Cô giáo dạy Văn Lê Trần Diệu Thu (SN 1995) hiện đang công tác tại khoa Khoa Giáo dục Chính trị và Khoa học cơ bản, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị.
Được biết, cô Thu quyết định trở thành một giáo viên Ngữ Văn vì có niềm yêu thích đặc biệt đối với môn học này. Thêm vào đó, cô cũng muốn lan tỏa tình yêu văn chương đến với nhiều học trò.
Cô Thu có niềm đam mê đặc biệt với Ngữ Văn, mong muốn có thể lan tỏa tình yêu văn chương đến với nhiều học trò. Ảnh: NVCC
Theo cô Thu, Ngữ Văn không phải là môn dành cho sư học thuộc, dài dòng khó nhớ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Trái lại, mỗi tác phẩm văn chương, mỗi bài học từ vựng, ngữ pháp lại mang tới cho chúng ta một bài học làm người, cách đối nhân xử thế, cách sử dụng ngôn từ hay và đẹp hơn để có thể giao tiếp hiệu quả hơn trong cuộc sống.
Ngữ Văn có ý nghĩa lớn như vậy nhưng không ít học sinh lại không nắm được kiến thức môn học, lơ là khi học, học mãi không nhớ hoặc chán nản vì liên tục bị điểm kém. Đây chính là lý do thúc đẩy cô Thu nghiên cứu và sáng tạo ra cách dạy Văn bằng công thức, qua đó giúp học sinh tiếp cận môn học dễ dàng hơn.
Một số công thức độc quyền làm nên thương hiệu văn cô giáo Diệu Thu có thể kể đến như Công thức tạo đoạn nghị luận xã hội, công thức viết mở bài, kết bài nghị luận văn học, Công thức tạo tính liên kết cho đoạn văn, bài văn, Công thức phân biệt ẩn dụ, hoán dụ, công thức sử dụng đại từ nhân xưng trong hành văn,…
Nữ giáo viên 9x "gây sốt" cộng đồng mạng với phương pháp dạy Văn bằng công thức. Ảnh: NVCC
Phương pháp dạy Văn độc đáo của cô giáo 9x khiến nhiều học sinh và cả các phụ huynh cảm thấy thích thú. Dù vậy, một số ít người lại cho rằng phương pháp này sẽ thui chột sự sáng tạo của học sinh, khiến các em thụ động.
Khi được hỏi về ý kiến nói trên, cô Thu chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Thật ra, bất kỳ phương pháp nào cũng có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuy vậy, tôi cho rằng tính phù hợp sẽ quyết định phương pháp ấy tồn tại hay không.
Bản chất của văn học công thức không hề ‘giết chết’ sự sáng tạo, trái lại phương pháp này sẽ cung cấp cho học sinh cái “sườn” để học sinh đắp “thịt” vào, từ đó hoàn thiện đoạn văn, bài văn. Học trò hoàn toàn có rất nhiều ‘đất để diễn’”.
Với mong muốn lan tỏa niềm say mê với văn chương tới các học sinh, cô giáo 9x không chỉ tìm ra phương pháp dạy mới lạ, thực hiện dạy Văn theo hình thức trực tiếp, qua Facebook mà còn khai phá “vùng đất mới” TikTok.
Dạy môn Ngữ Văn trên TikTok tưởng chừng là điều không tưởng nhưng cô Thu đã làm được và rất thành công. Dù chỉ mới bắt đầu được khoảng vài tháng, kênh TikTok của cô Thu đã thu hút tới hơn 522.000 lượt theo dõi và 7,3 triệu lượt like.
Nói về lý do thực hiện các clip dạy Văn trên TikTok, cô Thu cho hay: “Đây là nền tảng mạng xã hội hút giới trẻ, đặc biệt là học sinh. Các em có thể ghi nhớ một đoạn nhạc hot, một câu nói trend rất nhanh nhưng lại khó khăn khi ghi nhớ kiến thức văn học. Vì vậy, tôi lên ý tưởng thực hiện các clip dạy Văn qua nền tảng mạng xã hội này để lan toả kiến thức văn học”.
Quyết định khai phá "vùng đất mới" TikTok, cô giáo dạy văn Diệu Thu đạt được thành công lớn, hiện là cái tên "nổi đình nổi đám" trên nền tảng này. Ảnh: NVCC
Cô Thu tiết lộ thêm, lên nội dung ý tưởng là khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện các clip dạy Văn trên TikTok. Nếu chỉ truyền tải kiến thức văn học thông thường, các clip sẽ khó có sức hút đối với học trò, bởi vậy cô Thu phải tìm cách biến tấu nội dung sao cho phù hợp với “thế hệ Gen Z”. Theo nữ giáo viên này, những clip trên TikTok của cô sở dĩ được nhiều học sinh cũng như cộng đồng mạng quan tâm là do có ý nghĩa và giá trị đối với việc học Văn.
“Tôi rất vui và đó chính là động lực để bản thân tiếp tục cho ra đời các clip giảng dạy văn học. Trở nên nổi tiếng, tôi nhận được sự quan tâm của nhiều đồng nghiệp, học trò, bạn bè,… Đúng là có chút “bận” hơn vì mỗi ngày tôi nhận được hàng trăm tin nhắn từ khắp nơi gửi về nhờ giải đáp kiến thức văn học. Nhưng tôi xem đó là niềm vui để tiếp tục cống hiến”, cô giáo 9x tâm sự.
Theo cô Thu, các học sinh nên chủ động học hỏi để có thể lĩnh hội kiến thức tốt nhất vì trong thế giới công nghệ phát triển như hiện tại, việc tiếp cận kiến thức trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Thêm nữa, các em cần chọn lựa cho bản thân một phương pháp học tập phù hợp để nuôi dưỡng tình yêu văn chương. “Học sinh cần thích đã, cái gì mình thích thì mình sẽ yêu, sẽ cố gắng”, cô nói.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, cô Thu cho biết sẽ lập trang web Hocvanbangcongthuc để tiếp tục để lan toả thật nhiều kiến thức văn học tới học trò.
Đinh Kim