Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cơ hội nào cho báo chí truyền thống trong cuộc chạy đua với truyền thông xã hội

(DS&PL) -

Trong xu hướng của báo chí ngày nay, các cơ quan báo chí cần tỉnh táo trong việc chạy đua tìm kiếm lượng truy cập hay số lượng người dùng. Bởi một thực tế phũ phàng rằng,

Trong xu hướng của báo chí ngày nay, các cơ quan báo chí cần tỉnh táo trong việc chạy đua tìm kiếm lượng truy cập hay số lượng người dùng. Bởi một thực tế phũ phàng rằng, số lượng không còn tỷ lệ thuận với lợi ích.

Phóng sự giả mạo VTV được lan truyền qua mạng xã hội có tác động và gây ra hậu quả lớn cho cộng đồng. PV Hôn nhân và Pháp luật đã bóc trần sự thật để kịp thời khuyến cáo cộng đồng

Thông tin có thể ảo nhưng tác động thật

Mới đây, Robert O Young, tác giả của cuốc sách "The pH Miracle Balance Your Diet, Reclaim Your Health" hay còn gọi là "Phép màu pH, cân bằng chế độ ăn, Cải thiện sức khỏe" đã bị tòa án Mỹ phán quyết phải bồi thường 105 triệu USD cho một người phụ nữ mắc bệnh ung thư.

Tin theo những hướng dẫn trong cuốn sách nêu trên được viết bởi một người không có chuyên môn trong ngành y cùng với những thông tin về "phép màu" của nó được lan truyền trên mạng xã hội, Dawn Kali, người phụ nữ 45 tuổi bị ung thư vú đã từ bỏ việc điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị hay phẫu thuật của y hiện đại để thực hiện phương pháp kiềm hóa như truyền baking soda và detox đường ruột.

Kết quả là, Dawn Kali phải đau đớn trong thất vọng vì "phép màu pH" được cư dân mạng lan truyền rộng rãi. Mặc dù phải tồn hàng nghìn USD cho việc theo đuổi một phương pháp chữa trị "Phép màu" nhưng căn bệnh của người phụ nữa này đã nhanh chóng chuyển qua giai đoạn cuối.

Nhằm vạch trần "thông tin độc hại hơn ung thư", bà đã quyết định đưa Robert O Young ra tòa về tội lừa đảo để đòi lại công lý cho mình và sự cảnh tỉnh cho cả cộng đồng.

Tương tự câu chuyện trên, vào những ngày cuối năm 2018, PV của chuyên trang Hôn nhân & Pháp luật thuộc báo Đời sống & Pháp luật đã vạch trần công nghệ "truyền thông bẩn" của PKĐY Nguyễn Thị Hường ở Mỹ Đức, Hà Nội. Phòng khám này đã thuê Công ty Time today Việt Nam dựng một phóng sự giả có sử dụng logo của VTV1 để thông tin sai sự thật về bài thuốc của một người "giúp việc" của phòng khám này tên là Nguyễn Thị Hường có khả năng chữa khỏi bệnh Gout.

Sự giả mạo trắng trợn vô nhân tính và bất chấp các quy định của pháp luật, khi những đối tượng này còn dàn dựng cho những bệnh nhân giả khẳng định đã được chữa khỏi bệnh Gout nhờ bài thuốc của vị bà Nguyễn Thị Hường.

Lợi dụng uy tín và hình ảnh của Đài truyền hình Việt Nam khi gắn logo VTV vào phóng sự giả mạo, nhóm đối tượng trên đã phát tán phóng sự trên lên mạng xã hội. Hàng triệu người đã tiếp cận thông tin, hàng vạn người đã tin vào khả năng chữa khỏi bệnh Gout của "thần y" Nguyễn Thị Hường. Nhiều người trong số họ đã vượt hàng trăm cây số về Hà Nội ăn đợi nằm chờ để được tận tay "thần y" này khám chữa bệnh và bốc thuốc. Họ cũng không ngần ngại bỏ hàng triệu đồng để mua những gói thuốc chưa được bất cứ cơ sở y tế nào kiểm chứng về khả năng chữa Gout. Và họ gần như đã bị sụp đổ hoàn toàn khi được báo chí xác minh, làm rõ bản chất thật sự của phóng sự giả mạo tuyên truyền sai sự thật về PKĐY Nguyễn Thị Hường.

Thông qua câu chuyện của bà Dawn Kali và phóng sự giả VTV về PKĐY Nguyễn Thị Hường, không chỉ những công dân mạng được thức tỉnh với tư cách là người lan truyền thông tin nghiệp dư mà còn có giá trị với cả những nhà báo, phóng viên đưa tin chuyên nghiệp.

Mạng xã hội và truyền thông cộng đồng có những lợi ích to lớn trong kết nối cộng đồng không thể phủ nhận được. Song đi kèm với nó là mặt trái không hề nhỏ. Ở đó, nếu thông tin không được kiểm soát, người sử dụng không thông thái rất có thể trở thành những nạn nhân.

Một báo cáo của Columbia Journalism Review khẳng định: “Truyền thông xã hội không chỉ nuốt chửng báo chí mà nó còn nuốt chửng tất cả mọi thứ. Nó nuốt chửng các chiến dịch vận động chính trị, các hệ thống ngân hàng, ngành giải trí, bán lẻ, thậm chí cả chính quyền và an ninh. Chiếc điện thoại trong túi mỗi người chúng ta chính là cánh cửa đi ra thế giới.”

Nâng cao chất lượng nội dung và tính chuyên nghiệp

Mạng xã hội rõ ràng đã giúp cho việc truyền tải tin tức và thông tin trở nên vô cùng dễ dàng. Một tỷ lệ khá lớn nội dung tin tức trên truyền thông xã hội là do các cơ quan báo chí đăng tải. Báo chí truyền thống đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình để kéo người dùng tương tác.

Cũng cần phải đánh giá khách quan rằng, chính mạng xã hội và truyền thông cộng đồng gần đây đã trở thành một phần không thể tách rời trong quy trình sản xuất của các cơ quan báo chí cũng như cá nhân các nhà báo. Thậm chí phương pháp làm báo mới với sự tham gia của cộng đồng, đang trở thành một xu hướng mới với tên gọi “participatory journalism,”.

Vậy làm thế nào để báo chí truyền thống tìm được chỗ đứng riêng của mình trong thời đại bùng nổ thông tin. Khi mà mọi người ai cũng có quyền tiếp cận và cung cấp thông tin theo quan điểm riêng của chính mình.

Báo chí truyền thống có sức mạnh và sứ mệnh riêng nếu biết xây dựng cho mình bản sắc văn hóa dựa trên nền tảng chất lượng thông tin: Nhanh - Trúng - Đúng - Hay. Báo chí phải xác thực lại những thông tin trên mạng xã hội để dẫn dắt cộng đồng theo định hướng đúng đắn, nhân văn và thượng tôn pháp luật. Ở đó các nhà báo cũng có thể là người tiếp nhận thông tin chứ không hẳn là người độc quyền tạo ra thông tin. Trách nhiệm của họ là sử dụng mạng xã hội để thu thập thông tin, thẩm định thông tin và phát hành thông tin đã được hiệu đính khoa học, chuyên nghiệp sao cho nó chính xác hơn, hấp dẫn hơn, sâu sắc hơn và mang quan điểm chính thống hơn...

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, TBT báo Đời sống & Pháp luật, báo điện tử Người Đưa Tin 

Chia sẻ về quan điểm này, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, TBT báo Đời sống & Pháp luật, báo điện tử Người Đưa Tin mới đây đã nhấn mạnh sự cần thiết phải "Nâng cao chất lượng thông tin, hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả xã hội thiết thực" của báo chí trong tình hình mới.

Theo chia sẻ của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh thì báo chí không thể và không nên chạy theo mạng xã hội mà báo chí phải tập trung làm tốt nhất những giá trị cốt lõi và thực hiện có trách nhiệm cao nhất sứ mệnh thông tin của mình. Đó là việc nâng cao chất lượng thông tin để bảo chứng, kiểm nghiệm và phản biện một cách trung thực, khách quan, khoa học và có định hướng đúng đắn, rõ ràng trước những thông tin trên mạng xã hội.

"Trong thời đại công nghệ hiện nay, chúng ta muốn có bạn đọc, chúng ta muốn có uy tín thì chúng ta cần phải định nghĩa lại cách làm báo. Thông tin bây giờ không phải theo đúng giáo trình là 5W + H. Những cái đó chúng ta không thể cạnh tranh được với mạng xã hội. Tôi nghĩ rằng thay vì phản ánh chúng ta phải sáng tạo. Chúng ta là những phóng viên được đào tạo bài bản thì chúng ta phải tìm cách phản ánh thông tin sao cho hấp dẫn hơn, sâu sắc hơn, đưa ra những góc nhìn, quan điểm sáng tạo hơn, thú vị hơn. Chúng ta phải tạo ra được sự khác biệt rất lớn so với cách thông tin nghiệp dư của công chúng trên mạng xã hội...", nhà báo Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh cũng nhấn mạnh việc mỗi tờ báo cần phải xây dựng cho mình bản sắc văn hóa và thương hiệu riêng. Cụ thể ông chia sẻ, báo Đời sống & Phát luật thì đích đến của nó phải là làm nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật sao cho đến với bạn đọc thật hấp dẫn, hiệu quả, chính xác, tin cậy...Cần phải tích hợp giữa thông tin và kể chuyện để tin tức sâu sắc hơn, dài hơn, có sức sống hơn. Báo điện tử Người Đưa Tin phải làm như đúng như tên gọi của nó. Đó không phải là tờ báo đưa tin tức thuần túy mà thông tin đưa trên báo đến với người đọc phải có dấu ấn, quan điểm, góc nhìn riêng mang tính chính thống của người viết...

Chia sẻ với những nhà báo, phóng viên trẻ của báo Đời sống & Pháp luật, báo điện tử Người Đưa Tin trên cương vị Tổng Biên tập, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh mong muốn những đồng nghiệp trẻ cần say mê hơn nữa trong công việc; thắp sáng tình yêu, nhiệt huyết nghề nghiệp; không ngừng học tập, rèn luyện, hoàn thiện bản thân; có khát vọng cống hiến để vươn đến tầm cao chuyên môn nghiệp vụ và hiệu quả công việc.

Trong xu hướng của báo chí ngày nay, các cơ quan báo chí cần tỉnh táo trong việc chạy đua tìm kiếm lượng truy cập hay số lượng người dùng. Bởi một thực tế phũ phàng rằng, số lượng không còn tỷ lệ thuận với nguồn thu và các lợi ích khác. Những cơ quan báo chí thành công là những cơ quan biết xây dựng một lực lượng độc giả trung thành, thậm chí cao hơn là xây dựng được một cộng đồng xung quanh tờ báo đó. Có thể nói, báo Đời sống & Pháp luật, báo điện tử Người Đưa Tin trong những năm qua đã thành công bởi những định hướng đúng đắn đó.

Qua những câu chuyện thật đang diễn ra về hệ lụy xã hội từ thông tin độc hại trên mạng xã hội và những chia sẻ đầy tâm huyết của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh (trình bày tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 của báo Đời sống & Pháp luật, báo điện tử Người Đưa Tin ngày 19/01/2019) đã phần nào giúp cho những người làm báo trong thời đại Công nghệ 4.0 càng nhận ra rõ hơn vị trí, vai trò và sứ mệnh cao cả của mình đối với xã hội.

Vương Xuân Nguyên - Báo Đời sống & Pháp luật

Tin nổi bật