Chỉ cần gõ 2 chữ “dầu dừa” lên thanh công cụ tìm kiếm của Google, trong 0,42 giây, bạn sẽ tìm được khoảng 2,8 triệu kết quả. Và trong các loại dầu thực vật, “dầu dừa” cũng đang là từ khóa đứng đầu xu hướng tìm kiếm trên Google của người sử dụng. Trước đây, dầu dừa chủ yếu được sử dụng để làm đẹp.
Trên các diễn đàn dành cho phụ nữ, chị em truyền tai nhau kinh nghiệm dùng dầu dừa để tránh da khô nẻ vào mùa đông, tránh rạn da khi mang bầu… Một số người còn khẳng định: dầu dừa rất hữu hiệu trong làm trắng răng hay còn có khả năng giúp lông mi cong, dài tự nhiên…
Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng dầu dừa để massage làm dịu đi sự mệt mỏi và giảm đau nhức cho các cơ bắp.
Giống như đậu nành, đậu phộng, vừng (mè), dừa sau khi được xử lý bằng công nghiệp ép 180 độ C sẽ cho sản phẩm dầu thực vật. Tất cả loại dầu này đều đã chín và ăn được, tuy nhiên thực tế cho thấy dầu dừa dùng cho mục đích ăn uống có nhiều điểm khác biệt so với loại còn lại.
Dầu dừa có nhiều công dụng. Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, dầu dừa chứa hàm lượng chất béo rất lớn, thế nên cần hạn chế đưa vào bữa ăn hàng ngày.
Cụ thể, các phân tích dinh dưỡng chỉ ra rằng: Với dung lượng khoảng một muỗng canh, dầu dừa chứa 117calo, 14g chất béo, 12g chất béo bão hoà, và không có vitamin hay khoáng chất.
Thực tế, chất béo bão hòa trong dầu dừa có thể làm tăng cholesterol máu, từ đó làm tăng nguy cơ về các bệnh tim mạch, mỡ máu… Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, dầu dừa hay các chất béo hòa khác chỉ nên chiếm 7-10% tổng lượng calo mỗi ngày của mỗi người. Thậm chí, với những người đang sẵn có vấn đề về tim mạch hay mỡ máu..., lượng chất béo này nên ít hơn nữa.
Cũng chính vì những lý do trên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chúng ta không nên thay thế hoàn toàn các loại dầu ăn khác bằng dầu dừa mà nên sử dụng đan xen, An ninh Thủ đô thông tin.
Dầu dừa không được coi là thực phẩm có lợi cho tim và bị hạn chế trong chế độ ăn uống. Nên thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa như dầu olive hay hướng dương để giảm cholesterol LDL. Đây cũng là lựa chọn lành mạnh hơn so với dầu dừa.
Dầu dừa chỉ có một số tác dụng nhất định đối với cơ thể. Vì vậy, khi sử dụng cũng cần hết sức cẩn trọng. Hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ và chuyên gia để có thể đạt được kết quả ăn uống tốt nhất.