Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

'Cò' làm lý lịch tư pháp, hô biến cả án tích, lý lịch 'đen'?

(DS&PL) -

Hiện, các đối tượng “cò” làm dịch vụ lý lịch tư pháp đang bủa vây từ trong lẫn ngoài trụ sở sở Tư pháp TP.HCM. Các đối tượng “nổ” có mối quan hệ thân thiết với cán bộ....

Hiện, các đối tượng “cò” làm dịch vụ lý lịch tư pháp đang bủa vây từ trong lẫn ngoài trụ sở sở Tư pháp TP.HCM. Các đối tượng “nổ” có mối quan hệ thân thiết với cán bộ của Sở nên làm lý lịch rất nhanh.

“Cò” bủa vây tứ phía

Trong vai một người có ý định làm nhanh (LLTP), PV tiếp cận vị cán bộ đang làm việc tại văn phòng sở Tư pháp TP.HCM. Tuy nhiên, tại đây, vị này từ chối thẳng: “Ở đây không có dịch vụ làm nhanh, làm chậm gì cả. Chúng tôi chỉ làm việc theo đúng quy định. Anh cứ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nộp lên đây sẽ có người giải quyết”.

Thế nhưng, trước khi bước vào sở Tư pháp TP.HCM, PV quan sát, phát hiện có nhiều người lảng vảng, nhận làm nhanh LLTP và các thủ tục khác tại khu vực này. Phía trong trụ sở, nơi dành cho người dân làm các thủ tục liên quan đến tư pháp cũng có các đối tượng “cò” trà trộn, chào mời.

Một người tự giới thiệu tên Hoàng tiếp cận PV: “Em có cần giúp đỡ gì không? Anh đang hỗ trợ dịch vụ tư pháp tại đây”. Dù không hề đeo thẻ công chức nhưng Hoàng ăn mặc lịch sự và rất rành về các loại thủ tục tư pháp.

Biết ý định của PV cần tư vấn làm LLTP, Hoàng nói nhỏ: “Ra ngoài ngồi, trong này ồn ào quá. Anh sẽ tư vấn kỹ cho em. Anh lo được. Ở đây anh quen cán bộ mà, muốn làm nhanh thì đi ra ngoài”.

Không ít người trở thành nạn nhân, bị “cò” vẽ ra đủ lý do để ẵm số tiền đã giao kèo rồi bỏ trốn.

Sau một hồi luyên thuyên về cách thức, thủ tục làm LLTP, thấy PV gật gù, Hoàng chốt: “Nếu làm nhanh, trong vòng 7 – 10 ngày sẽ có. Phí dịch vụ 4,5 triệu đồng. Em đặt cọc trước cho anh bao nhiêu cũng được”.

Đến lúc này, Hoàng thừa nhận mình là “cò” dịch vụ làm LLTP: “Anh làm dịch vụ này mấy năm rồi. Trong đó (sở Tư pháp TP.HCM - PV), anh quen hết các cán bộ nên làm nhanh được, chứ mấy người khác không làm được đâu”.

Trở ra phía ngoài cổng trụ sở để tìm hiểu thêm, PV được một người tên Giang tới làm quen: “Anh đi làm thủ tục à, bên em đang nhận làm nhanh, phí thấp. Nếu anh làm LLTP, em chỉ lấy 3,5 triệu đồng, 10 ngày sau sẽ có”.

Thực tế, với chiêu thức “làm nhanh”, “không bị gây sách nhiễu”, “phiền hà”... các đối tượng “cò mồi” gây tâm lý hoang mang cho người dân. Không ít người đã là nạn nhân của tình trạng này, khi “cò” vẽ ra đủ lý do để ẵm số tiền đã giao kèo rồi bỏ trốn.

Chiêu “nổ” đổi trắng thay đen

Ông Nguyễn Hùng Minh (ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết: “Tôi có người em muốn đi nhưng trước đó đã có án tích nên khi làm LLTP, họ cũng ghi rõ trong đó. Tuy nhiên, một người tự xưng tên Thái (ở khu vực trước cổng sở Tư pháp TP.HCM) nói có thể làm lại LLTP khác mà không hề có án tích với giá 10 triệu đồng”.

“Sau khi giao tiền cọc 5 triệu đồng cùng hồ sơ nhưng đến ngày hẹn lên lấy LLTP, tôi gọi điện hoài cho Thái không được. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình dại. Làm gì có chuyện nó làm được hồ sơ cho mình, trừ khi làm giả”, ông Minh chia sẻ thêm.

Thực tế, một số đối tượng hoạt động trước cổng sở Tư pháp TP.HCM hiện vẫn còn cam kết xóa tiền án, tiền sự... trong LLTP. Để xác minh thông tin, PV đưa ra trường hợp đang có một tiền án đề nghị xóa trong LLTP, Giang nói ngay: “Làm được, nhưng anh phải thêm phí cho em. Cái này là để cho người ta (cán bộ phòng Tư pháp - PV) làm, chứ không phải cho em đâu”.

Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp danh tính của cán bộ móc nối, Giang từ chối và cho biết, đó là “chuyện nhạy cảm”. PV tiếp tục liên hệ với người tự xưng tên Trực, một “cò” có tiếng tại khu vực cổng sở Tư pháp TP.HCM, Trực nói: “Họ làm thì cần phải bí mật, lỡ có chuyện gì vừa mất ghế, vừa ảnh hưởng uy tín. Làm thì anh cứ đưa hồ sơ, gửi tiền. Có “hàng”, chúng tôi liên lạc lại sau”.

Theo tìm hiểu của PV, đa số các đối tượng “cò” loại dịch vụ này đều nhận bừa, bất kể trường hợp lý lịch tốt hay xấu, khó làm hay dễ làm. Đến khi không làm nhanh được, “cò” biện đủ lý do như “hồ sơ có vấn đề”, “do có án tích”, “đang chờ xác minh”... để “quỵt” tiền.

Đại diện sở Tư pháp TP.HCM cho biết, không có cán bộ móc nối với các đối tượng để làm nhanh giấy tờ, hồ sơ tư pháp, đặc biệt là LLTP.

Thừa nhận tình trạng “cò” dịch vụ LLTP lộng hành, bủa vây sở Tư pháp TP.HCM, bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc sở Tư pháp TP.HCM cho biết: “Cò không chỉ gây ảnh hưởng an ninh trật tự, phiền hà người dân, mất mỹ quan đô thị mà còn mất uy tín của Sở. Về chuyện có hay không, cán bộ của Sở móc nối với các đối tượng để làm nhanh giấy tờ, hồ sơ tư pháp, đặc biệt là LLTP, chúng tôi khẳng định là không có. Nếu phát hiện ra, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, không bao che, dung túng”.

Về quy trình thực hiện LLTP, một cán bộ của sở Tư pháp TP.HCM cho biết: “Người yêu cầu cấp phiếu LLTP có thể nộp hồ sơ trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc đăng ký trực tuyến tại trang thông tin điện tử của Sở. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, công chức được phân công tiếp nhận hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trường hợp từ chối thì thông báo bằng văn bản, có nêu rõ lý do”.

“Sau khi có kết quả xác minh từ các cơ quan có thẩm quyền, sở Tư pháp sẽ thực hiện việc tra cứu, đối chiếu thông tin LLTP tại cơ sở dữ liệu của Sở và cấp phiếu LLTP cho người có yêu cầu. Trường hợp kết quả xác minh thông tin LLTP là có án tích hoặc có tiền sự hoặc thông tin chưa rõ ràng, Sở sẽ mời người có tên trong hồ sơ để bổ sung, làm rõ thông tin hoặc tiếp tục xác minh tại các cơ quan khác theo quy định. Và cuối cùng, căn cứ vào ngày hẹn trên biên nhận để nhận kết quả trực tiếp hoặc qua dịch vụ chuyển phát của bưu chính”, cán bộ này cho biết thêm.

Nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa đủ mạnh

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc sở Tư pháp cho biết: “Sở đã triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh tình trạng “cò” nói trên. Một trong số đó là dán bảng thông báo (cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh) trước cổng với nội dung đề nghị người có nhu cầu giải quyết hồ sơ thì vào văn phòng, không tin và giao dịch với những người bên ngoài. Tuy nhiên, các biện pháp trên vẫn chưa đủ sức răn đe các đối tượng này”.

Thanh Tùng

Đăng lại bài trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 89

Tin nổi bật