Từ mạng xã hội đến đời thực, nhu cầu nhận con nuôi là có thật. Theo tìm hiểu khi thâm nhập thực tế của PV ĐS&PL, nhiều phụ nữ lỡ làng muốn cho con là có thật. Tuy nhiên, nhiều đối tượng nhận đứng ra “cưu mang” trẻ, dụ dỗ những bà mẹ bằng khoản tiền bồi dưỡng từ 30- 80 triệu đồng để cho con vô điều kiện. Đằng sau việc này là gì?
Lời dụ dỗ “vượt biên” nếu muốn nhận “thù lao” cao mẹ an nhàn, con sung sướng
Trong vai một người muốn cho con, PV đã đăng thông tin tức vào nhóm “Cho và nhận con nuôi”, ngay lập tức, PV nhận được rất nhiều tin nhắn “muốn xin con nuôi”. Phần lớn những người inbox xin nhận con đều trình bày hoàn cảnh éo le, gia đình hiếm muộn nhiều năm.
Cụ thể khi nhập vai và đưa thông tin, rất nhanh sau đó PV nhận được tin nhắn mời chào từ nickname N.N. sau 5 phút đăng tải dòng trạng thái: “E bầu hơn 7 tháng là bé trai, do hoàn cảnh em muốn tìm bố mẹ nuôi cho con và cho con có cuộc sống tốt hơn. Ai thật tâm inbox em”.
Sau màn chào hỏi, người này đi thẳng vào vấn đề: “Em sinh ở Việt Nam sau đó cho con cũng chỉ nhận được tiền bồi dưỡng là 10 triệu đồng, cao nhất là 20 triệu đồng. Nhưng nếu qua Trung Quốc sinh sẽ được 80 triệu đồng và được nuôi ăn, nuôi ở miễn phí”.
"Cò" khẳng định nếu sang xứ người sinh con giá sẽ cao hơn rất nhiều. |
Để dụ dỗ “con mồi”, N.N. tiếp tục đưa ra những lời đường mật: “Sang đó em được ăn ngon, ở chung với những bà bầu người Việt Nam. Không những thế, con em sẽ được cho vào những gia đình tử tế, sống sung sướng. Sau khi sinh xong tiền sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của em”.
Khi PV tỏ ý lo ngại về chặng đường đi sang kia biên giới N.N. cho hay: “Em cứ chuẩn bị ít hành lý, sau đó bắt xe lên Móng Cái (Quảng Ninh) chị sẽ đón em ở đó và đưa em sang bên kia luôn. Em không chỉ đi một mình đâu, vì mỗi đợt bọn chị đưa người sang phải có chục bà bầu mới bõ công. Bọn chị làm luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu, không dám lừa gạt ai nên em yên tâm nhé. Cứ bắt xe lên Móng Cái là gặp chị ngay lập tức”.
Không dừng lại ở đó, N.N. còn cung cấp cho PV số điện thoại kết bạn qua Zalo để tiện giao dịch. N.N. nói: “Nếu em thấy tin tưởng thì đi, sinh xong xuất viện về luôn hoặc ở lại đợi khỏe rồi về đều được. Một bà bầu, chị vừa đưa đi chiều nay, tầm 10 ngày nữa là bạn ấy về, bạn ấy còn nhờ mình báo tin cho mẹ bạn ấy”.
Phần lớn những đầu mối đứng ra nhận con nuôi hộ đều nói rằng “cưu mang” trẻ để phát tâm và mức bồi dưỡng cho các bà mẹ sau sinh cũng tùy thuộc vào việc người đó sinh bé trai hay gái. Đầu mối ở Hà Nội cho hay, bà bầu có thể lựa chọn sinh tại Việt Nam hoặc qua Trung Quốc và mức bồi dưỡng sẽ chênh lệch rất nhiều. Sinh trong nước người nhận con nuôi sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng, nếu qua Trung Quốc, sinh bé trai được hỗ trợ 80 triệu đồng, bé gái là 40 triệu đồng.
"Dụ “con mồi” bằng hình ảnh các bà bầu khác"
Tiếp tục lần tìm những đầu mối muốn nhận con nuôi bằng hình thức đưa sang Trung Quốc “gieo duyên” cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, PV bắt mối được với người phụ nữ tên Mai A... Tất cả những thông tin mà người phụ nữ này muốn xác thực với chúng tôi chỉ đơn giản là “bé trai hay gái, có sổ khám thai kỳ và giấy tờ tùy thân hay không”, còn lại thông tin về nhân thân, quê quán không phải “cập nhật”.
Những ngày đầu, chúng tôi liên hệ với Mai A. qua messenger. Mai A. cam kết rằng, tất cả những trường hợp cô đưa đi đều thành công và nhận tiền “thù lao” không thiếu một xu. Nhằm tạo niềm tin với PV, A. gửi cho chúng tôi hàng loạt hình ảnh những mẹ bầu từng sống chung với phòng trọ của Mai A. để chờ ngày “xuất ngoại”... cho con.
Không những thế, Mai A. còn cung cấp hình ảnh một số vài đứa trẻ mà cô trông giữ hộ chờ đến ngày mẹ bầu “vượt cạn” bên kia biên giới thành công sẽ quay về đón. Theo lời Mai A., vì hoàn cảnh khó khăn, có những mẹ bầu lỡ kế hoạch nên bất đắc dĩ chịu cảnh “nước mắt chảy xuôi”, ngậm ngùi cho con.
Người phụ nữ này ra vẻ bí hiểm nói rằng vừa đưa một nhóm người đi thành công, hiện chỉ có 1 bà bầu đang ở chung phòng trọ với Mai A. chờ đến ngày sinh con, giao cho gia đình nhận ở Hà Nội.
Biết về hoàn cảnh “éo le” mà PV tạo ra qua nick chat trong group “Cho và nhận con nuôi”, sau mấy ngày liên hệ qua messenger, Mai A. chủ động cho chúng tôi số điện thoại liên lạc. Người phụ nữ này nói: “Bầu to rồi mà không quyết định nhanh lại lỡ mất cơ hội, nếu em đồng ý đi luôn thì mang theo 3 bộ quần áo rồi đến bến xe Mỹ Đình sẽ có Grap đưa về phòng trọ của chị”.
Mai A. dặn dò thêm: “Khi đi mang theo giấy tờ tùy thân và giấy khám thai trước. Giấy tờ tùy thân là chứng minh nhân dân, bằng lái xe hay hộ chiếu. Cứ cầm theo để lúc họ nhập viện họ hỏi có mà nộp”.
Thấy A. ra điều kiện “nếu bạn đi luôn mới đón đến phòng trọ”, PV gọi điện nài nỉ: “Em chỉ nghĩ mình sinh con ra, ai có duyên thì đón con về, chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ sang Trung Quốc để... cho con. Chị đã phát tâm giúp người, chị cho em qua gặp mẹ bầu cùng phòng chị để em thêm yên tâm quyết định”. Tuy nhiên, mong muốn đó của chúng tôi bị A. từ chối thẳng thừng.
Với mục đích tận mục sở thị những góc khuất phía sau việc cho, nhận con nuôi, nhiều ngày sau đó, PV vẫn liên tục nhắn tin, gọi điện cho Mai A. nói về tâm nguyện muốn “xuất ngoại” cho con. Cuối cùng, Mai A. cũng đồng ý cho chúng tôi gặp mặt trước để sớm đưa ra quyết định.
Một chuyên gia xã hội học nhận định, mạng xã hội là cầu nối giúp những bà mẹ muốn cho, nhận con nuôi dễ dàng tìm kiếm, kết nối lại với nhau rồi thực hiện theo đúng thủ tục pháp luật. Tuy nhiên, có không ít trường hợp giao dịch ngầm, lách luật cho và nhận con trái quy định. Từ đó, việc cho và nhận con nuôi đang bộc lộ nhiều bất cập, nhiều kẽ hở, không đáp ứng đúng trình tự pháp luật khiến dư luận lo ngại bị biến tướng thành hành vi mua bán trẻ... |
Nhóm Phóng viên
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (117)