Bị bán sang Trung Quốc từ năm 17 tuổi, chị Hà may mắn trốn thoát. Sau 17 năm phiêu bạt nơi đất khách, chị khao khát một ngày được trở về nơi mình sinh ra. Biết tin con gái còn sống, người cha già không kìm nổi nước mắt vui sướng và mong con gái sớm được đoàn tụ. Ngày 4/2 (tức mùng 8 Tết) chị Hà đã may mắn được gặp lại những người thân yêu của mình.
Nước mắt hạnh phúc
Trưa 4/2, tức ngày mùng 8 Tết, tất cả các thành viên, họ hàng gia đình ông Bùi Văn Hán (66 tuổi), ở thôn Đự, xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đông đủ đón chờ giây phút cô con gái thứ tư là chị Bùi Thị Hà (SN 1982) trở về nhà. Có lẽ, người vui sướng nhất vẫn là ông Hán, bởi bao ngày tháng ngóng đợi, nay người cha đã gặp lại cô con gái bị thất lạc 17 năm về trước. Gặp lại chị Hà, nước mắt hạnh phúc của người cha già đã rơi trên khuôn mặt nhăn nheo khiến người đối diện không khỏi xúc động.
Niềm vui của ông Hán khi được gặp lại cô con gái thân yêu sau nhiều năm xa cách. |
“Tôi biết tin con gái còn sống gần 1 năm nay nhưng nó chưa hoàn tất được mọi thủ tục để về quê. Từ hôm mùng 6 Tết, khi nhận được tin con gái sắp về, tôi không thể nào chợp mắt được. Ngay từ sáng sớm, tất cả người thân, họ hàng đã tập trung tại nhà tôi để mong gặp lại cháu. Nay con gái đã trở về mạnh khỏe, tôi hạnh phúc lắm, giờ có nhắm mắt xuôi tay tôi cũng mãn nguyện rồi”, ông Hán nói trong xúc động.
Được biết, 17 năm trước, gia đình ông Hán thuộc diện nghèo nhất xã, chị Hà phải bỏ học giữa năm lớp 3. Gạo ăn trong gia đình đã hết, Hà bỏ học đi chăn trâu, mò cua bắt ốc về bán lấy tiền giúp bố mẹ cải thiện cuộc sống. Lớn hơn chút nữa, Hà ra ruộng làm việc đồng áng phụ cha mẹ.
Vào giữa tháng 2/2000, trong lúc gia đình ông Hán sửa lại ngôi nhà cấp 4, Hà và em gái mâu thuẫn, cãi cọ nhau. Thấy vậy, ông Hán quát mắng và tát chị Hà 1 cái vì cho rằng Hà là chị mà không biết nhường nhịn em. Sau ngày hôm đó, chị Hà đã bỏ đi biệt tăm. Hễ nghe thấy ai báo tin chị ở đâu, người thân và đích thân người cha lại dò hỏi, tìm đến với nhiều hy vọng nhưng đều vô vọng.
Giờ đây, trong giây phút cả gia đình đoàn tụ, tất cả thành viên không kìm được xúc động. Không riêng gì gia đình ông Hán, mà với tất cả người dân xã Thành Thọ thì sự trở về của chị Hà như một câu chuyện cổ tích. Giây phút chờ đợi đứa con bao năm xa cách trở về, mắt ông Hán không ngừng hướng ra cửa đau đáu chờ đợi con.
Nhớ lại chuyện xưa, ông Hán kể trong xót xa: “Cái Hà bỏ đi vào khoảng tháng 7/2000, lúc đấy nó chưa được 18 tuổi. Một hôm, nó với đứa em gái chành chọe nhau, tôi không kiềm chế được nên tát nó một cái. Thế là nó bỏ nhà đi, cứ nghĩ nó đi một lúc rồi về. Đến bữa ăn không thấy con về, cả nhà mới tá hỏa đi tìm nhưng không thấy. Thế là nó đi một mạch suốt mười mấy năm qua. Suốt bao nhiêu năm qua, tôi chỉ cầu mong một điều là được biết con mình còn sống hay không(!?)”.
Cuộc sống tủi nhục nơi xứ người
Khi vừa bước chân về đến cổng ngôi nhà, dù mọi thứ đã thay đổi nhiều, chị Hà vẫn nhớ và nhận diện được những người hàng xóm, anh em họ hàng. Nhìn thấy ông Hán, chị Hà ôm chặt bố khóc nức nở: “Bố ơi, con nhớ bố lắm!”. Thắp nén hương lên bàn thờ mẹ, chị Hà chỉ biết chết lặng, rồi ôm bố và người thân trong gia đình khóc nức nở. Trong giây phút cả gia đình đoàn tụ, tất cả mọi người trong nhà đều không kìm được xúc động, những giọt nước mắt liên tục tuôn rơi.
Cuộc gặp mặt đầy xúc động của đứa con xa nhà 17 năm. |
Qua lần ông Hán được nói chuyện với con gái, chị Hà cho biết, đã bị nhóm người lạ lừa bán sang Trung Quốc. Ngay khi đặt chân đến đất Quảng Châu, Trung Quốc, chị bị những kẻ lừa đảo bán người, lừa lấy hết giấy tờ rồi bán cho một người đàn ông ở vùng nông thôn hẻo lánh. Hoang mang và lo sợ tột độ, song chị không thể nào trốn thoát trước sự canh chừng của gia đình nhà chồng. Sống với người này 3 năm, bị giày vò về thể xác... chị trốn được ra ngoài và lang bạt đến TP.Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây.
“Sau khi bị bán, nó đã trốn thoát và ở lại Quế Lâm cho đến bây giờ”, ông Hán nói với PV. Hiện tại, chị Hà chung sống với người chồng làm công nhân xây dựng. Do không có giấy tờ tùy thân nên cuộc hôn nhân này không có hôn thú, chỉ là 2 người tự dọn về sống với nhau như vợ chồng. Hiện giờ, chị Hà đã có 2 người con trai, đứa cả 13 tuổi, đứa bé 7 tuổi. Cả 2 đều không phải con của người chồng hiện tại. Sau 2 lần sinh đẻ, chị đã mất khả năng sinh nở. Song, người chồng hiện tại lại rất thông cảm và đã đồng ý cho chị về Việt Nam thăm người thân.
Chị Hà cho PV biết, vợ chồng chị đang sinh sống tại thôn An Hoà, tỉnh Quảng Tây. Sau nhiều lần chạy trốn, chị may mắn gặp được người chồng hiện giờ. Chị là mối tình đầu của anh, vì thế anh hết mực yêu thương. Mặc dù anh đồng ý để chị về Việt Nam thăm gia đình, nhưng chị nói, thực tình anh không muốn để chị đi. Anh lo lắng, chị về Việt Nam rồi sẽ không còn quay lại với anh nữa nên người chồng đã mua vé tàu về cùng.
Chị Hà may mắn vì đã gặp được người chồng hiện tại, chính anh đã giúp đỡ chị rất nhiều trong thời gian qua. Sau 16 năm phiêu dạt nơi đất khách, chị ngày đêm ao ước tìm lại được gia đình ở Việt Nam. Nhưng do thời gian bị bán sang Trung Quốc quá lâu, không biết chữ, lại không có giấy tờ nên thời gian qua rất khó để trở về quê. Hàng ngày, chị buôn bán quần áo ở khu thương mại. Vì không có giấy tờ tùy thân nên cuộc hôn nhân hiện tại với người công nhân xây dựng chưa hợp pháp.
Được biết, người chồng này rất yêu thương chị. Một lần chị gặp được cặp vợ chồng Việt đi du lịch sang Trung Quốc, chị Hà tâm sự lại số phận của mình và mong muốn được vợ chồng này tìm kiếm giúp chị người thân đang sống ở Thạch Thành. Cặp vợ chồng người Việt đã chụp lại chân dung chị và đăng trên facebook. Không ngờ, sau một thời gian, chị Hà đã được đoàn tụ cùng gia đình sau 17 năm lưu lạc.
Tâm sự với PV, chị Hà nghẹn ngào: “Vào sáng 2/2 (mùng 6 Tết), tôi cùng chồng đã ra TP. Quế Lâm mua vé tàu về Việt Nam. Đến khoảng 10h ngày 3/2, tôi về đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn”. Trở về quê chị Hà vẫn lơ lớ tiếng Việt, phát âm chưa sõi, có chỗ vẫn phải dùng tiếng Trung Quốc vì không thể diễn đạt được bằng tiếng mẹ đẻ.
Chị kể: “Sau khi được các cơ quan chức năng làm thủ tục để có thể về nước, tôi dự kiến sẽ về thăm gia đình trước dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do ở bên Trung Quốc, tôi không có giấy tờ tùy thân, không có công việc ổn định, nghèo khổ nên không đủ tiền về. Chồng hiện tại của tôi, dù rất thương yêu vợ nhưng công việc cũng chỉ là đi làm phụ hồ tại các công trường xây dựng nên thu nhập không được bao nhiêu. Sau một thời gian dành dụm, ngày 2/2, vợ chồng tôi đã đủ tiền để về Việt Nam thăm bố và anh chị em nên quyết định ra bến tàu để mua vé về quê. Được gặp lại bố, gặp lại mọi người, tôi hạnh phúc nhiều lắm, chỉ tiếc, lúc trở về mẹ tôi đã không còn nữa. Về thăm gia đình vài hôm, tôi cùng chồng sẽ trở lại Trung Quốc”.
*Bài viết đã được đăng tải trên báo giấy Đời sống & Pháp luật
Thiện Quyền