Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cô giáo chủ nhiệm và câu chuyện về cậu học trò với chiếc áo rộng thình…!

(DS&PL) -

(ĐS&PL) Có những câu chuyện rất đỗi bình thường, những câu chuyện mà bất kì ai cũng có thể gặp trong đời, nhưng không phải ai cũng tìm ra cách để câu chuyện có cái kết tố

(ĐS&PL) Có những câu chuyện rất đỗi bình thường, những câu chuyện mà bất kì ai cũng có thể gặp trong đời, nhưng không phải ai cũng tìm ra cách để câu chuyện có cái kết tốt đẹp. Và câu chuyện tôi muốn kể ra đây, là một câu chuyện hoàn toàn có thật của một cô giáo tiểu học với cậu học trò nghèo của mình.

Qua câu chuyện của cô giáo ấy, khiến cho chúng ta nhìn rõ hơn, hiểu hơn về những vất vả của nghề giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp Một, và nó cũng nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương, trách nhiệm đối với con em mình.

Chuông điện thoại đổ dồn, vừa bấm a lô thì giọng em hỏi dồn; anh rảnh không, nếu rảnh thì em hỏi chuyện này chút? Hơi mắc cười với cách nói mà dân quê tôi gọi là “thẳng tưng”, không rào đón, không kiểu cách. Tôi bảo em nói đi, anh nghe đây.

Em vào chuyện luôn; mai em tham gia kể một câu chuyện về nghề giáo viên chủ nhiệm, em có câu chuyện này hoàn toàn là sự thật, mà không biết có nên kể ra không! Anh góp ý cho em với nhé. Em kể anh nghe với, tôi động viên và câu chuyện của em bắt đầu.

Hôm đó là ngày tựu trường, các em học sinh lớp một được phụ huynh đưa vào tận cửa phòng học. Những ánh mắt tròn xoe, ngơ ngác cứ nhìn ra ngoài cửa để tìm kiếm Ba, Mẹ đang đứng chờ đâu đó phía ngoài kia. Em cầm cuốn sổ điểm danh lần lượt từng học sinh, khi em gọi tên học sinh nào thì em đó giật nảy người đứng lên kèm theo những tiếng “dạ có” vang lên lúc to, lúc nhỏ. Rồi em gọi đến tên học sinh cuối cùng của lớp, Nguyễn Văn Thái, không nghe có tiếng trả lời, lần thứ nhất, lần thứ hai, thứ ba....em đưa mắt nhìn chung quanh kiếm tìm cậu học trò của mình ngồi đâu đó. Ở một góc bàn nơi cuối lớp, một cậu bé với mái tóc cháy nắng vàng khè, xoắn tít. Cậu bé gầy nhom với nước da đen nhẻm, trong chiếc áo trắng rộng thùng thình, hai tay bấu chặc lấy cạnh bàn, gương mặt cúi gằm xuống. Như một phản ứng tự nhiên, em bước đến chỗ cậu bé, em hỏi cậu học trò của mình: tên con là Nguyễn Văn Thái phải không, cậu bé gật đầu dạ lí nhí. Sao con không đứng lên điểm danh như các bạn khi cô gọi tên?

Thái lắc đầu, hai tay ôm chặt cái bảng tên trên áo, với gương mặt sợ sệt, đáng thương. Lúc này, quan sát kĩ em mới thấy cậu bé mang đôi dép nhựa cũ mèm, chiếc áo trắng cũ rộng thùng thình, chiếc quần short mới nhưng hơi rộng, lâu lâu cậu bé phải lấy tay kéo chiếc quần lên, trông rất đáng thương. Em bảo, con bỏ tay ra khỏi áo cho cô xem nào, hai tay cậu bé từ từ mở ra, một cái bảng tên với cái tên Nguyễn Thị Loan, hs lớp 6/1 trường THCS Lê Hồng Phong.

Con mặt nhầm áo của chị à, em hỏi cậu bé? Cậu bé trả lời ấp úng, dạ không, Chị Loan bên nhà cho con mượn áo mặc tạm đi tựu trường, mai ba ứng tiền lương sẽ may đồ mới cho con!

Nghe đến đó em ứa nước mắt, nhẹ nhàng bảo cậu bé: con ngồi xuống đi, và quay lên bục giảng lại tiếp tục công việc của mình.

Buổi học thứ hai em bước đến cạnh cậu bé và hỏi, hôm nay ai đưa con đến trường, mắt cậu bé ngấn nước và trả lời: chị đưa đến trường. Khi được hỏi chứ mẹ con đâu? Cậu bé ngước mắt lên và nói: mẹ ở với chú, lờ mờ đoán ra câu chuyện nên em lặng im và không hỏi gì thêm. Tan trường, cậu bé chạy ào ra cổng, em bước ra nhìn theo và thấy một cô bé cũng gầy và đen tầm hơn 10 tuổi đón cậu bé. Hai chiếc bóng trẻ con dắt tay nhau đi bộ trên lề đường, dưới cái nắng Thu cứ xa dần xa dần, mắt em nhòe đi.

Để nắm bắt hoàn cảnh gia đình của cậu học sinh ấy, em lần tìm đến tận nơi xem sao. Nằm sâu trong cái hẻm nhỏ trên đường Bà Huyện Thanh Quan, mà phải mất rất nhiều thời gian, hỏi nhiều người, em mới tìm ra được.

Đập vào mắt em là dãy trọ ẩm thấp, cũ kĩ, đến phòng cuối cùng em nhìn thấy hai chị em cậu bé đang nhặt rau.

Cậu học trò với cái tên Thái chạy vội lại, mời em vào nhà;

Trong căn nhà bé nhỏ, một người đàn ông gầy còm, khắc khổ đang nấu ăn, cúi xuống chào cô giáo chủ nhiệm của con mình.

Căn phòng không có chỗ để ngồi, người cha lúng túng.

- Thưa cô, mời cô ngồi tạm chỗ này.

 Anh chỉ lên cái giường bé nhỏ của hai cha con, em ngồi tạm và quan sát. Sau một hồi trò chuyện, em buột miệng hỏi: mẹ Thái… Em chưa hỏi hết câu thì người đàn ông đó đã ấp úng, ngắt lời, Mẹ nó ở quê cô à. Chắc cũng bận nhiều việc lắm, rồi anh tránh sang chuyện khác, như muốn đừng ai nhắc đến người phụ nữ ấy.

Trò chuyện một lúc rồi ra về, vậy là em đã biết được hoàn cảnh của gia đình Thái: mẹ đã bỏ cha con từ khi Thái còn bé, một tay cha nuôi hai con thơ dại, mẹ già ở quê bệnh hiểm nghèo. Cuộc sống như chưa từng cho anh điểm tựa, niềm tin, chỉ có các con là động lực để sống, anh đưa Thái rời quê đi làm ăn. Năm nay Thái vào lớp Một nên anh mới thuê trọ ở đây và cho Thái đi học, và đón chị của Thái xuống để tiện chăm sóc.

Hôm họp phụ huynh  đầu năm, đánh giá về đặc điểm của lớp, trong đó có trường hợp của Thái, một hoàn cảnh rất đáng thương, em đã vận động mọi sự đóng góp có thể để giúp đỡ cho cậu học sinh nghèo của mình. Tình yêu thương được lan tỏa, các bạn cùng lớp đã mang tặng Thái những món quà đặc biệt: một vài cây thước, hộp bút, quần áo, sách vở, có bạn lại đề xuất cha mẹ nộp tiền ăn bán trú cho Thái ở trường. Riêng em, chỉ đủ mua cho Thái cái bảo hiểm y tế để phòng khi đau ốm... và trên khuôn mặt của cậu học trò nghèo ấy luôn nở nụ cười ấm áp!

Câu chuyện của em không dừng lại ở đó!

..... Thấm thoát một tháng trôi qua, những tháng ngày vật lộn với cậu bé cũng dài thêm. Con bắt đầu với những con chữ, con số, cách cầm bút khá khó khăn. Chưa bao giờ con được biết học là gì? Bởi từ nhỏ con đã theo cha đi từ công trình này đến công trình khác, không nhà, không cửa, tối cha con ngả lưng trong cái nhà tạm bên công trường. Những bài học của con là nghịch cát nơi công trường xây dựng, trò chơi là những viên đá, những mảnh vụn của bê tông, gạch vỡ dùng để ném mấy con chim sẻ ngoài công trình. Cái nắng gió nơi công trường xây dựng, những buổi trưa lang thang đuổi theo những con chim làm cho da con sạm màu, tóc cháy...!

Con khá thông minh, nhớ rất nhanh, nhưng tập viết với con là không hề đơn giản. Cây bút chì giống như một cây lao trong tay, cứ cào, đâm thủng giấy, gãy bút nhưng nét chữ chẳng thành. Có những lúc tưởng chừng như bỏ cuộc, nhưng ánh mắt ngơ ngác trên gương mặt đen đúa khiến mọi thứ trở nên mềm lại, và em lại có thêm động lực để cố gắng hơn.

Em thương cậu bé nhất là những lúc ra chơi, các em học sinh trong lớp có được cây kẹo, cái bánh, hộp sữa .v.v để ăn. Còn cậu bé chỉ biết đưa mắt nhìn với sự thèm khát. Nhưng tuyệt nhiên Thái không lấy bất cứ thứ gì của bạn, không chọc phá hay xin xỏ ai, thi thoảng em mua cho cậu bé hộp sữa, cái bánh để ăn. Và nhìn cậu bé ăn một cách ngon lành.

Thương cậu học trò khiến em cố gắng nhiều hơn. Sau mỗi giờ giải lao, giờ nghỉ trưa  khi các bạn đã say giấc nồng, cô trò lại bi bô với từng con chữ. Với Thái, việc học có lẽ còn vất vả hơn cả cầm cái bay, bê viên gạch, xách xô nước giúp cha.       

Ba tháng trôi qua, cậu học trò nhỏ vẫn không thể nào nhận diện được các số từ 0 đến 10, các con chữ cái dường như không có ấn tượng lắm với Thái, và em cảm thấy nản, bất lực. Đôi khi em tự hỏi: chẳng lẽ cậu bé không thể học được sao? Và em phải bó tay vì không tìm ra cách để dạy cậu bé biết đọc, viết hay sao?

Những buổi trưa nằm trên chiếc giường bán trú, cậu bé thì thầm với em: Con nhớ mẹ cô à!

- Hay con không học nữa về ở với mẹ và chú.

(Nhưng con đâu có biết mẹ không cần đến con nữa, mẹ không thể chịu khó vượt qua cái cám dỗ đời thường, mẹ không chịu được cái cảnh nghèo khó của gia đình). Rồi em lại tránh sang chuyện khác, và hỏi: buổi tối ở nhà ba đi làm về có bày con đọc không Thái? Dạ không cô. Về đến nhà, những lúc rảnh ba chỉ bấm điện thoại thôi.

Em quyết định tìm gặp ba Thái lần nữa, trao đổi về việc học của con, nhờ anh hỗ trợ thêm cho con.

Nhưng rồi được vài ngày, mọi thứ lại trở về như cũ. Người cha lại bận rộn với những câu chuyện trên mạng xã hội, mà không biết con mình học như thế nào.

Em nản đến tột cùng.

Lần thứ ba em gọi điện trực tiếp, vì quá bực với sự vô trách nhiệm của người cha nên em đã nặng lời. Anh hãy bỏ cái điện thoại xuống và chạm đến con anh đi. Nó đã thiếu tình thương của mẹ giờ lại nhận sự vô cảm của cha, sao con anh có thể học được đây. Em trút hết nỗi lòng cả sự ấm ức lẫn bực tức của mình. Anh nghẹn lời, xin lỗi rồi cúp máy.

Ngay từ hôm đó, anh dành cả thời gian cho thằng bé, chơi cùng con, học cùng con. Bất ngờ thay, Thái tiến bộ rõ, con vui vẻ hơn, tự tin hơn và đặc biệt con bắt đầu ham học, đánh vần ê a từng tiếng, điều đó khiến em vui, vì còn có chút hi vọng Thái tiến bộ lên mỗi ngày... Thấm thoát trôi qua, giờ cậu bé tên Thái đã không còn là cậu bé rụt rè nhút nhát, đọc đánh vần nữa mà con đã đọc được những câu chuyện dài về lòng hiếu thảo, những câu chuyện về tình thương, sự bao dung....Và ngày 8.3 vừa qua, em nhận tấm thiệp từ chính tay các con và Thái làm tặng bà và mẹ nhân ngày Quốc tế phụ nữ. Với dòng chữ:‘Con yêu cô! Con có thể gọi cô là mẹ được không ạ?”

Hai cô trò ngồi lặng bên nhau, cậu bé khóc như chưa từng được khóc, giọt nước mắt trên má ướt đẫm vai áo em, tiếng thầm thì: Mẹ ơi! Nghe xé cả lòng.

Cuối năm học, ngoài các phần quà tặng cho học sinh xuất sắc, em còn có thêm một phần quà dành cho Thái – là học sinh tiến bộ nhất lớp. Cậu học trò với chiếc áo rộng thùng thình ngày nào, ôm phần quà trên tay mà đôi mắt rưng rưng. Còn em, thì nhớ lại lúc cậu học trò nghèo muốn bỏ học vì nhớ mẹ. Em nói với tôi: anh à… em mong rằng tất cả các người mẹ trên thế gian này, hãy luôn luôn giữ hơi ấm, giữ lửa cho gia đình, gần gũi, bao bọc và chở che cho con; vì với con, mẹ luôn là bờ vai mạnh mẽ nhất, là nơi nương tựa của con đến suốt cuộc đời.

Nghe câu chuyện của em, tôi chỉ nói với em được một câu: em hãy kể đi, kể đúng với câu chuyện của mình. Vì cái kết và phần mở đầu của nó xúc động và giàu tính nhân văn lắm! Chúng ta kể  một câu chuyện không phải vì giải thưởng, mà vì để truyền tải đến cuộc đời những ấm áp, yêu thương!

Câu chuyện tưởng như rất bình thường nhưng với em nó thực sự là một bài học lớn. Nó đánh thức trong em trách nhiệm, lương tâm của một người GVCN khiến em không bao giờ được phép chủ quan với những công việc đang làm. Và điều rất quan trọng đối với người giáo viên làm chủ nhiệm, là phải tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh để cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với các em.  Công việc của một người GVCN quả thật không dễ, nó đòi hỏi phải có sự linh hoạt, sáng tạo. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào thì tình yêu thương sự chia sẻ cảm thông và tinh thần trách nhiệm sẽ mãi là chiếc chìa khóa vạn năng có thể giúp chúng ta mở cánh cửa của những tâm hồn thơ dại. Đó chính là bí quyết để mỗi chúng ta luôn thành công trong công tác của người GVCN lớp.

Theo Văn Hiến

Tin nổi bật