Là ngày rằm cuối cùng của năm, nghi lễ cúng rằm tháng Chạp rất được người Việt coi trọng. Rằm tháng Chạp khởi đầu cho mùa lễ hội, mùa Tết Nguyên đán, là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và các vị thần linh, chuẩn bị tiễn đưa năm cũ và đón năm mới.
Theo Lịch vạn niên, ngày Rằm tháng Chạp năm Giáp Thìn 2024 (tức ngày 15 Âm lịch) rơi vào thứ 3, ngày 14/1/2025 Dương lịch.
Theo gợi ý của các chuyên gia phong thủy, cúng Rằm tháng Chạp tốt nhất nên thực hiện vào buổi sáng hoặc chiều tối, không nên cúng quá muộn. Thời gian tốt nhất là trước khi trời tối.
Có 3 khung giờ đẹp trong ngày để thực hiện cúng Rằm tháng Chạp. Giờ Ất Mão (5h-7h), giờ này tốt nhất cho việc khai trương và các nghi lễ thờ cúng. Cúng Rằm tháng Chạp 2024 giờ này thì cầu tài lộc dễ phát, kinh doanh buôn bán thuận lợi.
Giờ Đinh Tỵ (9h-11h), gia chủ làm gì cũng suôn sẻ, dễ gặp được quý nhân tương trợ, lúc nguy nan có người ứng cứu kịp thời.
Giờ Canh Thân (15h-17h), làm lễ cúng Rằm giờ này thì công việc thuận lợi, kinh doanh phát đạt, sở cầu như nguyện.
Tuy nhiên, tùy theo lịch trình công việc và thực tế của mỗi gia đình, có thể soạn lễ cúng Rằm tháng Chạp vào ngày 14/12 Âm lịch, tức ngày 13/1/2025 Dương lịch.
Cúng rằm tháng Chạp 2024 vào giờ nào là tốt nhất?
Ngày nay, do bận rộn công việc, nhiều người thường thắp hương vào thời gian thuận tiện nhất. Tuy nhiên, theo quan niệm truyền thống, việc thắp hương vào buổi tối không được khuyến khích, trừ khi có lễ cần thực hiện đúng giờ hoặc các tình huống đặc biệt.
Theo dân gian, ban ngày thuộc dương, ban đêm thuộc âm. Vào ban đêm, âm khí mạnh, việc thắp hương có thể vô tình mời gọi không chỉ hương linh tổ tiên mà cả các thế lực không mong muốn, gây điều không tốt lành. Vì vậy, nhiều người tránh thắp hương vào ban đêm để ngăn cản những năng lượng tiêu cực xâm nhập. Tuy nhiên, tại các đền chùa, nơi có sự che chở của Phật và thánh thần, điều này không còn là mối bận tâm.
Buổi sáng được xem là thời gian lý tưởng để thắp hương, vì lúc này không khí tinh khiết, trong lành, thích hợp để giao tiếp với tổ tiên và thần linh. Ngược lại, buổi tối mang ý nghĩa của sự kết thúc, bóng tối và nghỉ ngơi, không gian dễ tạo ra tà khí và ảnh hưởng xấu.
Ban ngày tượng trưng cho sự sống, còn ban đêm là thời gian của cái chết và sự ẩn khuất. Vì thế, thắp hương ban đêm có thể làm mất đi sự thanh tịnh cần thiết trong nghi lễ thờ cúng. Ngoài ra, bóng tối dễ tạo cảm giác sợ hãi, nhất là khi chưa có điện, khiến người xưa thường kiêng làm nhiều việc vào ban đêm.
Thêm vào đó, lễ cúng cần sự trang trọng, mà ban đêm không gian u ám có thể làm giảm tính nghiêm trang và sự tập trung của người cúng. Vì thế, trừ khi cần thiết, các nghi lễ quan trọng nên thực hiện vào ban ngày để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và thần linh.
Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!