CP. Đặc biệt, trong 4 phiên giao dịch liên tiếp từ 4/10 đến ngày 9/10, giá cổ phiếu VNS từ mức 18.200 đồng/cp đến nay VNS còn 17.800 đồng/cp, báo Infonet cho hay.
Báo Vietnamnet thông tin thêm, ngoài ra, trong vòng 1 năm trở lại đây, trong khi cả thị trường chứng khoán Việt Nam tăng vượt bậc thì cổ phiếu của hãng taxi đầu ngành Việt Nam Vinasun (VNS) của ông Đặng Phước Thành rớt xuống vùng thấp nhất 1 năm qua.
Taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab. Ảnh: Infonet |
Cụ thể, theo báo cáo về tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn Vinasun thì người nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu VNS lớn nhất là ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Vinasun với khoảng gần 17 triệu cổ phiếu (24,92%), tương ứng với khối tài sản trị giá theo giá cổ phiếu tính đến thời điểm hiện tại là 302,7 tỷ đồng. Vợ ông Thành là bà Ngô Thị Thúy Vân cũng sở hữu hơn 1,75 triệu cổ phiếu VNS (2,59%), tương ứng khối tài sản trị giá 31,5 tỷ đồng. Con trai ông chủ Vinasun là ông Đặng Thành Duy, Phó Tổng Giám đốc VNS cũng sở hữu hơn 5,4 triệu cổ phiếu (7,97%), tương ứng với khối tài sản trị giá 96,8 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng gia đình Chủ tịch Vinasun Đặng Phước Thành đã sở hữu hơn 24,15 triệu cổ phiếu VNS, tương ứng với khối tài sản tính theo cổ phiếu trị giá hơn 431 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính theo mức “đỉnh” của cổ phiếu VNS vào cuối năm 2014 ở mức 40.000 đồng/CP thì gia đình “ông chủ” hãng taxi truyền thống lớn nhất Việt Nam đã mất khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hàng loạt các quỹ đầu tư cũng đã thua lỗ với khoản đầu tư vào Vinasun do tin tưởng rằng Grab, Uber chưa thể chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Sau vài năm đầu tư vào Vinasun, quỹ đầu tư đến từ Singapore như GIC, TAEL đã lỗ vài chục phần trăm.
Cổ đông lớn nhất tại Vinasun là TAEL hiện đang nắm giữ hơn 12,4 triệu cổ phiếu VNS. Với mức giá mua ban đầu 45 ngàn đồng/cp, TAEL có thể đã thua lỗ lên tới 60%, mất hàng trăm tỷ đồng.
Trước sức ép ngày một lớn của Uber và Grab, Vinasun đặt kế hoạch doanh thu năm 2017 là 4.025 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2016, và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 205 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2016.
Nhân Văn (T/h)