Mới đây, cư dân mạng chia sẻ hình ảnh một cô dâu người dân tộc thiểu số sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, mặc váy cưới của người Mông gây ấn tượng với khách mời dự tiệc cưới. Theo đó, cô dâu mặc váy, đội mũ với nhiều hạt cườm, đính các sợi trang trí tinh xảo. Cặp trai tài gái sắc sánh đôi tại hôn trường trong tiếng chúc phúc của gia đình hai bên.
Bài đăng về cặp đôi này trên một trang cộng đồng đã nhanh chóng thu hút 19 nghìn lượt thích, hơn 700 lượt bình luận và 160 lượt chia sẻ.
Hình ảnh cô dâu mặc váy, đội mũ với nhiều hạt cườm, đính các sợi trang trí tinh xảo. Ảnh: VTC News.
Theo VTC News, hình ảnh lễ cưới trên là của cô dâu Lù Thị Ngân (22 tuổi, dân tộc Nùng) và chú rể Nhật Tuấn (22 tuổi, dân tộc Mông) ở Lào Cai.
Theo chia sẻ của cô dâu Lù Thị Ngân, hai gia đình đều sống ở huyện Mường Khương nhưng khác xã, cách nhau 30km. Ngân và chồng đã trải qua 6 năm yêu đương, trước khi quyết định về chung một nhà. Cặp đôi quen nhau từ khi học cùng trường cấp 3 tại Mường Khương. Ban đầu, hai người chỉ là bạn bè thân thiết, lâu dần tình cảm nảy nở và trở thành một đôi.
Sau khi tốt nghiệp THPT vào năm 2020, Ngân chuyển đến TP Lào Cai để học đại học. Trong thời gian đó, Tuấn đi làm trợ lý giám đốc tại một công ty ở Vĩnh Phúc. Sau một thời gian yêu xa, họ quyết định tiến tới hôn nhân.
Ngân và chồng đã trải qua 6 năm yêu đương, trước khi quyết định về chung một nhà. Ảnh: VTC News.
Sau khi các hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nàng dâu cảm thấy hạnh phúc khi nhận về nhiều lời khen ngợi nhan sắc xinh đẹp. Cặp đôi bất ngờ khi ảnh đám cưới được mọi người quan tâm.
"Hai vợ chồng muốn cảm ơn sự quan tâm của cộng đồng mạng. Mình cảm thấy bản thân rất bình thường, may mắn được mọi người ưu ái", Ngân bày tỏ khi nhận về nhiều lời khen của cư dân mạng.
Trong ngày cưới, ngoài dựng rạp và lo cỗ bàn đãi khách, hai bên gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng về trang phục cho cô dâu. Mẹ của Ngân may tặng con gái một bộ áo chàm giản dị của người Nùng. Trong khi đó, chị gái chú rể may cho em dâu một bộ váy cưới của người Mông với màu sắc và các chi tiết cầu kỳ cùng chiếc mũ đội đầu trang trí dây bạc, hạt cườm cực kỳ công phu.
Bộ trang phục cưới của cô dâu người Mông có nhiều hoa văn, họa tiết hơn váy mặc thường ngày. Đặc trưng màu sắc trên váy là đỏ và trắng tùy theo lựa chọn của từng gia đình. Thời gian may một bộ váy như vậy có thể kéo dài 7-10 ngày, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận đến từng chi tiết.
Trong đám cưới, hai bên gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng về trang phục cho cô dâu. Ảnh: VTC News.
"Trong đám cưới, mình diện 3 bộ trang phục khác nhau gồm váy cưới kiểu hiện đại, bộ váy của người Mông và áo chàm của người Nùng. Trang phục không chỉ giúp cô dâu xinh tươi hơn trong ngày hạnh phúc trăm năm, đằng sau đó còn là lời chúc phúc mà người thân muốn gửi gắm", cô gái quê Lào Cai chia sẻ.
Quá trình tổ chức lễ cưới của cặp vợ chồng quê Lào Cai diễn ra tương tự như ngày vui của các cặp đôi khác. Tuy nhiên, một số phong tục đặc trưng của người Mông vẫn được gia đình giữ gìn.
"Trong đám cưới và lễ hỏi của người Nùng và người Mông, khi đi ra đường, cô dâu và chú rể đều đeo gương ở trước và sau cổ. Theo quan niệm từ xa xưa, đeo gương như vậy có mục đích xua đuổi những điều không may mắn, mang lại hạnh phúc cho cặp đôi", Ngân chia sẻ.
Theo báo Dân trí, cặp đôi đều sinh năm 2002, Nhật Tuấn luôn tỏ ra là người ga lăng, chỗ dựa vững chắc cho vợ. "Trong mắt mình, chồng là anh chàng đẹp trai, hiền lành, tốt bụng. Nhìn bên ngoài, anh ấy lạnh lùng với cả thế giới, nhưng lại rất tình cảm và nhẹ nhàng với vợ", Ngân cho biết.
Một số phong tục đặc trưng của người Mông vẫn được gia đình giữ gìn trong đám cưới cặp đôi. Ảnh: VTC News.
Bố mẹ chồng có cách sống theo lối hiện đại nên cô gái xinh đẹp không bỡ ngỡ khi bắt đầu những ngày làm dâu. Cô cảm thấy may mắn vì được gia đình chồng quan tâm, yêu thương và tạo bầu không khí thoải mái nhất.
Sau đám cưới, cô dâu người dân tộc Nùng tiếp tục quay lại thành phố để hoàn thành năm thứ tư đại học. Trong tương lai, Ngân và Tuấn dự tính sẽ tạo dựng sự nghiệp kinh doanh riêng để có kinh tế ổn định, cho các con một cuộc sống sung túc.