Việc lựa chọn cổ đông sai mục đích trong quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam, lỗi nằm ở cả hai phía người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay.
Theo tin tức trên báo Dân Việt, liên quan tới vấn đề cổ phần hóa (CPH) tại Hãng phim truyện Việt Nam, tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức sáng 27/9, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, trong việc lựa chọn cổ đông sai mục đích trong quá trình CPH hãng phim truyện Việt Nam, lỗi nằm ở cả hai phía: người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp.
Ông Tiến phân tích: “Ngành nghề không đúng thì trách người cũng phải trách ta. Người lao động phải hiểu ông chủ doanh nghiệp sẽ làm gì, sử dụng mình như thế nào. CPH là quá trình giúp người lao động cũng thành một người chủ của doanh nghiệp thông qua tham gia vào quá trình CPH. Khi chọn một ông cổ đông không đúng phải có ý kiến báo cáo cấp trên. Nếu cấp trên vẫn quyết định lựa chọn là sai.
Ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức. Ảnh: Dân Việt |
"Cổ phần hoá có buổi phổ biến phương án cổ phần hoá, phương án nói rõ cổ đông chúng ta là ai, thế mạnh gì để người lao động có ý kiến, nếu không đồng thuận phải dừng lại. Người lao động cũng chưa mặn mà làm tròn trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước là ban chỉ đạo cổ phần hoá chưa hiểu tâm tư anh em, nóng vội triển khai hoặc thiếu sót. Đến khi ván đã đóng thuyền các nghệ sĩ mới nêu lên thì khó cho cơ quan nhà nước và cả nhà đầu tư. Lúc có quyền tại sao chúng ta không nói. Vai trò của công đoàn, của người lao động trong cổ phần hoá có thời gian dài chúng ta quên mất”, báo Dân trí dẫn lời ông Đặng Quyết Tiến phát biểu.
Ông Tiến cũng nêu trường hợp có doanh nghiệp trong đất quy hoạch nhưng chưa làm dự án nên thuê và trả tiền hàng năm. “Quan trọng tư vấn phải làm rõ cho doanh nghiệp rằng đất của doanh nghiệp nằm trong quy hoạch chưa, quy hoạch là gì, đất này sẽ được quy hoạch làm đô thị hay làm công viên cây xanh thì nó đã khác rồi”.
“Đất đai của Hãng phim truyện được quy hoạch như nào thì sử dụng như vậy, nếu muốn chuyển đổi mục đích thì thành phố Hà Nội cho phép mới được, hiện đang thanh tra nên phải đợi thanh tra làm xong chủ đầu tư mới có đề xuất sử dụng như thế nào”, ông Quyết cho biết thêm.
Trước phản ứng của nhiều nghệ sĩ và lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam, thể hiện sự không đồng tình với việc xác định giá trị thương hiệu 0 đồng cho hãng phim truyện Việt Nam có bề dày lịch sử 60 năm, sản xuất rất nhiều bộ phim kinh điển.
Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, giá trị của hãng phim chính chất xám của tập thể đạo diễn, diễn viên, kĩ thuật. Những tác phẩm điện ảnh là sản phẩm đặc thù do họ tạo ra, là món ăn tinh thần cho xã hội. Vậy nên, khi tiến hành CPH phải thận trọng.
Về xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp CPH, ông Đặng Quyết Tiến nói: “Đất chỉ được định giá 0 đồng với điều kiện đúng quy hoạch. Quy hoạch đất rất quan trọng, khi hoàn thiện phương án sử dụng đất luôn phải gắn với quy hoạch. Quy hoạch có thể là trả đất hàng năm, trả đất 1 lần hoặc giao đất với trường hợp quy hoạch bất động sản.
Có trường hợp DN nằm trong đất quy hoạch, vẫn trả phí thuê kho bãi hàng năm để kinh doanh. Nhưng nếu sang năm làm dự án họ vẫn phải di rời như trường hợp một số DN logistics ở khu vực cảng Sài Gòn, nơi đất đã được quy hoạch xây công viên cây xanh.
Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Dân trí |
Phương án sử dụng đất đai, giá trị tính đất như nào là bộ phận trong phương án CPH, bản cáo bạch được phê duyệt. Việc không công khai phương án sử dụng đất là che giấu, khi xảy ra chuyện, nhà đầu tư có thể vướng tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trả lời câu hỏi về quy trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, ông Tiến chia sẻ: “Về vấn đề đất đai, thực hiện cổ phần hóa, Thủ tướng đã giao cho Thanh tra Chính phủ. Đúng hay sai đã có cơ quan khác làm. Bộ Tài chính chỉ là đơn vị ban hành cơ chế, chính sách. Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch thực hiện như thế nào hãy đợi kết quả từ Thanh tra Chính phủ”.
“Đất đai của Hãng phim truyện được quy hoạch như nào thì sử dụng như vậy, nếu muốn chuyển đổi mục đích thì thành phố Hà Nội cho phép mới được, hiện đang thanh tra nên phải đợi thanh tra làm xong chủ đầu tư mới có đề xuất sử dụng như thế nào”, ông Quyết Tiến cho biết thêm.
Thời báo Kinh tế Việt Nam cho hay, VFS chính thức được cổ phần hóa vào tháng 4/2016. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của VFS đạt 50 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% vốn, 10,5% vốn công ty được mang ra đấu giá công khai, còn lại 65% vốn cổ phần thuộc về Vivaso.
VFS quản lý nhiều khu đất vàng có giá trị rất lớn như khu đất tại xã Uy Nỗ, Đông Anh; số 46, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, số 4 Thụy Khuê hay số 6, Thái Văn Lung, Tp.HCM. Vivaso chỉ bỏ ra khoảng 33 tỷ đồng đã có thể sở hữu 65% vốn cổ phần tại VFS. Vivaso có vốn điều lệ hơn 320 tỷ đồng và có một công ty con chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, hạ tầng giao thông.
(Tổng hợp)