Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cô gái Hà thành và những dự án bảo vệ động vật hoang dã xuyên quốc gia

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Nguyễn Thị Thu Trang, cô gái Hà Nội, với cái tên thân thiện “Đại sứ” của động vật hoang dã liên tiếp giành được học bổng từ các trường ĐH danh giá ở Anh quốc.

(ĐSPL) - Nguyễn Thị Thu Trang, cô gái Hà Nội sinh năm 1990 liên tiếp giành được học bổng từ các trường đại học danh giá ở Anh quốc, được nhiều người gọi với cái tên thân thiện: “Đại sứ” của động vật hoang dã. Với cô, tình yêu thiên nhiên đã “ngấm” vào máu và cô luôn tâm niệm mang những gì mình học được áp dụng cho việc bảo vệ động vật ở Việt Nam.

Tình yêu động vật đã “ngấm” vào máu!

Mặc dù đã có bề dày 8 năm nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn động vật nhưng Trang vẫn khiêm tốn rằng, tất cả những gì cô đã làm chẳng thấm tháp vào đâu so với rất nhiều người âm thầm cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ động vật hoang dã.

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, Trang bộc bạch, nhiều người vẫn hỏi cô rằng, con đường đi nghiên cứu động vật hoang dã có phải là một cái duyên hay không? Khi đó, Trang vui vẻ trả lời “cái duyên” là cách gọi lãng mạn hóa mà thôi, còn thực tại để đến được với những thứ mình yêu thích thì cần sự cố gắng, tập trung, phấn đấu hết mình và không từ bỏ, dù thứ mình yêu thích là cái gì đi nữa.

Cô gái đam mê nghiên cứu động vật (ảnh NVCC).

Theo chia sẻ của Trang, cô may mắn vì biết được con đường cô muốn đi và công việc cô muốn làm từ lúc còn khá nhỏ. Việc quyết tâm theo đuổi con đường này cũng rất tự nhiên, từ bé Trang luôn thích khám phá, tìm tòi những điều mới lạ, cô hay thức khuya xem những chương trình phim tài liệu về thiên nhiên, động vật hoang dã. Đặc biệt, khi đã trưởng thành, Trang thấy thái độ và hành vi của người dân đối với động vật rất thờ ơ (đánh đập, đốt rừng, phá rừng, buôn bán động vật hoang dã trái phép...) vì thế Trang đã quyết tâm “phải làm gì đó” để thay đổi điều mà mình thấy nhức nhối nhất này.

Nghĩ và làm. 14 tuổi, khi vẫn còn là học sinh cấp 2, Trang một mình khăn gói đến trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã ở Sóc Sơn xin làm tình nguyện. Có kinh nghiệm thực tế, 15 tuổi Trang tham gia cuộc thi Quốc gia về bảo vệ nguồn nước và đoạt giải nhất.

Tình yêu động vật hoang dã luôn thôi thúc cô gái trẻ “vượt qua chính mình”. Năm 17 tuổi, Trang đã vác balo nhập đoàn băng rừng xuyên đêm để tham gia khoá tập huấn về linh trưởng. “Mình muốn thực sự trở thành nhà bảo tồn động vật hoang dã, làm nghiên cứu về tập tính và môi trường sống của chúng. Khi nghe tin có khóa tập huấn về linh trưởng ở Việt Nam do Conservation International đồng tổ chức với các tổ chức bảo tồn khác, mình đã đăng ký tham gia và rất may mắn được nhận, vì khóa học này lúc đó chỉ dành cho những anh chị năm cuối đại học trong ngành môi trường và các anh, các chú làm kiểm lâm”, Trang nhớ lại. Với Trang, khóa tập huấn đó là một trong những bước đi đầu tiên và là cơ hội để cô có thể hiểu “làm bảo tồn nghiên cứu là làm gì”.

Năm 2006, Trang đại diện học sinh - sinh viên cả nước tham dự cuộc thi khoa học tại Đài Loan và đoạt giải nhất lĩnh vực khoa học môi trường (Environmental Science). Hai năm sau, Trang đoạt được học bổng đại học Oxford và năm 2011 tốt nghiệp với bằng cử nhân tài năng (Bachelor of Science with Honours).

Là một trong những người đi tiên phong trong phong trào bảo vệ động vật nhờ vào sức mạnh của mạng xã hội tại Việt Nam, năm 2010, Trang thành lập trang Facebook "Tôi yêu động vật". Khi đó, Trang mới chỉ là một du học sinh 20 tuổi ở Anh kết nối từ xa với những bạn trẻ ở quê nhà Việt Nam để mở rộng mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã. Sau 6 năm, mạng lưới "Tôi yêu động vật" và WildAid Việt Nam do Trang thành lập đã kết nối hơn 70.000 thành viên.

Năm 2012, Trang tốt nghiệp khóa thạc sĩ chuyên ngành Bảo tồn linh trưởng tại ĐH Oxford. Một năm sau đó, Trang tiếp tục giành học bổng toàn phần tại ĐH Cambridge và trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên tham dự Student Conference on Conservation Science ở Cambridge, Anh.

Kinh nghiệm từ những chuyến đi, các cuộc thi về đề tài môi trường đã giúp Trang định hướng rõ ngành mà mình yêu thích để theo đuổi. Tuy nhiên, Trang đã vấp phải sự ngăn cản từ gia đình. “Rào cản lớn nhất của mình vẫn là gia đình không ủng hộ. Ngay cả bây giờ bố mẹ cũng không thực sự ủng hộ mình theo ngành này”, Trang bộc bạch.

Theo lời kể của Trang, lúc còn nhỏ cô không hiểu chuyện và cảm thấy bức bối vì bị bố mẹ ngăn cấm. Nhưng cho đến thời điểm bây giờ, Trang cũng có thể hiểu được phần nào lý do vì sao bố mẹ không muốn cho mình đi theo con đường này. “Đi làm nghiên cứu bảo tồn như mình phải đi xa, đi nhiều, vào rừng sâu khá thường xuyên, nó cũng không phải dạng công việc như các ông bố bà mẹ Việt Nam mong muốn con mình làm vì nó không nhàn hạ lương cao. Giờ thì mình hiểu là bố mẹ cũng chỉ muốn cho mình được hạnh phúc thôi, nhưng mình cũng rất cảm ơn bố mẹ vì cho dù bố mẹ không thực sự ủng hộ, nhưng cũng đã để mình được sống với đam mê và hạnh phúc riêng của mình”, Trang chia sẻ.

Những kỷ niệm buồn, vui, thất vọng

Quỹ thời gian của Thu Trang chia đều cho việc học ở Anh, những khu bảo tồn động vật ở châu Phi và đôi khi là những chuyến thực địa dài ngày tại quê nhà. Tuy nhiên, một trong những dự án cô tâm đắc nhất là dự án về tê giác ở châu Phi vào tháng 6/2014.

Trang luôn lưu giữ lại những khoảnh khắc (ảnh NVCC).

Trò chuyện với PV, Trang chia sẻ nhiều về những chuyến đi của mình. Cô nói, đi làm nghiên cứu bảo tồn có nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có mà thất vọng cũng có. Khi đi làm nghiên cứu ở châu Phi, sống trong trạm nghiên cứu ở vườn quốc gia và được nhìn ngắm các loài động vật hoang dã là một điều vô cùng tuyệt vời. Tuy nhiên, gần như đêm trăng rằm nào cũng có thể nghe thấy tiếng súng của những tên săn trộm tê giác và gần như ngày nào cũng thấy con số thống kê tê giác bị giết chết ngày một tăng ở khu vực đó.

“Cảm giác biết rằng những chú tê giác này bị giết để phục vụ cho nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam và Trung Quốc, nói chuyện với những người kiểm lâm làm việc ở đó, họ thấy sự bất lực, thất vọng và những nỗ lực của họ gần như không được đền đáp. Khi làm việc với mọi người ở nhà, nhiều khi thấy được thái độ của người dân Việt Nam mình đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã khiến mình cảm thấy rất tức giận, rất buồn và cũng rất thất vọng”, Trang bùi ngùi kể.

Quen với điều kiện sống thiếu thốn trong rừng, tuy vậy, không ít lần Trang gặp những tình huống dở khóc dở cười. Không ít lần cô bị lạc nhiều ngày trong rừng, nhịn đói nhịn khát tìm đường ra duy nhất nhờ có chiếc máy định vị GPS làm hộ thân. Ở vùng đất xa lạ, bất đồng ngôn ngữ và rắc rối với người bản địa cũng khiến cô gặp trở ngại trong việc nghiên cứu. Nhưng nhờ đó Trang hiểu rằng khó khăn là món quà mang đến cho cô nhiều trải nghiệm.

Trang kể rằng, cô làm nghiên cứu về tập tính và sinh thái của động vật hoang dã nên cũng có nhiều kỷ niệm thú vị với các loài động vật. Tuy nhiên, với loài voi thì cô luôn có cảm giác yêu mến và ngưỡng mộ nhiều nhất. Loài voi không chỉ là một loài động vật vô cùng thông minh, mà chúng còn có đời sống xã hội rất phức tạp, rất tình cảm với các thành viên quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. “Mình không bao giờ hiểu được và cũng không bao giờ chấp nhận chuyện con người giết hại loài động vật tuyệt vời này chỉ để lấy ngà làm trang sức”, Trang bức xúc nói.

Đừng nhấn nút “like” vô tình

Chia sẻ với PV, Trang muốn gửi gắm đến các bạn trẻ, đừng “like” hay “share” những hình ảnh man rợ của những đối tượng giết hại động vật hoang dã làm trò vui trên facebook, hãy thông báo với chính quyền và với các tổ chức làm bảo tồn để họ bị pháp luật trừng trị. “Like” hay “share” những hình ảnh đó chính là hành vi khuyến khích gián tiếp để những hành động này lại tái diễn.

Điều 190. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm(Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009)

1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba  năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ,  quyền hạn;

c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;

d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Hành hung để tẩu thoát;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

c)  Tái phạm nguy hiểm;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở  lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ  năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích dẫn từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.


M.THU

[mecloud]ZS5hW91Flp[/mecloud]

Tin nổi bật